Trong ngày trọng đại nhất của đời mình, quan khách hai họ đang lục tục ra về, cô dâu Nguyễn Thị Miền (21 tuổi, trú tại tỉnh Thái Bình) như chết sững khi thấy cơ quan công an ập tới yêu cầu chú rể Vũ Thanh Bình (24 tuổi) về trụ sở làm việc.
Chưa kịp thay bộ váy cưới tinh khôi, nụ cười trên môi cô dâu trẻ tuổi đã tắt ngấm. Nước mắt vòng quanh, cô chỉ biết chạy theo chú rể ra xe dẫn giải của công an. Khi bóng chiếc xe vừa khuất nơi đầu ngõ, Miền cũng ngất lịm trong vòng tay gia đình, người thân.
Cô dâu Nguyễn Thị Miền vẫn chưa vượt qua cú sốc.
Ngày vui lỡ dở
Sự việc xảy ra vào xế trưa ngày 10/1 trước sự ngỡ ngàng của quan viên hai họ cùng đông đảo người thân tham dự đám cưới của đôi tân lang Vũ Thanh Bình và tân nương Nguyễn Thị Miền. Quan khách dự tiệc cưới vui vẻ, hoan hỉ khen chú rể điển trai, lại giỏi giang tháo vát, xứng đáng với sự lựa chọn của cô dâu xinh đẹp, đảm đang. Ai ngờ chỉ vì muốn “giải quyết khâu oai”, chú rể đã dại dột phá vỡ tất cả niềm vui ấy. Người vợ trẻ chưa được hưởng cảm giác ngọt ngào của đêm tân hôn đã phải gạt nước mắt, cố nuốt nỗi ê chề và tủi nhục, thay vội bộ váy, tất tả mang cho chồng mới cưới bộ quần áo ấm và chút thức ăn vì khi bị lực lượng chức năng giải đi. Khi bị bắt, chú rể vẫn mang trên mình bộ vest cưới, chưa kịp ăn uống gì.
Khi chỉ còn ít ngày nữa là cái Tết Nguyên Đán gõ cửa mọi nhà, nhưng với cô gái trẻ Nguyễn Thị Miền thì lòng dường như đóng băng. Khi PV báo GĐ&XH Cuối tuần có mặt, người dân địa phương vẫn không ngớt xôn xao bàn tán về “sự cố” xảy ra trong đám cưới của cặp “thanh mai trúc mã” này. Tiếp người viết trong căn nhà khá khang trang vẫn còn ngổn ngang sau đám cưới, bà Lê Thị Cam (SN 1966, mẹ chú rể) buồn rầu cho biết: “Từ hôm thằng Bình bị công an tạm giữ về tội Gây rối trật tự công cộng vì hành vi đốt pháo đến nay, con Miền chẳng thiết gì đến ăn uống, suốt ngày nằm lì trong phòng. Nếu nó cứ như thế này thì tôi lo lắm, không khéo ốm rồi quỵ ra đấy mất. Gia đình đã dùng đủ mọi lời lẽ động viên mong cháu vượt qua cú sốc này nhưng xem ra chẳng ăn thua. Tội nghiệp con bé, không dám bước chân ra khỏi nhà vì khắp làng trên xóm dưới, đi đâu cũng nghe người ta bàn tán ì xèo. Vợ chồng tôi cũng động viên cháu về nhà mẹ đẻ mấy hôm cho khuây khỏa những cháu không nghe, chỉ khóc”.
Dù vừa trải qua cú sốc tâm lý, thần sắc tỏ ra vô cùng mệt mỏi nhưng gương mặt của cô dâu vẫn toát lên vẻ thùy mị, nết na, ưa nhìn. Cố gượng gạo nở một nụ cười héo hắt, Miền cho biết, vừa mang mấy bộ quần áo ấm và ít bánh mì, bánh ngọt, sữa tươi cho chồng. “Lạnh thế này, không biết ở trong đó anh ấy có chịu đựng được không?”, mắt Miền rơm rớm như chực khóc. Trước đó, chỉ vì muốn ngày cưới của mình thật vui, thật hoành tráng, chú rể Vũ Thanh Bình đã mang pháo ra đốt để “lấy le” và “giải quyết khâu oai” với bạn bè, bất chấp sự ngăn cấm của người thân gia đình. “Vui đâu chẳng thấy, chưa kịp tận hưởng hạnh phúc, Bình đã phải bước chân vào trại giam…”, bà Cam rầu rĩ.
Bà Lê Thị Cam thẫn thờ giữa rạp cưới ngổn ngang sau ngày con trai bị tạm giam. Ảnh T.G
Theo những người thân trong gia đình, chú rể nổi tiếng là đẹp trai, khéo ăn nói, lại con nhà khá giả. Bởi thế, khi chưa cưới Miền, Vũ Thanh Bình đã được coi là cái tên sáng giá trong mắt các cô gái địa phương. Bản thân Bình cũng “buông câu thả thính” tán tỉnh nhiều cô gái trẻ, nhưng đến khi gặp Nguyễn Thị Miền thì Bình đã chấp nhận “chịu trói”. Bản tính phong tình biến mất, “con ngựa đã có người ghìm cương”, Bình hoàn toàn “lột xác” trở nên tu chí, chăm chỉ, chịu khó làm ăn kinh tế kiếm tiền cưới vợ trong sự vui mừng của cha mẹ.
Sau một thời gian chăm chỉ làm lụng kiếm tiền, hạn chế chi tiêu và từ chối hết những cuộc vui chơi vô bổ, chàng trai trẻ Vũ Thanh Bình đã tiết kiệm được lưng vốn kha khá. Thấy Bình hiền lành chăm chỉ, công ăn việc làm ổn định lại chí thú làm ăn, có thể là chỗ dựa vững chắc nên sau gần một năm gặp gỡ yêu đương, Vũ Thị Miền bằng lòng “theo chàng về dinh”. Ngày 10/1 âm lịch, đám cưới của đôi trai tài gái sắc chính thức được cử hành tại nhà riêng trong sự chúc phúc của gia đình, bạn bè, người thân.
Phút ân hận muộn màng
Trao đổi với phóng viên, một điều tra viên thụ lý vụ việc cho biết vào tối ngày 10/1, gia đình ông Vũ Thanh An và bà Lê thị Cam tổ chức cho cậu con trai cả Vũ Thanh Bình. Buổi tối hôm ấy, sau tiệc mặn, Bình lĩnh xướng chương trình văn nghệ có nhạc sống thu hút hàng trăm thanh niên địa phương và bạn bè đến chung vui. Đang hồi cao trào, rượu đã ngà ngà say, Bình leo lên sân khấu hô hào “quậy tới bến, vui tới bến”. Tiếp đó, để lấy oai, bất chấp sự ngăn cản của người thân, Bình chạy vào phòng tân hôn lấy pháo ra đốt trong sự hò rao cổ vũ của đám thanh niên. Nhận được tin báo từ quần chúng nhân dân, không nỡ để đôi trẻ mất vui trong ngày trọng đại, lực lượng công an đã chờ đến 12h hôm sau, khi tiệc đã tàn, khách đã ra về mới xuất hiện và đọc lệnh khám xét, yêu cầu Bình về trụ sở làm rõ hành vi vi phạm Nghị định số 36/2009/NĐ-CP ngày 15/04/2009 của Chính phủ về việc cấm buôn bán, sản xuất, đốt pháo và thả đèn trời. Khi bị dẫn giải về cơ quan công an, Vũ Thanh Bình tỏ ra hết sức lo sợ, khiến những người thực thi trách nhiệm liên tục phải động viên. Sau khi được lấy lời khai, biết cái giá sẽ phải trả cho hành động nông nổi, thiếu hiểu biết pháp luật của mình, Vũ Thanh Bình gục đầu khóc ngất.
Nhìn ra khoảng sân quạnh vắng, ông Vũ Thanh Nam (73 tuổi, ông nội Bình) thở dài chia sẻ: “Nếu như bọn trẻ biết dừng cuộc vui đúng lúc và hiểu biết pháp luật thì đâu nên nỗi. Hôm ấy, bố thằng Bình hơi quá chén, say nên đi nằm sớm. Khi thấy đám trẻ có vẻ hơi quá đà, tôi đã nhắc nhở nhưng chúng đâu có nghe. Vừa mới vào buồng chợp mắt chừng nửa tiếng thì tôi nghe thấy tiếng pháo nổ, tiếng hò hét cổ vũ. Tôi vội vùng dậy, lập cập chạy ra sân quát tháo những chẳng đứa nào thèm để ý lời nói của ông già này. Tôi bảo mấy đứa là “đốt pháo là vi phạm pháp luật, là phải đi tù, cam kết vừa mới ký mấy hôm, còn chưa ráo mực kia” nhưng chúng không những không nghe lời mà còn “vặc” lại. Tôi chưa kịp lôi nó vào thì dân phòng đã có mặt yêu cầu lập biên bản. Cứ tưởng với hành vi đốt pháo thì chỉ bị phạt hành chính nên tôi chỉ giục mấy đứa đi ngủ mai còn đi đón dâu, nào ngờ…”.
Bà Nguyễn Thị Mận, 51 tuổi, mẹ cô dâu cho biết: “Khi con Miền đưa người yêu về ra mắt, vợ chồng tôi tìm hiểu rất kỹ vì không muốn con mình sau này phải khổ. Qua tìm hiểu, vợ chồng tôi được biết thằng Bình được sinh ra trong một gia đình gia giáo, bản thân Bình rất chăm chỉ, hiền lành, tu chí làm ăn, từ trước tới nay chưa có điều tiếng gì ở địa phương, cũng chưa gây sự hay xích mích với ai bao giờ. Thế nên vợ chồng tôi yên tâm trao gửi con gái mà không hề đắn đo suy nghĩ và tin chắc rằng con mình sẽ được hạnh phúc. Vậy nên, nghe tin Bình bị công an bắt vì đốt pháo nổ trong ngày cưới, vợ chồng tôi gần như suy sụp. Bình là thanh niên tốt nhưng còn trẻ người non dạ, chưa hiểu biết pháp luật… nên vợ chồng tôi mong cơ quan chức năng mở lượng khoan hồng chỉ xử phạt có tính chất răn đe để con rể tôi có cơ hội làm lại cuộc đời…”.
Bài học cảnh tỉnh
Được biết, mấy năm gần đây, Thái Bình kiên quyết tổ chức thực hiện nghiêm Nghị định số 36/2009/NĐ-CP ngày 15/04/2009 của Chính phủ về việc cấm buôn bán, sản xuất, đốt pháo và thả đèn trời. Cả hệ thống chính trị phối hợp với các lực lượng chức năng công an, quân đội, dân phòng và quần chúng nhân dân phát hiện, ngăn chặn các hành vi buôn bán, sản xuất, đốt pháo và thả đèn trời. Cơ quan chức năng sẽ kiên quyết sẽ kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm như đối với Vũ Thanh Bình theo qui đinh của pháp luật để làm gương. Hy vọng đây sẽ là bài học cảnh tỉnh cho những bạn trẻ sắp bước vào ngày vui trọng đại nhất của đời mình.
|
*Tên nhân vật đã được thay đổi
Thái Bình
theo GĐ&XH