Đều được phê duyệt để xây dựng các dự án phục vụ mục đích phúc lợi xã hội và được quảng cáo "hoành tráng", song nhiều siêu dự án bệnh viện, trường đại học trên cả nước lại bị chậm tiến độ hàng thập kỷ.
Bệnh viện quốc tế treo gần 10 năm chưa giải phóng xong mặt bằng
Gần đây, dư luận xôn xao về thông tin khu đất vốn để làm dự án Bênh việc Quốc tế Hà Đông nay chính thức được Hà Nội điều chỉnh quy hoạch, gắn thêm nội dung xây trung tâm thương mại (TTTM). Khu đất nằm tại phường Dương Nội, quận Hà Đông, tổng diện tích khoảng 16,65 ha. Trong đó, diện tích đất y tế để xây bệnh viện khoảng 7,1 ha, chiếm gần 43% tổng diện tích khu đất; diện tích để xây TTTM khoảng 9,5 ha, chiếm 57% còn lại.
Dự án Bệnh viện Quốc tế Hà Đông bị quây kín suốt nhiều năm và vừa được điều chỉnh quy hoạch xây thêm TTTM trong phạm vi dự án cũ. (Ảnh: TL)
Khu đất này được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) cấp Giấy chứng nhận đầu tư Bệnh viện Quốc tế Hà Đông từ tháng 6/2008. Sau khi Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội (năm 2001), thành phố đã chấp thuận cho phép lập điều chỉnh quy hoạch tỷ lệ 1/500. Nhưng mãi đến năm 2014, dự án vẫn chưa hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng và suýt bị thu hồi. Đến nay, sau khoảng 9 năm, phần diện tích này vẫn đang bị quây kín bằng tôn sắt và không có dấu hiệu thi công.
Liên quan đến vấn đề bồi thường cho các hộ dân địa phương có đất sản xuất thuộc dự án, dù chính quyền mới thực hiện cưỡng chế thì tại đây vẫn còn 7 hộ chưa chấp nhận tiền đền bù. Lý do người dân đưa ra là: các nội dung trong phương án bồi thường chi tiết không đầy đủ, chính xác.
Mới đây, Tập đoàn Aeon ký thỏa thuận hợp tác xây trung tâm Aeon mall Hà Đông với BIM Group – chủ sở hữu khu đất nói trên. Thông tin hợp tác cho biết trung tâm này sẽ có diện tích 9,5 ha nhưng vị trí chính xác lại không được công bố. Bản điều chỉnh quy hoạch khu đất dự án Bệnh viện Quốc tế Hà Đông mới đây (bổ sung nội dung xây TTTM) càng làm nghi vấn BIM Group sẽ xây Aeon Mall ngay trong phần đất xin cấp để xây bệnh viện này được khẳng định. Tuy nhiên, đến nay các bên liên quan vẫn chưa hề có thông tin trả lời chính thức.
Bệnh viện “đắp chiếu” suốt hai thập kỷ
Được cấp phép từ năm 1997 với tổng vốn đầu tư lên đến 50 triệu USD, dự án Bệnh viện Quốc tế Hoa Kỳ - Hà Nội đã bị “đắp chiếu” đến 20 năm. Dự án nằm giữa khu đất “vàng” với mặt tiền nhìn ra hồ nước công viên Nghĩa Đô, do tập đoàn Keystone Invest (Hoa Kỳ) làm chủ đầu tư. Tổng diện tích xây dựng khoảng 2,7 ha với 300 giường, chuyên điều trị các bệnh hiểm nghèo như ung thư máu, não, tim mạch...
