Sự kiện hot
12 năm trước

Nồi cơm điện rởm “tung hoành” trong các siêu thị

Dantin - Từ thông tin phản ánh sản phẩm nồi cơm điện Daelux kém chất lượng, PV Đời sống &Tiêu dùng đã đi sâu tìm hiểu về sản phẩm này đang được bày bán trong một loạt siêu thị.

Dantin - Từ thông tin phản ánh sản phẩm nồi cơm điện Daelux kém chất lượng, PV Đời sống &Tiêu dùng đã đi sâu tìm hiểu về sản phẩm này đang được bày bán trong một loạt siêu thị.


Sản phẩm nồi cơm điện Daelux được bày bán trong một số siêu thị và trung tâm lớn như: HC, Topcare, Trần Anh.

Nồi chưa dùng đã gỉ

Chị Nguyễn Thu Hà (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết: “Chủ nhật tuần trước tôi đi siêu thị và mua một chiếc nồi cơm điện, thấy bên ngoài đề tên sản phẩm Daelux, tên một công ty của Hàn Quốc sản xuất. Hỏi nhân viên bán hàng trong siêu thị nhờ tư vấn, nhân viên gật đầu, bảo nồi cơm điện của Hàn Quốc, giá cả phải chăng, đảm bảo chất lượng”.

Cũng theo chị Hà, tuy là sản phẩm mới vừa mua, chưa hề qua sử dụng nhưng dưới đáy nồi (mâm nhiệt) đã xuất hiện những lấm chấm trông như vết gỉ.

Dạo qua các siêu thị lớn và các cửa hàng chuyên bán đồ điện dân dụng, điện tử sẽ không khó để nhận ra những sản phẩm nồi cơm điện chiếm số lượng khá lớn. Bày la liệt trên các gian hàng là các sản phẩm nồi cơm điện với nhiều chủng loại, kiểu dáng và hãng sản xuất.

Ngoài ra, trong số đó có không ít sản phẩm nồi cơm điện sản xuất từ Trung Quốc, chất lượng không được công bố rõ ràng. Thêm vào đó, giá cả các loại nồi cũng dao động và chênh lệch nhau đến hàng chục lần khiến người tiêu dùng như lạc vào “mê hồn trận” nồi cơm điện. Và không ít người tiêu dùng đã phải ngậm ngùi khi mất cả hàng triệu đồng nhưng lại mua phải những sản phẩm nồi cơm điện rởm.

Được biết, sản phẩm nồi cơm điện Daelux là của một công ty liên doanh Việt Nam – Hàn Quốc. Trụ sở chính công ty đặt tại Hà Nội nhưng các đại lý chi nhánh thì có ở hầu hết các tỉnh thành trong cả nước nên phạm vi thị trường tiêu thụ rất rộng.

Chị H., một nhân viên từng làm ở bộ phận kỹ thuật của công ty nói trên cho chúng tôi biết: “Do mâm nhiệt của nồi bị ôxit hóa nên chúng tôi đã phải mua sơn để xịt lên bề mặt”. Khi được hỏi: “Loại sơn nói trên là gì? Bán ở đâu?” thì nhân viên này tiết lộ: “Anh cứ ra cửa hàng tạp hóa, hỏi mua sơn loại Apollo Sealant A300 là họ bán ngay thôi. Giá cũng không đắt lắm đâu, khoảng 30 – 35.000 nghìn đồng / lọ”. Ngoài ra, cũng theo lời nhân viên này thì loại sơn này lúc sơn vào nồi cơm điện thường có mùi hắc rất khó chịu, chỉ một thời gian ngắn sau khi sử dụng sẽ bị bong tróc và gây hại cho sức khỏe.

Bị gỉ ố là do… giấy lót nồi (! ?)


Bằng mắt thường nếu nhìn kỹ cũng có thể nhận ra dưới đáy mâm nhiệt của nồi thường có những vết ố gỉ do bị ô xít hóa.

Qua tìm hiểu, phóng viên được biết công ty sản xuất và phân phối sản phẩm nồi cơm điện nói trên mang tên Công ty TNHH Thương Mại Việt Nam - Hàn Quốc, có trụ sở tại P.Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội.

Công ty đã thừa nhận sản phẩm nồi cơm điện nói trên là của mình. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc công ty lại cho rằng: “Để bán được sản phẩm nồi cơm điện trên thị trường, chúng tôi phải đăng ký giấy chứng nhận tem hợp quy CR. Điều này có nghĩa sản phẩm đã đạt chất lượng và được lưu hành. Nếu không biết về tem CR mời bạn tự đi mà tìm hiểu. Chúng tôi không rảnh để giải thích”.

Về việc khách hàng phản ánh nồi cơm điện chưa dùng đã bị gỉ, ông Thắng khẳng định: “Không hề có chuyện đó. Những sản phẩm bị vết ố là do… lớp giấy lót nồi”.

Chị Nguyễn Thị Sinh, nhân viên trực tiếp bán các sản phẩm nồi cơm điện của siêu thị Topcare (335, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Chỉ những sản phẩm nồi cơm điện Daelux mới có những vết gỉ ố. Còn những sản phảm nồi cơm điện của các hãng khác thì không thấy có.”

Trao đổi với Đời sống & Tiêu dùng về vấn đề này, ông Kim Đức Thụ, Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật TC-ĐL-CL1 (Tổng Cục TC-ĐL-CL) cho biết: “Về lý thuyết thì những sản phẩm khi đã có đăng ký tem CR thì đã được cấp phép để bán trên thị trường. Tuy nhiên, trên thực tế vấn đề này vẫn còn nhiều bất cập. Ví dụ như người tiêu dùng phản ánh một số sản phẩm có sử dụng các hóa chất độc hại, nhưng độc hại và mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào thì chúng tôi lại không thể giám định bởi đó lại thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế. Chính dựa vào điểm yếu này mà đã có không ít doanh nghiệp đã “lách” qua.”

Sơn Apollo Sealant A300 là chất trám trét dạng axit, có độ đàn hồi cao. Loại sơn này được sử dụng phù hợp với các chất liệu kính, khung kính trượt, cấu trúc treo hoặc các bể nước bằng kính, nhựa… Hoàn toàn không phù hợp khi sơn lên sản phẩm nồi cơm điện.


Sản phẩm sơn Apollo Sealant A300.

Ông Vương Ngọc Tuấn, Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết: Theo số liệu thống kê và điều tra của Hội gửi đến Cục Quản lý chất lượng sản phẩm; Hàng hóa năm 2012 cho thấy cứ khoảng 10 chiếc nồi cơm điện bày bán trên thị trường thì có đến 8 chiếc xuất xứ từ Trung Quốc. Trên 80% trong số đó không đạt tiêu chuẩn. Chỉ số kỹ thuật in trên nhãn mác sai với kiểm tra đo lường thực tế. Nhiều đơn vị kinh doanh nồi cơm điện sử dụng các loại men chống dính không có bản quyền nên không thể có chứng nhận an toàn, không độc hại của các tổ chức quốc tế như GS, CE, UN... Các chi tiết nhựa, gioăng của một số hãng cung cấp có độ bền quá thấp. Hệ thống dây dẫn bên trong nồi hầu hết không phải là loại chịu được nhiệt độ cao, không có khả năng chống cháy chập khi có sự cố về điện…

Hoàng Sơn

Từ khóa: