Lãnh đạo Hà Nội lý giải việc chậm xử lý phần sai phạm công trình 8B Lê Trực do phải đảm bảo an toàn.
Tại phiên chất vấn của Thường vụ Quốc hội về quản lý xây dựng, đô thị sáng 16/8, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết sẽ sớm công khai phương án xử lý giai đoạn hai nhà 8B Lê Trực.
“Tôi nhận trách nhiệm chậm xử lý phần sai phạm tại công trình này”, ông Chung thẳng thắn nói.
Theo ông, Hà Nội đã thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng trong xử lý sai phạm tại nhà 8B Lê Trực và đến nay đã hoàn thành xử lý giai đoạn một là "cắt ngọn" tầng 19.
Với giai đoạn hai, xử lý việc giật cấp công trình theo đúng giấy phép xây dựng, ông Chung nói, thành phố và chủ đầu tư đang trình Bộ Xây dựng phương án kỹ thuật xem có đảm bảo an toàn hay không, nếu không thì chuẩn bị phương án khác.
"Việc chậm xử lý sai phạm tại nhà 8B Lê Trực là do đặt vấn đề an toàn cho toà nhà, cho người dân sau này ở đó", Chủ tịch Hà Nội nêu lý do.
Thông tin thêm việc xử lý nhà 8B Lê Trực, Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, thành phố Hà Nội đã kiên quyết xử lý theo chỉ đạo của Chính phủ. Ông Hà cho rằng, dù việc xử lý là trách nhiệm của chính quyền địa phương, nhưng do đây là vấn đề lớn, nên Bộ đang phối hợp mời các chuyên gia thẩm định phương án xử lý phần giật cấp của công trình.
"Trong tháng 8 Bộ Xây dựng sẽ có ý kiến chính thức về phương án phá dỡ giai đoạn hai phần sai phạm công trình 8B Lê Trực", Bộ trưởng Hà thông tin.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung. Ảnh: Võ Hải.
Với các công trình vi phạm xây dựng khác trên địa bàn, Chủ tịch Hà Nội thừa nhận có tình trạng các chủ đầu tư vi phạm quy hoạch chi tiết.
"Quá trình phê duyệt quy hoạch làm đúng, nhưng khi thực hiện một số chủ đầu tư vi phạm quy hoạch chi tiết về mật độ xây dựng, chiều cao... Trách nhiệm trước tiên thuộc về thành phố Hà Nội trong quản lý, tiếp đó là trách nhiệm của chủ đầu tư", ông Chung nói.
Để khắc phục vấn đề trên, lãnh đạo Hà Nội cho biết thành phố đã phối hợp với các cơ quan trung ương để thanh tra, đồng thời giao trách nhiệm cụ thể cho các quận, huyện và cơ quan chuyên môn trong quản lý, giám sát và xử lý nghiêm các tổ chức cá nhân, vi phạm.
Theo Chủ tịch Hà Nội, từ năm 2016 đến nay, các đoàn kiểm tra của Thành uỷ Hà Nội đã kiểm tra và xử lý 18 cán bộ diện Thành uỷ quản lý có liên quan đến sai phạm của các công trình, dự án xây dựng.
Thành phố cũng đã kiến nghị cho thí điểm chuyển lực lượng thanh tra xây dựng từ cấp Sở về giao cho quận, huyện quản lý để làm tốt hơn công tác quản lý trên địa bàn.
Chủ tịch Hà Nội cho rằng việc chậm xử lý nhà 8B Lê Trực do đề cao tính an toàn cho công trình. Ảnh minh hoạ: Võ Hải.
Theo kết quả kiểm tra của liên ngành TP Hà Nội, công trình 8B Lê Trực có nhiều sai phạm so với giấy phép xây dựng đã được cấp. Cụ thể từ tầng 8 (phía đường Trần Phú kéo dài) phải có khoảng lùi khối cao tầng 3,36 m so với khối đế, song chủ đầu tư đã xây thẳng đến mái.
Phần giật cấp đầu hồi phía Đông theo thiết kế từ độ cao 44 m công trình giật cấp vào 15 m và tại độ cao 50 m giật cấp tiếp thêm 5,3 m về phía Tây, nhưng chủ đầu tư không xây dựng giật cấp làm tăng diện tích sàn xây dựng.
Công trình cao đến đỉnh tum thang là 53 m nếu làm đúng giấy phép. Thực tế chủ đầu tư đã tự ý tăng chiều cao các tầng, xây thêm tầng 19, tổng chiều cao hiện tại khoảng 69 m (vượt 16 m, tương đương 5 tầng). Diện tích sàn theo giấy phép xây dựng là gần 30.000 m2, tuy nhiên chủ đầu tư đã xây dựng khoảng 36.000 m2, tăng trên 6.000 m2 so với giấy phép.
Tháng 11/2015 TP Hà Nội bắt đầu phá dỡ phần sai phạm tại nhà 8B Lê Trực, gần một năm sau thì hoàn thành giai đoạn một.
Chủ tịch Hà Nội nói về nhà "siêu mỏng, siêu méo" trên địa bàn
Võ Hải
Theo VnExpress