Sự kiện hot
11 năm trước

Nông dân Bắc Kạn phấn khởi với mùa quýt được giá

Thời điểm này tại Bắc Kạn, quýt bắt đầu chín, nông dân đang tập trung thu hái và xuất bán cho các tư thương với giá bán tại vườn 18.000-20.000 đồng/kg, giá bán tại chợ 20.000-25.000 đồng/kg, quả to đẹp được giá đến 30.000-35.000 đồng/kg.

Thời điểm này tại Bắc Kạn, quýt bắt đầu chín, nông dân đang tập trung thu hái và xuất bán cho các tư thương với giá bán tại vườn 18.000-20.000 đồng/kg, giá bán tại chợ 20.000-25.000 đồng/kg, quả to đẹp được giá đến 30.000-35.000 đồng/kg.


Quýt vàng Bắc Kạn. (Nguồn: khcnbackan.gov.vn)

Theo nhiều người trồng quýt cho biết, năm nay tuy sản lượng quýt sụt giảm nhưng bù lại giá quýt ổn định và cao gấp đôi năm trước.

Mới vào đầu vụ nhưng đã có rất nhiều thương lái đến từ Cao Bằng, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Hà Nội, Hải Phòng lên Bắc Kạn thu mua quýt. Có ngày, các đầu mối thu mua bán được hơn 2 tấn, thậm chí 3-4 tấn quả. Khoảng 80% lượng quýt của người dân được những lái buôn vào mua tận vườn, số còn lại bà con tự mang ra các chợ để bán lẻ.

Tỉnh Bắc Kạn hiện có hơn 1.300ha quýt, tập trung nhiều ở các xã Quang Thuận, Đôn Phong, Dương Phong (huyện Bạch Thông); Rã Bản, Phương Viên, Đông Viên (huyện Chợ Đồn); Thượng Giáo, Địa Linh, Chu Hương, Mỹ Phương, Cao Trĩ, Yến Dương (huyện Ba Bể); trong đó huyện Bạch Thông là địa phương trồng nhiều nhất với 1.020ha.

Mỗi hécta quýt cho thu hoạch từ 10-12 tấn quả, trừ chi phí bà con cũng thu về hơn 150 triệu đồng/ha - con số không nhỏ đối với nông dân vùng cao. Quýt đang là cây trồng chủ lực, mang lại thu nhập cao cho nhiều hộ gia đình.

Quýt Bắc Kạn là cây bản địa mang nguồn gen quý hiếm, có thể canh tác ở độ dốc lớn; chịu sâu bệnh và đầu tư thâm canh ở mức vừa, chất lượng nổi trội, là đặc sản của địa phương.

Quýt Bắc Kạn được phân biệt với các giống quýt khác nhờ các đặc thù về cảm quan cũng như chất lượng với hình dạng quả tròn dẹt, vỏ nhẵn, màu vàng, múi to đều mọng nước, tép có màu vàng rơm, không nát, vị chua, ngọt dịu, mềm vừa phải, mùi rất thơm, bóc dễ.

Trong quá trình sản xuất, nông dân không dùng chất kích thích và hoá chất bảo quản sau thu hoạch, nên đây là loại sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Vài năm trở lại đây, được sự hỗ trợ của cơ quan chức năng, người trồng quýt đã được tiếp cận với phương pháp ghép mắt, ghép cành thay thế cho phương pháp chiết cành truyền thống. Ưu điểm của phương pháp này là sử dụng gốc bưởi để ghép nên có bộ rễ khỏe, có thể sống trên diện tích đất cằn cỗi, thời gian cho thu hoạch sớm hơn một năm so với cách trồng truyền thống (4 năm đã cho thu hoạch), thời gian bói quả và thu hoạch được lâu khoảng 10 năm, chất lượng quả tốt hơn, quả to đều, năng suất cao.

Nhiều năm nay cây cam, quýt đã trở thành cây trồng mũi nhọn giúp cho hàng nghìn nông hộ thoát nghèo và vươn lên làm giàu.

Quýt Bắc Kạn vốn được coi là một trong những loại cây nông sản nổi tiếng của tỉnh và đặc biệt cây trồng này đã được cấp chỉ dẫn địa lý. Như vậy cùng với gạo Bao thai Chợ Đồn, miến dong và hồng không hạt Bắc Kạn, đến nay tỉnh miền núi này đã có bốn sản phẩm được cấp Giấy chứng nhận bảo hộ.

Đức Hiếu
theo TTXVN

Từ khóa: