Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã và đang đến. Đây là cuộc cách mạng chưa từng có trong lịch sử nhân loại, nó sẽ diễn biến rất nhanh, là sự kết hợp của công nghệ trong các lĩnh vực vật lý, số hóa và sinh học, tạo ra những khả năng hoàn toàn mới và có tác động sâu sắc đối với các hệ thống chính trị, xã hội, kinh tế của thế giới. Tuy nhiên, những thách thức mà cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 có thể mang đến là thách thức về việc làm và an ninh mạng.
Thách thức về việc làm
Trong những năm gần đây, các công việc có tính lặp đi lặp lại đã dần được tự động hóa nhờ vào những thành tựu về công nghệ như robot hay internet tốc độ cao. Toàn cầu hóa đã khiến việc luân chuyển công việc sang những nơi có giá nhân công rẻ, ít quy định ngặt nghèo trở nên dễ dàng hơn. Tuy nhiên, trong cuộc cách mạng công nghiệp thứ 4, những yếu tố mà các nước đang phát triển như Việt Nam coi là có ưu thế như: lực lượng lao động thủ công trẻ, chi phí thấp sẽ không còn là thế mạnh nữa, thậm chí bị đe dọa nghiêm trọng.
Sự suy giảm của các việc làm mà năng suất đã được cải thiện rõ rệt nhờ công nghệ
Theo một báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) chỉ ra rằng, 86% lao động trong ngành công nghiệp dệt may và giày dép ở Việt Nam đối mặt với nguy cơ thất nghiệp cao từ sự bùng nổ nhanh chóng của ứng dụng công nghệ. Một báo cáo về thị trường lao động ở Anh cho thấy, sự suy giảm của các việc làm mà năng suất đã được cải thiện rõ rệt nhờ công nghệ.
Tuy nhiên, không chỉ việc làm ở trong các ngành sản xuất bị ảnh hưởng. Chúng ta đang ở giai đoạn mà các công việc có kỹ năng cao cũng đối mặt với nguy cơ bị thay thế. Máy tính sử dụng trí tuệ nhân tạo đã đánh bại con người ở trò cờ vua và cờ vây. Chúng còn có thể nhận diện khuôn mặt, hiểu được tiếng nói, soạn nhạc và nhiều lĩnh vực khác mà con người cho là duy nhất mình có khả năng làm. Điều này đe doạ hàng triệu công việc mà con người từng nghĩ là khó thay thế.
Khi những chiếc xe tự lái trở nên phổ biến trong những năm tới, các tài xế xe taxi hay xe tải đối mặt với nguy cơ mất việc làm. Trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, khi máy tính đã bắt đầu biết đọc, phân tích các chỉ số của con người, còn robot tham gia vào quá trình phẫu thuật, những việc làm đòi hỏi ít chuyên môn hơn sẽ bị thay thế. Trong các nhà hàng, với ưu điểm như làm việc 24/7, không cần trả lương hay đóng bảo hiểm, robot đang bắt đầu đe dọa tới lao động là con người.
Như vậy, hàng triệu lao động, bất kể trình độ cao hay thấp, già hay trẻ đang chuẩn bị phải đối mặt với một quá trình chuyển đổi đầy khó khăn.
Thách thức về an ninh mạng
Khái niệm đầu tiên khi nói về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là sự kết nối mọi lúc mọi nơi giữa người với người, người với vật, đặc biệt quan trọng là giữa vật với vật. Microsoft và Cisco dự báo năm 2020 sẽ có hơn 50 tỉ thiết bị kết nối với Internet. Tuy nhiên, sự kết nối càng lớn thì rủi ro và nguy cơ là không tránh khỏi.
An ninh mạng là thách thức toàn cầu đối với cuộc Cách mạng 4.0
Trên thực tế, các cuộc tấn công mạng đang gia tăng về tần suất, mức độ nghiêm trọng và ngày càng phức tạp. Năm 2016, Việt Nam chứng kiến hơn 134.000 sự cố an ninh mạng, tăng gấp 4 lần so với năm 2015.
Tin tặc hiện không chỉ nhắm vào máy tính, mạng và điện thoại thông minh, mà còn cả con người, xe ô tô, máy bay, lưới điện...
Do vậy, vấn đề phòng chống tấn công mạng, chống khủng bố mạng… trở thành nhiệm vụ bảo vệ an ninh cấp thiết của mọi quốc gia, đặc biệt là trong thời điểm công nghệ đang dẫn dắt cho cuộc cách mạng công nghiệp lần này.
Huy Phạm
Theo Báo Đời sống & Tiêu dùng