Tại TP.HCM, tình trạng xây dựng không phép, sai phép không chỉ xảy ra ở các địa bàn đang diễn ra quá trình đô thị hóa như Bình Chánh, Cần Giờ, Củ Chi, quận 9… mà còn xuất hiện nhiều tại các quận đô thị như quận 1, 3, 5, 8, 10, Phú Nhuận.
Tháo dỡ nhà vi phạm trật tự xây dựng - Ảnh minh họa
Tỷ lệ xây dựng sai phép tăng cao
Theo Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM Trần Trọng Tuấn, từ đầu năm tới nay, thanh tra Sở này đã phối hợp với UBND quận huyện, phường xã, thị trấn kiểm tra 24.449 công trình đang xây dựng, phát hiện 1.925 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm 2016.
Số vụ vi phạm sai phép tăng chủ yếu tại các quận 9 (71 vụ), quận 7 (64 vụ) và Hóc Môn (119 vụ). Số vi phạm không phép tập trung tại huyện Củ Chi (209 vụ), quận 9 (63 vụ) và huyện Cần Giờ (77 vụ).
Trong khi đó, tình trạng xây dựng không phép không chỉ xảy ra ở các địa bàn đang diễn ra quá trình đô thị hóa như Bình Chánh, Cần Giờ, Củ Chi, quận 9… mà cũng xuất hiện nhiều tại các quận đô thị như quận 1, 3, 5, 8, 10, Phú Nhuận.
Đáng chú ý, trong khi các vụ vi phạm xây dựng xảy ra nhiều thì tỷ lệ chấp hành các quyết định xử lý hành chính lại ở mức rất thấp.
Cụ thể, ở cấp xã, tỷ lệ chấp hành là 44%, cấp quận huyện là 33,6%, cấp thành phố chỉ 17,5%. Thậm chí, các vụ việc có tính chất, mức độ vi phạm càng nghiêm trọng thì tỷ lệ chấp hành lại càng thấp.
“Nếu chúng ta không cứng rắn thì các dự án, công trình lớn sẽ sai phép rất nhiều, phổ biến là sai phép chuyển công năng của các dự án nhà cao tầng. Mới đây, phải tới khi Chủ tịch UBND TP.HCM ra quyết định cưỡng chế thì chủ đầu tư dự án Thảo Điền Sapphire mới có văn bản giải trình, xin không cưỡng chế mà tự nguyện tháo dỡ trong vòng 1 tháng”, ông Tuấn cho biết.
Lý giải về tỷ lệ xây dựng sai phép, không phép còn cao, Phó Chủ tịch quận 9 Hoàng Minh Tuấn Anh cho biết nguyên nhân là do sự gia tăng đột biến của người lao động ngoại tỉnh đã kéo theo nhu cầu nhà ở. Mặt khác, cơn sốt đất vừa qua có một phần nguyên nhân từ việc người dân nhập cư mua giấy tay, xây nhà trên đất biền rạch, đất quy hoạch cây xanh, hành lang an toàn rạch; dẫn đến xây dựng không phép tăng đột biến, chiếm hơn 50%.
Ngoài ra, một số trường hợp xây dựng không phép xảy ra trên đất thuộc quy hoạch khu trung tâm hành chính quận, vì quy hoạch này kéo dài gần 20 năm, đến lúc người dân sửa chữa nhà không được buộc phải xây mới, dẫn đến xây dựng không phép.
Còn tại huyện Củ Chi, bên cạnh sự gia tăng đột biến của người nhập cư, việc xây dựng không phép diễn ra còn bởi quy hoạch treo, trong khi nhu cầu xây nhà của người dân là có thật. Đơn cử, tình trạng xây dựng không phép tăng ở 5 xã thuộc quy hoạch khu đô thị Tây Bắc Củ Chi, với 144 trường hợp.
Lập tổ công tác kiểm tra vi phạm
Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến nhận định TP.HCM là hỗn hợp giữa một đô thị cũ, hạ tầng đang chỉnh trang nâng cấp với hàng ngàn công trình đang xây dựng mới. Bởi vậy, muốn giải quyết triệt để xây dựng không phép và sai phép thì phải xuất phát từ vấn đề cơ bản nhất là quy hoạch thành phố.
Ngoài ra, một nguyên nhân dẫn đến vi phạm xây dựng chính là thủ tục cấp phép hiện nay "có vấn đề". Do đó, ông Trần Vĩnh Tuyến đã chỉ đạo Sở Xây dựng cải tiến thủ tục cấp phép xây dựng còn đang nhiêu khê, gây phiền hà không nhỏ cho người dân.
Dự định trong tháng 8, Sở Xây dựng TP.HCM sẽ trình đề án cấp phép xây dựng trực tuyến. Khi đề án áp dụng vào thực tế, thủ tục cấp phép sẽ giảm xuống còn từ 144 ngày, nếu làm tốt có thể chỉ còn khoảng 40 ngày.
Ông Tuyến cũng yêu cầu các quận huyện chậm nhất cuối tháng 10 phải tổ chức được dịch vụ công trực tuyến trong cấp phép xây dựng, đi đôi với việc cấp phép bằng hồ sơ truyền thống.
Đối với trường hợp một số cán bộ thanh tra, trật tự đô thị tiếp tay cho các dự án sai phạm, thành phố sẽ có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời. Để tránh thiệt hại, phương án giám đốc Sở Xây dựng đưa ra là phải kiểm tra 100% công trình xây dựng để ngăn chặn ngay từ đầu các vi phạm.
Trước tình trạng xây dựng không phép, sai phép ngày càng gia tăng, ngày 9.8, thông tin từ Văn phòng UBND TP.HCM cho biết UBND TP.HCM cũng đã giao Thanh tra thành phố thành lập tổ công tác kiểm tra các công trình sai phạm.
Cụ thể, tổ công tác trước hết sẽ kiểm tra công trình sai phạm tại xã Đa Phước, huyện Bình Chánh. Theo đó, TP.HCM yêu cầu tổ công tác kiểm tra kết quả thực hiện kết luận của Thanh tra thành phố, trách nhiệm thực thi công vụ của cơ quan quản lý nhà nước, trách nhiệm dân sự trong việc xây dựng sai phép và bán nhà sai phép. Đồng thời, đánh giá công trình đã xây dựng và công tác đảm bảo an trật tự, an sinh xã hội, hạ tầng phục vụ người dân.
UBND TP.HCM cũng giao Sở Xây dựng kiểm tra, đề xuất biện pháp xử lý nghiêm đối với công trình vi phạm trật tự xây dựng tại số 25B Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Bến Nghé, quận 1, bảo đảm không làm ảnh hưởng hoạt động bình thường của cơ quan Đài tiếng Nói Việt Nam (VOV).
Phan Diệu
Theo Một thế giới