Sự kiện hot
2 năm trước

Những sự kiện nổi bật của ngành Công Thương trong năm 2022

Năm 2022, ngành Công Thương ghi đậm dấu ấn ở nhiều lĩnh vực. Các mục tiêu đều được hoàn thành đúng chủ trương, về đích xuất sắc, đặc biệt trong bối cảnh phải khắc phục ảnh hưởng của đại dịch COVID và các nhiệm vụ thách thức mới như chuyển đổi số, nối lại chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ngành Công Thương công bố 10 sự kiện nổi bật năm 2022

Sản xuất công nghiệp phục hồi tích cực

Sản xuất công nghiệp của cả nước phục hồi với tốc độ tăng trưởng cao. Dự kiến năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng hơn 9%, đạt mục tiêu tăng trưởng của ngành. Giá trị gia tăng ngành công nghiệp tăng khoảng 9%, cao hơn kịch bản tăng trưởng tại Nghị quyết 01.

Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục duy trì động lực của toàn ngành, với chỉ số sản xuất ngành này dự kiến tăng trên 9% năm 2022, đóng góp hơn 86% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Ngành điện đã đảm bảo tốt cân đối điện phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và sinh hoạt của người dân. Ngành dầu khí về đích trước kế hoạch 2 tháng 18 ngày, đưa 5 mỏ và công trình mới vào khai thác, nhiều hơn 1 công trình so với kế hoạch cả năm, nộp ngân sách hoàn thành kế hoạch cả năm trước 6 tháng. Ngành than cơ bản hoàn thành mục tiêu kế hoạch năm 2022.

Xuất nhập khẩu lập kỷ lục mới

10 sự kiện nổi bật ngành Công Thương năm 2022

Trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm, tổng cầu giảm sút, nhu cầu các thị trường xuất khẩu lớn suy yếu, Bộ Công Thương đã tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp. Cùng với đó là sự chủ động, linh hoạt trong tổ chức sản xuất của doanh nghiệp xuất khẩu, khai thác hiệu quả các FTA. Theo đó, xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục vượt qua khó khăn và duy trì được mức tăng trưởng cao, trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế đất nước.

Dự kiến cả năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt khoảng 732 tỷ USD, tăng khoảng 10% so với năm 2021. Trong đó, xuất khẩu tăng khoảng 10,5%, đạt khoảng 371,5 tỷ USD, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch được Quốc hội và Chính phủ giao (kế hoạch tăng 8%). Cán cân thương mại tiếp tục ghi nhận xuất siêu năm thứ 7 liên tiếp với thặng dư gần 11 tỷ USD.

Công tác hội nhập kinh tế quốc tế đi vào chiều sâu mang tính thực chất

Chủ trương bảo đảm sự độc lập, tự chủ trong quá trình mở cửa, hội nhập, nâng cao tính tự cường của nền kinh tế đã được Bộ Công Thương triển khai nhất quán. Trong bối cảnh thế giới đang trải qua nhiều biến động chưa từng có trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã tập trung triển khai các biện pháp đồng bộ để nâng cao tính tự lực, tự cường của nền kinh tế, từ đó đóng góp cho việc thúc đẩy xuất khẩu, tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài nhằm phát triển hơn nữa kinh tế và nâng cao vị thế của đất nước.

Thương mại điện tử xếp thứ 5 thế giới về tốc độ tăng trưởng

Năm 2022, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam ước đạt 16,4 tỷ USD, chiếm 7,5% doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của cả nước. Với tốc độ tăng trưởng 20%/năm, Việt Nam được eMarketer xếp vào nhóm 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới.

Bộ Công Thương đã phối hợp với các địa phương tổ chức nhiều chương trình kết nối thương mại điện tử, đồng thời tổ chức các chương trình hợp tác về thương mại điện tử xuyên biên giới với các sàn thương mại điện tử quốc tế lớn như Amazon, Alibaba. Hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ đẩy mạnh xuất khẩu trực tiếp đến các thị trường, đặc biệt với các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam (nông sản, thực phẩm chế biến, hàng thủ công mỹ nghệ, hàng công nghiệp tiêu dùng).

Đổi mới công tác xúc tiến thương mại

10 sự kiện nổi bật ngành Công Thương năm 2022

Bộ Công Thương đã phát huy sáng kiến tổ chức công tác giao ban xúc tiến thương mại của hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài với địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp và các đơn vị, tổ chức liên quan thực hiện hàng tháng nhằm cung cấp thông tin về thị trường, những chính sách, quy định mới về thị trường và các khuyến nghị kịp thời cho các doanh nghiệp.

Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại cũng tiếp tục được đẩy mạnh theo hướng kịp thời đổi mới, đa dạng hóa phương thức xúc tiến thương mại, qua đó hỗ trợ thiết thực có hiệu quả cho các doanh nghiệp, hiệp hội, địa phương. Bộ cũng đã tổ chức hàng trăm phiên tư vấn, kết nối thông tin thị trường cho các hiệp hội, doanh nghiệp và địa phương mà ở đó, các Thương vụ đóng vai trò vừa là cầu nối vừa là nhà tư vấn thị trường xuất khẩu. Qua đó góp phần quan trọng vào kết quả và thành tích ấn tượng của xuất khẩu Việt Nam năm 2022.

Triển khai hiệu quả biện pháp phòng vệ thương mại

Trong bối cảnh nước ta hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, Bộ Công Thương đã phối hợp cùng các bộ, ngành liên quan triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình xử lý các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại (PVTM) của nước ngoài và đã đem lại những kết quả tích cực. Nhiều vụ việc Việt Nam thành công trong việc chứng minh doanh nghiệp không bán phá giá hay Chính phủ không trợ cấp, không can thiệp vào thị trường để tạo lợi thế bất bình đẳng cho doanh nghiệp xuất khẩu sang các thị trường quan trọng, góp phần giữ vững và mở rộng thị trường xuất khẩu.

Các biện pháp PVTM đã có tác động tích cực đến một số ngành đóng vai trò quan trọng như mía đường, sorbitol..., giúp đảm bảo việc làm và thu nhập cho nông dân, người lao động. Theo ước tính, các biện pháp PVTM đã góp phần đảm bảo việc làm của gần 150.000 người lao động. Ngoài ra, trong năm 2022, Bộ Công Thương cũng đã phối hợp với các ngành sản xuất trong nước xử lý 16 vụ việc PVTM của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của nước ta, bảo vệ lợi ích chính đáng của các ngành sản xuất và xuất khẩu.

Thị trường trong nước phục hồi mạnh mẽ, tăng trưởng cao, vượt gấp 2,7 lần so với kế hoạch

Năm 2022, thị trường hàng hóa trong nước chịu tác động lớn của thị trường thế giới, giá một số hàng hóa (nhất là các mặt hàng nhóm nhiên liệu, năng lượng…) có xu hướng tăng mạnh theo giá hàng hóa thế giới.

Tuy nhiên, với sự theo dõi, điều hành sát sao của Bộ Công Thương và sự phối hợp của các Bộ, ngành chức năng trong Ban chỉ đạo điều hành giá Chính phủ, thị trường hàng hóa thiết yếu nói chung tương đối ổn định, CPI cả năm 2022 được kiểm soát ở mức khoảng 3% (cách xa mức 4% Quốc hội giao).

Quy mô và dung lượng thị trường năm 2022 đạt mức tăng trưởng rất cao so với năm trước. Dự kiến tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2022 ước đạt khoảng 5.639,5 nghìn tỷ đồng, tăng 21% so với năm 2021 (kế hoạch tăng 8%).

Cung cấp đủ điện an toàn, tin cậy cho sinh hoạt và nhu cầu sản xuất

Việc cung ứng điện năm 2022 của toàn hệ thống điện quốc gia đã được đảm bảo, đáp ứng đủ nhu cầu điện cho sản xuất và đời sống sinh hoạt của nhân dân cả nước, đặc biệt là trong các dịp nghỉ lễ, Tết dài ngày và trong thời gian diễn ra các sự kiện chính trị, văn hóa - thể thao lớn của đất nước.

Kiện toàn cơ cấu tổ chức Bộ Công Thương

Ngày 29-11-2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 96/2022/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-12-2022, thay thế Nghị định số 98/2017/NĐ-CP ngày 18-8-2017. Theo đó, cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương giảm 1 Vụ, 1 Cục và 23 phòng thuộc Vụ.

Nghị định 96 của Chính phủ quy định về cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương bao gồm 28 đơn vị, trong đó thêm 1 đầu mối. Cụ thể, trong 28 đơn vị, không có Cục Công tác phía Nam, sáp nhập Vụ Tài chính và đổi mới doanh nghiệp và Vụ Kế hoạch thành Vụ Kế hoạch – Tài chính, bỏ Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng; đồng thời bổ sung Ủy ban Cạnh tranh quốc gia...

Luật Dầu khí sửa đổi chính thức được Quốc hội thông qua.

Tại Phiên họp ngày 14-11-2022 Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XV đã thông qua Luật Dầu khí số 12/2022/QH15 (với tỷ lệ 472/475 Đại biểu Quốc hội có mặt đồng ý), gồm 11 chương, 69 điều, có hiệu lực từ ngày 1-7-2023.

Luật Dầu khí số 12/2022/QH15 đã thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước đối với các điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí với nhiều chính sách mới, trong đó đặc biệt là chính sách về điều tra cơ bản về dầu khí như điều tra, khảo sát; hoàn thiện các quy định về trình tự phê duyệt các bước triển khai hoạt động dầu khí, dự án dầu khí bảo đảm tính tương đồng với hệ thống pháp luật về đầu tư, xây dựng và pháp luật có liên quan.

Đồng thời, quy định rõ chức năng, quyền và nghĩa vụ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nhằm phân định rõ hai vai trò chính của Tập đoàn là thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao và tham gia hợp đồng dầu khí với vai trò nhà thầu...

Tiến Hoàng/KTDU

Từ khóa: