Bộ Tài chính Ấn Độ cảnh báo giới đầu tư về những rủi ro khi giao dịch những tiền ảo như Bitcoin, đồng thời ví nó như trò lừa đa cấp tiền gửi Ponzi.
"Các loại tiền ảo không phải phương tiện thanh toán hợp pháp ở Ấn Độ. Chúng tôi không cho phép và không bảo vệ tiền ảo. Giới đầu tư và những người tham gia giao dịch tiền ảo sẽ gặp nhiều rủi ro. Vì thế, họ nên tránh xa tiền ảo", Reuters dẫn thông báo của Bộ Tài chính Ấn Độ hôm 30/12.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính Ấn Độ không công bố lệnh cấm hay biện pháp hạn chế nào trong thông báo.
"Chúng ta thấy nguy cơ thực tế và ngày càng tăng trong bong bóng đầu tư tiền ảo, giống như bong bóng đầu tư kiểu Ponzi:, Bộ Tài chính Ấn Độ lập luận.
Mô hình đầu tư Ponzi là kiểu đầu tư có lãi suất rất cao, nhưng trên thực tế những kẻ lừa đảo lấy tiền của những người sau để trả những nhà đầu tư trước.
Bộ Tài chính Ấn Độ còn cảnh báo rất có thể những giao dịch tiền ảo phục vụ các hoạt động phi pháp như tài trợ khủng bố, buôn lậu, rửa tiền.
Hiện tại Ấn Độ không không luật điều chỉnh tiền ảo. Giống như nhiều quốc gia khác, Ấn Độ đang cố gắng tìm giải pháp quản lý một thị trường mà họ nhận định là giống như bong bóng đầu cơ.
"Cảnh báo, khuyên can không phải là biện pháp hiệu lực khi hàng nghìn người đã mất tiền vào tiền thuật toán. Chính phủ có nghĩa vụ ban hành khung luật pháp để điều chỉnh tiền ảo và bảo vệ các nhà đầu tư", ông Pavan Duggal, một chuyên gia an ninh mạng kiêm luật sư của Tòa án Tối cao Ấn Độ, bình luận.
Cơn sốt tiền ảo bắt đầu trở thành nỗi lo của chính phủ Ấn Độ. Ảnh: pweb.com
Tuần trước, cơ quan quản lý thị trường vốn Ấn Độ đã thảo luận với Ngân hàng Trung ướng Ấn Độ về biện pháp quản lý tiền ảo.
Ở châu Á, tiền ảo ngày càng trở nên phổ biến. Bitcoin, tiền ảo phổ biến nhất, đã tăng giá trị tới 19 lần trong năm ngoái. Nhiều người đã bỏ việc để giao dịch tiền ảo tại nhiều nước như Hàn Quốc, Nhật Bản. Theo một số nghiên cứu, lượng giao dịch ở hai nước này chiếm hơn một nửa tổng lượng giao dịch tiền ảo toàn cầu.
Bất chấp việc các sàn tiền ảo mất hàng triệu USD bởi những vụ tấn công của tin tặc, giới chức siết mạnh quản lý tiền ảo, hay quan chức tài chính gọi đây là "trò lừa đa cấp" cơn sốt tiền ảo vẫn tiếp tục tăng nhiệt trong giới trẻ Hàn Quốc.
"Tôi không còn muốn trở thành giáo viên dạy toán nữa. Suốt nhiều tháng nay, tôi đã nghiên cứu về thị trường này mỗi ngày hơn 10 tiếng và tôi chắc chắn rằng đây chính là tương lai", Eoh Kyong-hoon - người sáng lập câu lạc bộ Cryptofactor - cho biết.
Theo các nhà phân tích, một phần vì triển vọng kinh tế ảm đạm - bao gồm tỷ lệ thất nghiệp cao gần gấp 3 lần mức lương tối thiểu, thanh niên Hàn Quốc đua nhau đầu tư tiền ảo bất chấp rủi ro
Chính phủ Hàn Quốc vừa ban hành một số biện pháp bổ sung để ngăn chặn nạn đầu cơ tiền ảo ở nước này.
Eoh cho biết các động thái siết chặt thị trường tiền ảo của chính phủ không làm ảnh hưởng tới kế hoạch của anh, đặc biệt là sau khi anh kiếm lợi nhuận cao gấp 20 lần cho khoản đầu tư trong 6 tháng qua.
"Nhiều sinh viên mang laptop tới lớp học để theo dõi các khoản đầu tư và thực hiện giao dịch kể cả khi giáo sư đang giảng bài", anh kể.
Theo KTTD, Vietnambiz