Lei Jun, người sáng lập tập đoàn Xiaomi, là một minh chứng về việc những người điềm đạm, hiền lành vẫn có thể thành công trong công nghệ.
Tỷ phú Lei Jun, người sáng lập tập đoàn Xiaomi, nổi tiếng vì sự điềm đạm, trong khi phần lớn doanh nhân công nghệ thường mạnh mẽ và cá tính.
Những người biết Lei Jun kể rằng anh không bao giờ quát tháo nhân viên. Mỗi khi gặp rắc rối hay vấn đề nào đó, anh chỉ cười rồi nỗ lực tìm giải pháp. Trong các sự kiện xã hội, Lei luôn lắng nghe người khác. Anh thường mặc quần jeans và áo thun màu đen tại mỗi sự kiện ra mắt sản phẩm của hãng.
CEO của Xiaomi, tỷ phú Lei Jun, chia sẻ cảnh tượng anh ăn phở ở TP Hồ Chí Minh trên Facebook.
Tín đồ công nghệ ở Việt Nam hiểu rõ hơn tính cách giản dị, hòa đồng của Lei Jun khi anh tới TP Hồ Chí Minh hôm 14/1. Vị doanh nhân mang biệt danh "Steve Jobs của Trung Quốc" ăn phở, dạo phố và ghé vào một trung tâm mua sắm.
Chuyến thăm TP Hồ Chí Minh của Lei Jun diễn ra trong bối cảnh Xiaomi chuẩn bị tung ra Redmi 5A - mẫu smartphone dưới 2 triệu đồng sở hữu camera 13 MP lấy nét theo pha, hỗ trợ kết nối 4G tốc độ cao và hoạt động trên nền tảng MIUI 9 mới nhất. Do giá rẻ và cấu hình hấp dẫn, Redmi 5A đang là chủ đề nóng hổi của cộng đồng công nghệ tại Việt Nam.
Để tìm hiểu tác động của "Lei Jun điềm đạm" đối với hoạt động kinh doanh của Xiaomi, giới quan sát so sánh Xiaomi với tập đoàn điện tử LeEco. Hai tập ra đời gần như cùng thời điểm và họ có nhiều mảng kinh doanh giống nhau. Giờ đây, Xiaomi phát triển ổn định, trong khi LeEco liên tục đối mặt với rắc rối và trở ngại.
Chỉ trong tuần đầu của tháng 6 năm ngoái, các ngân hàng đã phong tỏa những tài sản có trị giá gần 16 tỷ nhân dân tệ của LeEco. Ngược lại, Xiaomi ký thỏa thuận với tập đoàn Nokia để mua bằng sáng chế trong những năm tới, đồng thời hai tập đoàn sẽ cùng phát triển các công nghệ trí tuệ nhân tạo, kính thực tế ảo và Internet kết nối mọi thứ (IoT).
Ngoài ra, Xiaomi cũng ký thỏa thuận hợp tác với Ngân hàng Minsheng (Trung Quốc) để cùng phát triển công nghệ tài chính, hệ sinh thái thương mại điện tử.
Trên thực tế, Xiaomi là tập đoàn công nghệ "kín tiếng" nhất tại Trung Quốc. Những đối thủ lớn hơn như Alibaba hay Tencent thường xuyên xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng. Giới truyền thông chỉ đưa tin rầm rộ về Xiaomi mỗi khi hãng tung phiên bản điện thoại mới.
Lei Jun, tổng giám đốc tập đoàn Xiaomi, thăm cửa hàng Mi Store ở TP Hồ Chí Minh hôm 14/1. Ảnh: TechTimes
IDC tính toán rằng Xiaomi bán tổng cộng 41,5 triệu điện thoại thông minh trong năm 2016, cao gần gấp đôi so với LeEco trong cùng thời kỳ. Hiện tại Xiaomi là nhà sản xuất điện thoại lớn thứ năm thế giới, với thị phần là 8,9% ( so với thị phần của tập đoàn Apple là 9,6%). Xiaomi cũng đang tiến nhanh trong mảng tivi.
Giới chuyên môn ước tính giá trị của Xiaomi trong năm 2017 vào khoảng 46 tỷ USD. Con số đó khiến Xiaomi trở thành công ty khởi nghiệp có giá trị lớn thứ ba thế giới, chỉ sau Uber (70 tỷ USD) và Didi (50 tỷ USD).
Với những thành tựu đã đạt được, Lei Jun là một bằng chứng rõ ràng về việc những người hiền lành, điềm đạm vẫn có thể thành công trong lĩnh vực công nghệ.
Forbes ước tính khối tài sản của Lei Jun vào khoảng 7 tỷ USD và ông là người giàu thứ 25 Trung Quốc và chiếm vị trí 202 thế giới. Ra đời vào năm 2010, Xiaomi từng có giai đoạn tăng trưởng phi mã. Tuy nhiên, vài năm qua, Xiaomi tăng trưởng chậm hơn do sự cạnh tranh từ Huawei, Oppo và Vivo từ quê nhà và ở những thị trường lân cận.
Nhạc Dương/SCMP
Theo KTTD, Vietnambiz