Đã qua một nửa thời gian hoạt động theo giấy phép nhưng dự án Bệnh viện Quốc tế Hoa Kỳ - Hà Nội hiện vẫn chưa hoàn thiện. (Ảnh: Zing)
Theo hồ sơ, Bệnh viện Quốc tế Hoa Kỳ - Hà Nội khởi công tháng 8/2007, tháng 2/2011 hoàn thiện phần thô, năm 2012 hoàn thiện kiến trúc phần thân, năm 2015 là giai đoạn thi công phần cơ điện, khuôn viên sân vườn, từ tháng 1 – 10/2016 sẽ tiếp tục thi công để hoàn thiện và lắp đặt xong toàn bộ thiết bị y tế cho 500 giường bệnh để đi vào hoạt động. Tuy nhiên, hiện tại khu vực xây dựng vẫn đang được rào chắn kiên cố, có bảo vệ đứng gác không cho người lạ vào bên trong.
Điều đáng nói là thời gian hoạt động của dự án theo giấy phép cấp năm 1997 là 40 năm, đến nay đã được phân nửa thời gian nhưng dự án vẫn chỉ là một tòa nhà đang dần xuống cấp. Nguyên nhân của sự đình trệ này là do công tác giải phóng mặt bằng bị chậm trễ, xảy ra sự cố khi nhập thiết bị điều hòa không khí, khi lắp hệ thống điện cho bệnh viện… Không những thế, đến giữa năm 2012, dự án này còn nợ khoảng 65.000 USD tiền thuê đất và tiền phạt chậm nộp.
Bốn dự án bệnh viện 1.000 giường “chững” lại ở cửa ngõ thủ đô
Năm 2011, Hà Nội chủ trương xây dựng 4 dự án bệnh viện lớn (quy mô mỗi nơi 1.000 giường) tại 4 huyện ngoại thành nhằm đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân.
Dự án bệnh viện 1.000 giường tại Mê Linh được sốt sắng thực hiện, nhưng sau 6 năm có chủ trương vẫn chưa khởi công thực sự. (Phối cảnh dự án)
Các bệnh viện này sẽ nằm về 4 phía, gồm: bệnh viện đa khoa phía Bắc tại xã Đại Thịnh, huyện Mê Linh (dự kiến khởi công tháng 9/2011, khai thác sử dụng từ tháng 6/2013); bệnh viện thứ hai ở phía Tây, đặt tại huyện Đan Phượng hoặc Thạch Thất (diện tích khoảng 10 ha, cũng dự kiến khởi công tháng 9/2011); bệnh viện thứ ba phía Đông, tại huyện Gia Lâm và bệnh viện thứ 4 phía Nam, tại huyện Phú Xuyên.
Trong đó, dự án bệnh viện đa khoa 1.000 giường tại huyện Mê Linh được đặt mục tiêu đạt tiêu chuẩn quốc gia tiến tới tiêu chuẩn quốc tế, giảm tải cho các bệnh viện trong nội đô... Đến nay dự án vẫn chưa thể khởi công dù hàng loạt văn bản liên quan đến bệnh viện này đã được Hà Nội ban hành như: văn bản phê duyệt chủ trương thành lập (từ năm 2011); quyết định thu hồi 9,57 ha đất và giao 11,13 ha đất tại xã Tam Đồng và xã Đại Thịnh để thực hiện giải phóng mặt bằng cho dự án; văn bản phê duyệt đầu tư dự án, giao Sở Xây dựng làm chủ đầu tư với tổng mức gần 2.700 tỷ đồng…
Khu đô thị đại học quốc tế sau gần 10 năm vẫn là bãi đất hoang
Năm 2008, UBND TP HCM đã trao Giấy chứng nhận đầu tư cho Tập đoàn Berjaya Land Berhad (Malaysia) để xây dựng Khu đô thị đại học quốc tế Việt Nam (VIUT) với tổng vốn đầu tư khoảng 3,5 tỷ USD. Khu đất xây dự án khoảng 925 ha, nằm tại xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn và thuộc quy hoạch Khu đô thị Tây Bắc TP HCM, gồm 7 phân khu chức năng, trong đó ba khu chính chiếm diện tích lớn nhất là làng đại học quốc tế, khu trung tâm tài chính - hành chính và khu nhà ở.
Dự kiến thời gian hoàn thiện dự án Khu đô thị đại học quốc tế Việt Nam là 10 năm, nhưng đã 9 năm qua mà dự án vẫn chỉ là bãi đất hoang. (Phối cảnh dự án)
Tại thời điểm đó, đây là dự án có vốn đăng ký đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất được cấp phép đầu tư vào thành phố. Berjaya dự định sẽ xây dựng cao ốc trung tâm với các chức năng văn phòng, TTTM, khách sạn, khu sinh hoạt ngoại khóa đại học quốc tế, khu căn hộ, cảng sông, khu thể thao và công viên vui chơi giải trí... Dự kiến, thời gian xây dựng hoàn chỉnh dự án là 10 năm.
Tuy nhiên sau 9 năm được cấp phép, dự án hiện vẫn là bãi đất hoang. Tháng 8/2016, TP HCM đã chỉ đạo rà soát tình hình thực hiện dự án, tìm cách tháo gỡ khó khăn cho tập đoàn Berjaya trong việc triển khai dự án hoặc thu hồi giấy phép.
Báo chí thông tin, mới đây vào tháng 3/2017, bà Lê Thị Huỳnh Mai, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM cho biết, do chậm triển khai giải phóng mặt bằng và góp vốn nên đến nay dự án mới chỉ xong một số khâu như phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 (năm 2011), phê duyệt phương án đền bù giải tỏa (năm 2013), rà soát bom mìn được khoảng 500 ha, đền bù giải tỏa mặt bằng trên 100 ha, thực hiện vốn góp dự án được 96,5 tỷ đồng.
Khu đô thị đại học quốc tế 3,5 tỷ USD hay chiếc 'bánh vẽ' ở Tây Bắc TP HCM?
Đại học hơn 400 tỷ đồng thành bãi chăn bò sau gần 7 năm thi công
Dự án Đại học Hoa Lư tại xã Ninh Nhất, huyện Hoa Lư, Ninh Bình được phê duyệt từ năm 2010 với tổng mức đầu tư khoảng 420 tỷ đồng từ nguồn vốn Trung ương và Chương trình mục tiêu quốc gia. Dự án có diện tích 15 ha, do trường Đại học Hoa Lư làm chủ đầu tư.
Dự kiến hoàn thành sau 5 năm, rầm rộ thi công chỉ trong hai năm đầu tiên, đến nay sau gần 7 năm dự án Đại học Hoa Lư vẫn để trống. (Ảnh: Zing)
Theo quy hoạch, công trình gồm hai khu nhà 5 tầng làm phòng học, một dãy nhà hiệu bộ 9 tầng, được khởi công vào năm 2011 và dự kiến hoàn thành sau 5 năm. Tuy nhiên, đến nay dự án mới chỉ hoàn thành phần thô của nhà điều hành 9 tầng, tường bao, móng hai dãy phòng học và một số hạng mục phụ trợ.
Thông tin báo chí cho biết, từ năm 2013 đến nay, dự án bị chậm tiến độ do thiếu vốn. UBND tỉnh Ninh Bình chỉ cấp khoảng 10 tỷ đồng/năm, cứ có vốn thì nhà thầu xây dựng, hết vốn lại dừng. Tổng vốn đã giải ngân khoảng 170 tỷ đồng. Người dân khu vực phản ánh, trong hai năm đầu việc thi công được triển khai rầm rộ, liên tục, nhưng thời gian sau lại triển khai chậm và đến nay dự án đã bỏ hoang, trở thành bãi chăn thả trâu bò.
Trong khi đó, Hiệu trưởng Đại học Hoa Lư - ông Lê Xuân Giang,cho hay, số sinh viên giảm mạnh trong vài năm gần đây, chỉ khoảng 300 - 500 chỉ tiêu nên cơ sở hiện tại của nhà trường (cách dự án mới 300 m) vẫn đảm bảo công tác giảng dạy.
Hiếu Quân
Theo Kinh tế & Tiêu dùng