Thế giới tuần qua nói nhiều về chuyện Djokovic, người anh số 1 thế giới là Novak đã “cõng” cậu em Marko tới Dubai dự giải. Những anh em tennis “cọc cạch” thế giới không hiếm.
Thế giới tuần qua nói nhiều về chuyện Djokovic, người anh số 1 thế giới là Novak đã “cõng” cậu em Marko tới Dubai dự giải. Những anh em tennis “cọc cạch” thế giới không hiếm.
Marko, 21 tuổi, là người thứ hai trong số ba anh em nhà Djokovic. Cậu kém anh cả Novak 4 tuổi, và hơn em út Djordje 4 tuổi. Marko lần đầu chơi một giải trong hệ thống ATP vào năm 2008 nhờ nhận suất đặc cách ở Thái Lan Open, và thua tay vợt tay chiêu Nieminem (Phần Lan) sau hai séc mà chỉ giành được hai game.
Marko từ ngày đó tới được đánh giải đều nhờ nhận xuất đặc cách, mà người ta tin rằng hoàn toàn nhờ tên tuổi của người anh Novak. Cũng vì thế mà Marko có tài trợ dụng cụ thi đấu. Ngày Novak còn hợp đồng với Adidas, Marko cũng xài đồ có biểu tượng “ba sọc” và vợt Wilson. Ngày Novak chuyển sang Sergio Tacchini, Marko cũng mặc đồ giống hệt anh đến từng họa tiết (thậm chí có cả biểu tượng “Nole” - biệt hiệu của Novak - ở gấu áo) và giờ cũng cầm vợt Head.
Novak Djokovic- Ảnh Getty
Nhưng tên tuổi của nhà Djokovic chưa giúp cho Marko giành được một trận thắng đơn nào trên sân đấu. Tại Dubai mới đây, Marko giành break đầu tiên nhưng sau đó thua nhanh với tỉ số 3-6 và 2-6 trước Golubev. Đó là một cái kết được báo trước, bởi Marko đang đứng thứ 869 trên bảng xếp hạng ATP, giao bóng chưa vững, chơi cú trái ngửa mặt vợt theo kiểu Novak nhưng thiếu khả năng kiểm soát, cầm vợt rất sâu (số 4 - western grip) như anh trai nhưng quả thuận thiếu lực, và dù có dáng vóc tương đương anh trai nhưng đôi chân lại rất chậm. Hóa ra, Marko ăn tập chỉ để mô phỏng động tác của người anh!
Cùng cảnh ngộ
Câu chuyện của Novak và Marko thực ra chỉ là một trong số nhiều những câu chuyện anh em một nhà cùng theo sự nghiệp banh nỉ, mà một người tên tuổi lẫy lừng còn người kia chật vật tìm cách thoát khỏi cái bóng. Và việc đánh ba giải thua cả ba của Marko còn thua xa “thành tích” của Patrick McEnroe, người đánh bảy giải nhận suất đặc cách liên tiếp nhờ anh John McEnroe xin hộ, rút cuộc đều thua ngay từ vòng đầu.
John McEnroe giành bảy Grand Slam trong sự nghiệp đánh đơn, nổi tiếng với cá tính mạnh mẽ trên sân, lối đánh giao bóng lên lưới, và là người đã góp phần khiến cho huyền thoại Bjorn Borg gác vợt sớm. Người em Patrick cả sự nghiệp chỉ giành đúng 1 danh hiệu đơn với một giải nhỏ ở Sydney, và bước tiến lớn nhất trong những lần tham dự Grand Slam chỉ là vào tới bán kết Australian Open. Còn nếu lấy thành tích đánh đôi để đọ, một danh hiệu vô địch đôi nam French Open của ông chẳng thấm vào đâu so với 9 chiếc cúp cùng loại của anh trai John.
Marko Djokovic- Ảnh Getty
Andy Murray cũng sinh ra trong một gia đình tennis. Mẹ anh, bà Judy là huấn luyện viên nổi tiếng, vừa nhận chức đội trưởng Davis Cup của Vương quốc Anh. Và người anh của Andy, tên là Jamie, cũng là một tay vợt chuyên nghiệp. Jamie từng là số 2 trẻ thế giới khi 13 tuổi, á quân giải Orange Bowl danh tiếng, nhưng cả sự nghiệp đánh đơn đúng một giải, thua ngay vòng đầu. Jamie chỉ đủ tài đánh đôi, và cũng từng vô địch đơn nam/nữ Wimbledon khi cặp cùng Jankovic (cựu số 1 thế giới).
