Trong khi ở khối ngân hàng thương mại, nợ xấu đang là mối lo, tác động mạnh đến nền kinh tế thì tại ngân hàng chính sách tỷ lệ nợ quá hạn chưa đến 1%. Đây là một điểm sáng trong bức tranh tín dụng.
Thông tin từ Hội nghị trực tuyến của Chính phủ tổng kết 15 năm thực hiện tín dụng chính sách xã hội, một trụ cột của hệ thống chính sách giảm nghèo cho biết, tính đến nay có gần 7 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có dư nợ tại Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCS), nhưng tỉ lệ nợ quá hạn chỉ chiếm 0,81%, con số rất thấp so với các ngân hàng thương mại.
32 triệu hộ nghèo được vay vốn chính sách
Theo số liệu của ngân hàng NHCS, hiện nay gần 32 triệu lượt hộ nghèo, đối tượng chính sách vay vốn, doanh số 433.000 tỷ đồng, giúp 4,5 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo và trên 112.000 lao động thuộc gia đình chính sách được vay vốn để xuất khẩu lao động. Trên 3,5 triệu học sinh, sinh viên vay vốn học tập.
Những năm qua, NHCS đã triển khai hơn 20 gói tín dụng khác nhau đáp ứng nhu cầu của người nghèo như: 9,9 triệu công trình nước sạch, vệ sinh môi trường ở nông thôn…
Tính đến nay có gần 7 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có dư nợ nhưng tỉ lệ nợ quá hạn chỉ chiếm 0,81%, con số rất thấp so với các ngân hàng thương mại. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia tài chính, ngân hàng, NHCS là đơn vị duy nhất hoạt động theo cơ chế hành chính nhưng đạt hiệu quả rất tốt.
Số lượng các điểm giao dịch của ngân hàng này đã vươn đến những bàn làng xa xôi nhất của đất nước như xã Lý Bôn (Bảo Lâm, Cao Bằng) với 11.000 điểm giao dịch, 200.000 sổ tiết kiệm vay vốn ở tất cả các thôn, bản trong cả nước, kể cả vùng sâu, vùng xa.
Không chỉ đóng vai trò là “bà đỡ” cho người nghèo, gần đây ngân hàng CSXH nhận tiền gửi từ người nghèo nhằm tạo thói quen tích lũy và hỗ trợ người nghèo từng bước tiếp cận tín dụng ngân hàng.
Tuy nhiên, hiện nay cả nước còn 1,9 triệu hộ nghèo và 1,3 triệu hộ cận nghèo. Vì vậy để tăng cường vai trò “bà đỡ” của NHCS, mới đây tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ tổng kết 15 năm thực hiện tín dụng chính sách xã hội, một trụ cột của hệ thống chính sách giảm nghèo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Chính phủ đã Quốc hội ghi kế hoạch trung hạn cho NHCS với con số là 21.000 tỷ đồng từ vốn ngân sách nhà nước để cấp bù chênh lệch lãi suất, cấp vốn điều lệ…
Cùng với đó, Thủ tướng đề nghị các địa phương điều chỉnh chính sách tín dụng, đối tượng, mức cho vay, bảo đảm phù hợp với thực tế, khả năng của ngân sách Nhà nước, đáp ứng cơ bản nhu cầu vốn tín dụng của người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Đừng lo thất thu
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, dù được cấp bù vốn, nhưng so với số lượng người nghèo đang có nhu cầu vay vốn thì con số trên cũng không thấm tháp vào đâu. Do đó, cần có sự vào cuộc của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, hiệp hội, tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước… ủy thác vốn, đóng góp vốn tự nguyện, không hoàn lại thông qua NHCS để chung tay tạo lập nguồn vốn cho người nghèo và các đối tượng chính sách ưu đãi phục vụ sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, cải thiện đời sống.
Hiện nay, Hà Nội dẫn đầu vốn uỷ thác lên tới gần 2.000 tỷ đồng. Tiếp theo là TPHCM, Bình Dương, Vũng Tàu, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Vĩnh Phúc, Đồng Nai, Đồng Tháp…có vốn uỷ thác trên 100 tỷ đồng.
Trong khi đó, nhiều địa phương khá giả nhưng có vốn ủy thác chưa tương xứng như Hải Phòng (95 tỷ đồng), Bắc Ninh (65 tỷ đồng), Hải Dương (42 tỷ đồng), Nam Định (15 tỷ đồng).
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Ngân sách khó khăn nên phải bớt chi tiêu hằng năm cho các công trình để chuyển một phần sang NHCS. Trong 3 năm tới ít nhất mỗi tỉnh phải góp ủy thác 100 tỷ đồng và các tỉnh đã ủy thác trên 100 tỷ đồng phải tăng gấp đôi vốn để tăng bố trí cho người nghèo”. Thủ tướng khẳng định, việc tăng cường ủy thác “chỉ có được chứ không có mất, vì nợ xấu rất thấp”.
Thủ tướng đề nghị các tổ chức chính trị-xã hội thực hiện tốt hơn nữa những công việc được NHCSXH ủy thác, bảo đảm cho vay đúng chính sách, đúng đối tượng, giúp người nghèo sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả, cải thiện đời sống và trả nợ ngân hàng.
Tín dụng chính sách chú trọng vào hỗ trợ người dân khởi nghiệp, nhất là phụ nữ, thanh niên; hỗ trợ hình thành chuỗi liên kết, chuỗi sản xuất, tiêu thụ, ứng dụng khoa học công nghiệp, cải thiện năng lực sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập.
NHCS cho biết, phấn đấu trong phạm vi 5 năm tới sẽ cung cấp tín dụng chính sách cho 100% đối tượng được thụ hưởng nếu đủ điều kiện và có nhu cầu; đẩy lùi, hạn chế tín dụng phi chính thức ở nông thôn, nhất là tín dụng đen. Bên cạnh đó, vùng cũng phải tìm cách tăng tổng dư nợ, mức bình quân vay vốn và số hộ tham gia vay vốn.
Huyền Anh
Theo Báo Đời sống & Tiêu dùng