Sự kiện hot
7 năm trước

Ninh Thuận lãng phí cả ngàn hecta đất

Sự ì ạch trong xây dựng hạ tầng, khai thác ở các KCN, cụm công nghiệp đã gây lãng phí lớn.

Tỉnh Ninh Thuận có 4 KCN: Du Long, Phước Nam, Thành Hải, Cà Ná và 4 cụm công nghiệp (CCN): Tháp Chàm, Tri Hải, Quảng Sơn, Hiếu Thiện với tổng diện tích trên 1.830 ha. Dù các KCN, CCN này đã được xây dựng khá lâu nhưng hiện chỉ có 2 KCN và 1 CCN đi vào hoạt động với vỏn vẹn… 19 dự án sản xuất, kinh doanh.

Gần 10 năm chưa xong tường rào

KCN Thành Hải ở TP Phan Rang - Tháp Chàm từng được Ninh Thuận tự hào là "trụ cột" ngành công nghiệp của tỉnh với diện tích trên 80 ha. Thế nhưng, sau hơn 10 năm xây dựng, đến nay, KCN này chỉ thu hút 14 doanh nghiệp (DN) tiếp nhận khoảng 37 ha.

Theo đánh giá của Ban Quản lý các KCN Ninh Thuận, trong số những DN góp mặt vào KCN Thành Hải, chỉ khoảng 50% là kinh doanh, sản xuất tương đối hiệu quả; còn lại hoạt động "được chăng hay chớ" nên chẳng đóng góp bao nhiêu vào sự tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Cũng tại TP Phan Rang - Tháp Chàm, CCN Tháp Chàm với diện tích khoảng 24 ha đã thành "hình hài" hơn 7 năm qua nhưng chỉ có 6 DN thuê đất hoạt động. Một số nhà đầu tư dù đăng ký thực hiện dự án nhưng vì năng lực tài chính yếu kém nên tiến độ triển khai rất ì ạch.

Sau hơn 8 năm khởi công, KCN Phước Nam vẫn trống vắng

Trong khi đó, KCN Phước Nam nằm ngay Quốc lộ 1 tại xã Phước Nam, huyện Thuận Nam với tổng diện tích lên đến 370 ha càng thê thảm hơn. KCN này do Công ty CP Đầu tư Phước Nam - Ninh Thuận xây dựng cơ sở hạ tầng từ năm 2008 nhưng đến nay chưa xong phần tường rào. Hầu hết đất thuộc phạm vi KCN bị bỏ hoang, cỏ mọc um tùm, một số hạng mục hạ tầng của giai đoạn 1 xây dựng còn dang dở. Theo tìm hiểu của phóng viên, vài năm trước, 4 dự án của nhà đầu tư đã làm lễ khởi công nhưng sau đó "im hơi lặng tiếng" đến nay.

Quy mô lớn nhất nhưng cũng tai tiếng nhất là KCN Du Long ở xã Lợi Hải, huyện Thuận Bắc, với tổng diện tích hơn 400 ha do Công ty TNHH MTV Đầu tư quốc tế Hoa Thìn Long Ðức Phong (Trung Quốc) làm chủ đầu tư. Trước đây, KCN này do Công ty CP Tư vấn - Thương mại - Dịch vụ địa ốc Hoàng Quân (TP HCM) và Công ty TNHH Tập đoàn Long Ðức Phong liên danh thực hiện. Tuy nhiên, sau lễ khởi công rầm rộ vào tháng 5-2008, tiến độ xây dựng hạ tầng của KCN giẫm chân tại chỗ.

Giữa năm 2011, công ty Hoàng Quân được Long Đức Phong thoái vốn. Tuy nhiên, sau hơn 6 năm, Công ty Hoa Thìn Long Ðức Phong lại tiếp tục chây ì triển khai, dù được UBND tỉnh Ninh Thuận gia hạn cả chục lần. Đến nay, hàng trăm ha đất của KCN Du Long bị bỏ hoang, trong khi nông dân ở đây thiếu đất sản xuất.

Nhiều nguyên nhân

Lý giải tiến độ xây dựng chậm trễ và việc thiếu vắng DN ở KCN, CCN, các ngành chức năng và UBND tỉnh Ninh Thuận cho rằng vì công tác giải phóng mặt bằng còn nhiều vướng mắc, do ảnh hưởng chung của nền kinh tế toàn cầu làm cho nhiều nhà đầu tư dè dặt triển khai dự án. Một số DN thiếu năng lực tài chính, đang cần sự hỗ trợ về nguồn vốn vay của ngân hàng…

Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế, tỉnh Ninh Thuận là địa phương nghèo, dân số chưa đến 1 triệu người, sức mua thấp, thiếu lao động có tay nghề cao, hạ tầng giao thông còn hạn chế… nên khó thu hút nhà đầu tư. Chưa kể, không ít DN khi đăng ký dự án chỉ nhăm nhe bán lại kiếm lời.

Mới đây, UBND tỉnh Ninh Thuận đã có động thái được cho là khá mạnh tay để lập lại trật tự xây dựng các KCN, CCN: Chỉ đạo các đơn vị chức năng quy hoạch chi tiết đối với các CCN. Tỉnh còn chỉ đạo Ban Quản lý các KCN cùng sở, ngành liên quan xây dựng quy chế phối hợp để tăng cường hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với các KCN, CCN; xác định chính xác năng lực tài chính của DN khi đăng ký đầu tư.

Riêng KCN Phước Nam, do thời gian điều chỉnh tiến độ đã 8 năm nhưng đến nay, giai đoạn 1 vẫn chưa hoàn thành theo cam kết, UBND tỉnh Ninh Thuận yêu cầu Công ty CP Đầu tư Phước Nam - Ninh Thuận đến tháng 12-2017, nếu không đáp ứng được các yêu cầu đề ra thì sẽ bị thu hồi dự án theo quy định để đấu thầu, chọn đối tác khác thực hiện.

Đóng góp ngân sách thấp

Theo báo cáo của các cơ quan tài chính Ninh Thuận, chỉ 9 DN đang hoạt động ở các KCN, CCN có đóng góp vào ngân sách địa phương. Ngoài Nhà máy Bia Sài Gòn - Ninh Thuận nộp ngân sách tương đối cao, 8 DN còn lại chỉ ở mức thấp. Sáu tháng đầu năm 2017, 8 DN này chỉ nộp ngân sách khoảng hơn 30 tỉ đồng, xấp xỉ 3% tổng thu ngân sách toàn tỉnh.

Lê Trường (Bài và ảnh)
Theo Người lao động

Từ khóa: