Từng là một trong những công trình kỳ vọng làm nên bộ mặt khang trang của thành phố, sau 6 năm đắp chiếu, Cao ốc Sài Gòn M&C bị VAMC thu giữ để xử lý các khoản nợ. Số phận của nhiều ông chủ đầu đời của tòa nhà cao thứ 3 TP HCM bi đát không kém.
Cao ốc Sài Gòn M&C gắn liền với tên tuổi chủ đầu tư Công ty Cổ phần Địa ốc Sài Gòn M&C, một doanh nghiệp chuyên về đầu tư cơ sở hạ tầng, kinh doanh bất động sản.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài Công ty M&C, Saigontourist, những cổ đông sáng lập được nhiều người biết đến thì còn một đơn vị đáng chú ý khác là Công ty Đất Thủ đô. Qua nhiều năm, cơ cấu sở hữu dần thay đổi bởi nhóm DongA Bank. Và cũng chính từ đây, sự “vô vọng” trước những cam kết cho tương lai đã khiến cho những ông chủ của Sài Gòn M&C dần “tan đàn xẻ nghé”.
CTCP Địa ốc Sài Gòn M&C được thành lập vào ngày 31/3/2004 để tập trung nguồn lực thực hiện dự án cao ốc Sài Gòn M&C, là liên doanh giữa CTCP M&C, Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) và Công ty TNHH Đất Thủ đô với tỷ lệ góp vốn lần lượt 60%, 30% và 10%. Theo giấy đăng ký kinh doanh ngày 30/7/2012, Công ty có vốn điều lệ đăng ký 1.046 tỷ đồng, song thực góp chỉ mới góp 523 tỷ đồng.
Ngành nghề kinh doanh chính gồm đầu tư cơ sở hạ tầng, kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất, cho thuê nhà xưởng, xây dựng công trình dân dụng, công nghiệp; san lấp mặt bằng; môi giới bất động sản…
Địa ốc Hòa Bình (HBC) từng là đơn vị trúng thầu dự án Sài Gòn M&C Tower (thầu phụ thi công hạng mục kết cấu 5 tầng hầm và phần thân). Thời gian thi công của HBC là 621 ngày, giá trị hợp đồng khoảng 6 triệu USD.
Cao ốc Sài Gòn M&C (nay là Saigon One Tower) được Công ty Địa ốc Sài Gòn M&C triển khai từ năm 2005. Tọa lạc tại số 34 đường Tôn Đức Thắng, quận 1 ngay trung tâm đất “kim cương” của TP HCM. Khuôn viên đất dự án hơn 6.672 m2, mật độ xây dựng 46% với quy mô 41 tầng (không tính 5 tầng hầm và 3 tầng kỹ thuật). Theo thiết kế, công trình cao 185 m, gồm khu căn hộ 180 căn và khu văn phòng. Dự kiến ban đầu năm 2011 sẽ hoàn thành.
Ảnh: “Viễn cảnh” tươi đẹp của Sài Gòn M&C Tower (Nguồn: saigonone.vn)
Ảnh: “Viễn cảnh tươi đẹp" của Sài Gòn M&C Tower (Nguồn: saigonone.vn)
Với vốn đầu tư 200 triệu USD, Cao ốc Sài Gòn M&C được kỳ vọng sẽ là một trong những công trình đẹp nhất tại trung tâm TP HCM, ứng dụng phương thức quản lý văn phòng và căn hộ thông minh bằng công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới như hệ thống ADSL tốc độ cao, hệ thống điện thoại và dữ liệu MATV, hệ thống quản lý căn hộ tự động, hệ thống tự động đo đếm điện năng, nước sinh hoạt.
Tuy nhiên trước suy thoái kinh tế và thị trường bất động sản đóng băng cộng với tình hình góp vốn không đầy đủ của các chủ đầu tư nên dự án buộc phải dừng triển khai thi công từ năm 2011.
Tòa nhà cao thứ 3 TP HCM đang bị VAMC thu giữ để xử lý các khoản nợ lên tới 7.000 tỷ đồng.
Nhóm DongA Bank có vai trò gì tại Địa ốc Sài Gòn M&C?
Quá trình xây dựng dự án, cơ cấu cổ đông Địa ốc Sài Gòn M&C có không ít xáo trộn. Cụ thể, năm 2011, Đất Thủ đô không còn nắm giữ vốn, thay vào đó là nhóm cổ đông liên quan đến Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank) gồm DongA Bank, Công ty TNHH Chứng khoán DongA Bank, CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) nắm lần lượt 31,4 tỷ; 52,3 tỷ và 26,2 tỷ đồng tại Địa ốc Sài Gòn M&C.
Trong năm này, Chứng khoán DongA Bank thực hiện chuyển nhượng toàn bộ cổ phần cho “người nhà” là hai công ty liên quan đến DongA Bank gồm Công ty Quản lý Quỹ Đông Á và CTCP Vốn An Bình với mỗi bên gần 26,2 tỷ đồng. Đồng thời, Địa ốc Sài Gòn M&C cũng lên kế hoạch tăng vốn thêm 523 tỷ đồng.
Những tưởng với sự góp mặt của những cổ đông ngân hàng, quỹ đầu tư từ DongA Bank giàu tiềm lực tài chính sẽ mang lại luồng gió mới cho dự án để nhanh chóng hoàn thành tiến độ. Song thực tế ngoài cơ cấu cổ đông thay đổi, thì vốn tăng thêm tại Địa ốc Sài Gòn M&C chỉ là trên danh nghĩa (tức các chủ sở hữu chưa thực sự góp vốn vào đây) bằng những cam kết dành cho tương lai.
Bởi theo biên bản đại hội cổ đông vào tháng 11/2009 thì cổ đông sẽ được phân chia quyền kinh doanh sàn căn hộ của Dự án Cao ốc Sài Gòn M&C, từ đó nguồn tiền để tăng vốn có thể lấy từ thặng dư của việc kinh doanh quyền kinh doanh các sàn căn hộ này. Tuy nhiên đến thời điểm 2011, dự án chưa hoàn tất, chưa có căn hộ nào được bán nên Công ty đã ghi nhận một khoản phả thu khác tương ứng với số vốn góp tăng trong năm đối với các cổ đông trên.
Năm 2012, cơ cấu cổ đông vẫn được giữ nguyên.
Cơ cấu cổ đông Địa ốc Sài Gòn M&C tính đến cuối năm 2012. (TV tổng hợp).
Địa ốc Sài Gòn M&C sống nhờ lãi cho vay và tiền gửi
Giai đoạn 2005 - 2011 khi mới thành lập và triển khai dự án, Địa ốc Sài Gòn M&C kinh doanh chật vật chưa phát sinh nguồn thu nào. Ghi nhận nguồn doanh thu ít ỏi chủ yếu đến từ lãi cho vay vốn (Công ty M&C) và lãi tiền gửi ngân hàng.
Một số chỉ tiêu kinh doanh của Địa ốc Sài Gòn M&C
Tính đến 31/12/2012, chi phí xây dựng dở dang tại cao ốc Sài Gòn M&C đã lên gần 2.920 tỷ đồng. Ngoài ra, Công ty còn lỗ lũy kế gần 29 tỷ đồng. Tổng tài sản của Công ty là 4.194 tỷ đồng, song có tới 3.343 tỷ đồng nợ phải trả, chiếm đến gần 80% tổng nguồn vốn.
Cơ cấu nợ cho thấy, Địa ốc Sài Gòn M&C có khoản vay ngắn hạn 8,5 tỷ đồng tại Agribank. Khoản vay dài hạn lần lượt tại Maritime Bank 1.501 tỷ đồng, CTCP Đầu tư Liên Phát hơn 667 tỷ đồng, CTCP Tư vấn Đầu tư Xây dựng Thương mại Minh Quân trên 835 tỷ đồng.
Theo thông báo thu giữ tài sản ngày 21/8 vừa qua, VAMC đã ký hợp đồng mua nợ với Maritime Bank, DongA Bank đối với khoản nợ của nhóm khách hàng bao gồm: CTCP Sài Gòn One Tower (trước đây là CTCP Địa Ốc Sài Gòn M&C); CTCP Đầu tư Liên Phát; CTCP TVĐT và XD Minh Quân; CTCP Tân Superdeck M&C, với tổng dư nợ (gốc và lãi) đến nay hơn 7.000 tỷ đồng.
Cổ đông sáng lập “tan đàn xẻ nghé”
Theo thông tin từ cổng đăng ký doanh nghiệp, Địa ốc Sài Gòn M&C nay đã đổi tên thành CTCP Sài Gòn One Tower với người đại diện theo pháp luật kiêm Tổng giám đốc là ông Võ Ngọc Xuân; Kế toán trưởng là ông Tạ Nguyễn Tấn Trương. Địa chỉ đăng ký kinh doanh cũng được đổi từ tầng 34 lên thành tầng 39 của Tòa nhà Saigon One, số 34 Tôn Đức Thắng, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, TP HCM.
Khi tìm hiểu trên Tổng cục thuế Việt Nam, M&C còn có một chi nhánh tại số 175 Nguyễn Thái Học, phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội. Đáng chú ý là cả M&C lẫn chi nhánh đều đã ngừng hoạt động nhưng chưa hoàn thành thủ tục đóng mã số thuế. Ngày thay đổi thông tin gần nhất của M&C là 7/7/2017. Cùng với đó, cái tên Công ty TNHH Đất Thủ đô không tồn tại trong cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp.
Tháng 11/2015 Công ty M&C đã bị Cục Thuế TP HCM thông báo phong tỏa hóa đơn vì nợ thuế quá hạn hơn 4,6 tỷ đồng. (Nguồn: Tổng Cục thuế).
Trong khi đó, cổ đông sáng lập còn lại là Saigontourist cũng đã thoái sạch vốn khỏi Địa ốc Sài Gòn M&C.
Saigontourist cho hay, để đạt được số vốn điều lệ 1.046 tỷ đồng như đăng ký ban đầu, Địa ốc Sài Gòn M&C từng lên kế hoạch phát hành cổ phần. Biên bản họp đại hội cổ đông bất thường vào cuối tháng 10/2014 cho hay đợt tăng vốn chưa thể hoàn thành.
Công văn từ UBND TP HCM vào tháng 11/2014 cho biết Saigontourist không tham gia góp vốn trong đợt tăng vốn trên của Địa ốc Sài Gòn M&C và đã thực hiện chuyển nhượng quyền mua của đợt phát hành.
Đến tháng 1/2015, theo chủ trương thoái vốn của UBND TP HCM, Saigontourist quyết định đấu giá toàn bộ 15,69 triệu cổ phần nắm giữ tại Địa ốc Sài Gòn M&C với giá 10.100 đồng/cp. Kết quả đấu giá công bố hồi tháng 3/2015 cho thấy có một cá nhân và một tổ chức đã mua lại toàn bộ phần vốn của Saigontourist.
PNJ vào năm 2015 cũng đã thoái vốn khỏi Địa ốc Sài Gòn M&C và chịu lỗ hơn 39 tỷ đồng. Chưa rõ DongA Bank và các công ty liên qua đã thoái vốn hay chưa nhưng trong thông báo thu giữ tài sản của VAMC, vẫn nhắc đến DongA Bank và thành phần khác.
Tiến Vũ
Theo KTTD, Vietnambiz