Hay nếu ai đó mở bảng xếp hạng ATP để xem vị trí của Marko ở đâu trong top 1000, sẽ thấy cậu thứ nhà Djokovic đứng ngay trên cậu thứ nhà Stakhovsky, có tên là Leonard. Nếu như người anh Sergiy từng đứng vị trí 31 thế giới, giành 4 danh hiệu, thì người em Leonard đã 19 tuổi nhưng vẫn chưa đủ tài để vượt qua vòng loại các giải ATP.
Các trường hợp “cọc cạch” nói trên khiến cho những thành công của các cặp anh em (chị em) trong thế giới tennis trở nên đặc biệt. Nếu chúng ta không tính tới anh em nhà Bob và Mike Bryan bởi họ chỉ đánh đôi, thì cặp chị em nhà Williams là một biểu tượng hiếm có. Người em Serena từng nhường người chị Venus nhưng vẫn giành 13 Grand Slam. Còn Venus, không phải ngẫu nhiên và do người em “cõng” mà cô giành được tới 7 Grand Slam, nhiều hơn bất cứ tay vợt nữ đương đại nào còn đang thi đấu (ngoại trừ Serena). Nếu như coi việc đạt tới ngôi vị số 1 thế giới là chuẩn mực, thì anh em Safin và Safina (Nga) đã cho thấy cả hai đã đạt tới cảnh giới của thành công: Người anh Safin giành hai Grand Slam, lên ngôi số 1 thế giới năm 2000; cô em Safina vào chung kết Grand Slam ba lần và là số 1 thế giới năm 2009.
Gen di truyền và nỗ lực bản thân
Cha mẹ của anh em Safin - Safina là đều là dân tennis thực thụ, trẻ cầm vợt thi đấu, già làm huấn luyện viên và riêng cha của họ còn làm quản lý cho CLB tennis Spartak. Tức là cả hai cùng được thừa hưởng gen di truyền của gia đình, hay nói cách khác là con nhà nòi. Nhưng ngay ở trường hợp thành công này cũng dễ nhận ra sự khác biệt giữa họ: Safin quyết đoán tới mức dễ nóng giận, thì Safina lại cầu toàn tới mức thiếu sự lạnh lùng ở những giây phút quyết định.
Cha mẹ của Djokovic không phải dân thể thao, nhưng ít nhiều có thể khẳng định cả hai cậu em của Novak cũng có những tố chất thể thao (thậm chí Djordje được Novak khen rằng có năng khiếu thiên bẩm nhất trong số ba anh em).
Vậy sự khác biệt của Marko và Novak bên ngoài mức độ năng khiếu là gì nếu không phải ở ý chí, được thụ hưởng phương pháp huấn luyện và cả những cơ may trong suốt chặng đường tập luyện và tích lũy. Sáu tuổi Novak đã gặp được thầy tốt là Gencic và khi ngoài mười tuổi lại được Gencic trực tiếp giới thiệu gặp Niki Pilic lúc đó đang vận hành một học viện ở Đức. Sáu tuổi Novak đã được nhắc nhở và huấn luyện tập cho đôi chân bởi nó là chìa khóa quyết định thành bại chứ không phải đôi tay. 12 tuổi Novak đã giải thích rằng anh luôn có mặt trên sân tập trước 20 phút bởi sự tiến bộ có thể bị ảnh hưởng chỉ vì một phút đến chậm. Marko trước khi chuyển sang chuyên nghiệp lại lãng phí thời gian ở học viện tennis xứ Catalan nơi chưa bao giờ đào tạo ra tên tuổi lớn nào, thui chột chút năng khiếu ít ỏi.
Xem ra, chuyện hai anh chị em một nhà đấu với nhau tám trận chung kết Grand Slam (trong đó có bốn lần liên tiếp) có lẽ chỉ có nhà Williams.
Phạm Tấn
Theo TT&VH