Sự kiện hot
7 năm trước

Parkson chật vật kinh doanh ở Việt Nam và bức tranh bán lẻ của các trung tâm thương mại

Parkson vừa đóng cửa trung tâm thương mại thứ 4 ở Việt Nam tại TP HCM sau khoảng thời gian chật vật, ế ẩm. 5 năm trở lại đây, Parkson kinh doanh vô cùng khó khăn tại Việt Nam, có đến 3 năm ghi nhận lỗ và tiếp tục thua lỗ trong 6 tháng niên độ 2017 - 2018.

Mới đây, trung tâm thương mại (TTTM) Parkson Flemington tại 184 Lê Đại Hành, phường 15, quận 11, TP HCM thuộc Parkson Retail Asia Limited chính thức đóng cửa vào cuối tháng 1/2018 sau 8 năm hoạt động.

Đây là TTTM thứ 4 của Parkson đóng cửa tại Việt Nam. Trước đó tháng 1/2015, Parkson Keangnam ở Hà Nội đóng cửa khởi đầu cho chuỗi những "ngày đen tối" của Parkson tại Việt Nam khi tiếp đó vào tháng 5/2016 Parkson Paragon (quận 7, TP HCM), rồi tháng 12/2016 Parkson Viet Tower (Hà Nội) đều dừng hoạt động. Parkson Viet Tower đóng cửa đã chấm dứt sự hiện diện của Parkson tại khu vực Hà Nội.

Hình ảnh bên ngoài về Parkson Flemington vừa bị đóng cửa (Ảnh: Zing)

6 tháng niên độ 2017 - 2018 ghi nhận lỗ 1,5 triệu đô la Singapore từ Việt Nam

Năm 2015, Parkson Retail Asia Limited - Công ty có trụ sở tại Singapore chuyên điều hành các trung tâm thương mại ở khu vực Châu Á bắt đầu bước chân vào thị trường Việt Nam khi khai trương Parkson Saigon Tourist Plaza tại TP HCM.

Từ một trung tâm mua sắm thì chỉ sau 9 năm, Parkson đã mở đến 9 trung tâm hiện diện tại 4 thành phố lớn của Việt Nam là TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng.

Tuy nhiên đến năm 2014, Parkson không mở thêm trung tâm mua sắm nào ở Việt Nam và cũng vào năm đó Công ty ghi nhận khoản lỗ 3 triệu đô la Singapore từ thị trường Việt Nam. Lý giải nguyên nhân thua lỗ, Parkson cho biết do môi trường bán lẻ suy yếu bởi dư cung diện tích bán hàng, đặc biệt ở Hà Nội trong khi các trung tâm ở TP HCM vẫn hoạt động tốt.

Năm 2015, Parkson không mở thêm trung tâm mua sắm nào. Mặc nỗ lực giảm thiểu chi phí, tăng cường quảng cáo nhưng trong năm này Parkson tiếp tục lỗ đến 79 triệu đô la Singapore tại Việt Nam.

Parkson cho biết trong năm 2015, đã phát sinh khoản lỗ bất thường 64 triệu đô la Singapore (khoản đền bù cho các chủ cửa hàng vì vi phạm hợp đồng) liên quan đến việc đóng cửa Parkson Keangnam ở Hà Nội vào cuối tháng 1/2015.

Nguồn: Hoàng Kiều tổng hợp (Niên độ tài chính của Parkson bắt đầu từ 1/6 năm nay và kết thúc vào 31/5 năm sau) (* chỉ lợi nhuận trước thuế)

Thị trường bán lẻ tiếp tục suy yếu khiến năm 2017, thậm chí 6 tháng đầu niên độ 2017 - 2018 Parkson tiếp tục lỗ ở Việt Nam. Parkson còn cho biết việc gia nhập thị trường bán lẻ của các đối thủ như Takashimaya, Zara và H&M vào Việt Nam đã khiến Công ty lỗ 6 tháng niên độ 2017 - 2018 với tăng trưởng doanh số các cửa hàng đã mở trên một năm âm 4,9%.

Có thể nói 2017 là năm H&M và Zara đổ bộ mạnh vào thị trường Việt Nam, đặc biệt là TP HCM và Hà Nội. Tính đến thời điểm này, tại TP HCM đã có đến 2 cửa hàng của H&M và 1 cửa hàng ở Hà Nội. Không kém cạnh, vào tháng 11/2017, Zara đã khai trương cửa hàng đầu tiên ở Hà Nội.

Cuộc chiến khốc liệt của các TTTM trên thị trường bán lẻ

Không chỉ Parkson kinh doanh chật vật mà thời gian qua nhiều trung tâm thương mại ở Việt Nam cũng rơi vào tình trạng kinh doanh ế ẩm.

Trung tâm thương mại Tràng Tiền Plaza

Tràng Tiền Plaza - là một trong những trung tâm thương mại đầu tiên của Hà Nội sở hữu vị trí đắc địa nằm ngay sát Hồ Gươm. Do kinh doanh không hiệu quả, Tràng Tiền Plaza đã cho Tập đoàn Liên Thái Bình Dương - Công ty của "vua hàng hiệu" Jonathan Hạnh Nguyễn thuê.

Ông Jonathan đã rót khoảng 400 tỷ đồng để sửa sang và khai trương trung tâm trở lại vào đầu năm 2013, nhưng theo đánh giá của các chuyên gia thì tình hình không mấy khả quan khi lượng khách mua hàng không cao.

Tháng 7/2017, Phó Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định liên quan đến Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) sẽ bán 40% cổ phần tại Công ty TNHH hai thành viên Đầu tư Thương mại Tràng Tiền - đơn vị sở hữu Tràng Tiền Plaza và thực hiện cổ phần hóa trong năm 2018, hoàn thành xác định giá trị doanh nghiệp trong tháng 5/2018. Sau cổ phần hóa, Nhà nước nắm 51% vốn tại Tràng Tiền.

Hay TTTM Grand Plaza của Công ty cổ phần Đầu tư IDJ thuộc đường Trần Duy Hưng, TP Hà Nội cũng phải đóng cửa vào cuối năm 2012 sau hai năm hoạt động. Do kinh doanh ế ẩm, tỷ lệ lấp đầy thấp, chủ đầu tư đã tăng phí dịch vụ hơn 1 triệu đồng/m2 sàn khiến chủ đầu tư và khách thuê không thống nhất được giá và các loại phí dịch vụ là nguyên nhân chính khiến TTTM phải đóng cửa.

Đầu năm 2016, Grand Plaza đã hoạt động trở lại sau khi "thay máu" lãnh đạo và đổi sang kinh doanh nội thất với tên gọi Siêu thị nội thất Kasa Grand. Với tổng diện tích khoảng 15.000 m2, gồm hơn 200 gian hàng, Kasa Grand trưng bày và bán toàn sản phẩm nội thất cao cấp trong nước và nhập khẩu vốn đầu tư ban đầu khoảng 1.000 tỷ đồng.

Không chỉ ở Việt Nam, Parkson cũng kinh doanh khó khăn ở Malaysia, Indonesia

Số trung tâm thương mại của Parkson tính đến hết 31/12/2017

Tính đến thời điểm cuối năm 2017, Parkson có tổng cộng 68 trung tâm thương mại hiện diện ở Malaysia, Indonesa, Myanamar và Việt Nam. Trong đó Malaysia với 45 trung tâm còn Myanmar chỉ có 1.

Nguồn: Parkson

Theo báo cáo kết quả kinh doanh bán niên niên độ 2017 - 2018 vừa được công bố thì trong 3 tháng cuối 2017, Parkson mở thêm hai trung tâm thương mại ở Malaysia nhưng lại đóng cửa đến 4 trung tâm ở Indonesia và Malaysia.

Parkson cho biết việc đóng cửa hai trung tâm ở Indonesia là do ảnh hưởng từ phun trào núi lửa ở Bali, còn ở Malaysia do thị trường bán lẻ cạnh tranh khốc liệt ở.

Không chỉ ở Việt Nam mà Parkson liên tục thua lỗ tại thị trường Myanmar dù chỉ có 1 trung tâm thương mại bên cạnh Indonesia ghi nhận lỗ từ năm 2015. Thị trường từng tạo ra tiền cho Parkson là Malaysia cũng đang sụt mạnh lợi nhuận dù số trung tâm thương mại tại Malaysia đã tăng từ con số 36 của năm 2011 lên đến 45 tại thời điểm cuối năm 2017.

Lợi nhuận sau thuế từ các thị trường khác của Parkson (Nguồn: Hoàng Kiều tổng hợp) (* là chỉ lợi nhuận trước thuế)

Hoàng Kiều

Theo KTTD, Vietnambiz

Từ khóa: