"Barcelona", chỉ cần nhắc đến chừng ấy thôi là người ta liên tưởng ngay đến "đặc sản" tấn công của đội bóng này. Trước đây, đội bóng xứ Catalunya nổi tiếng với triết lý "ghi bàn nhiều hơn đối phương", nhưng dưới triều đại của Pep Guardiola, dường như mọi thứ đã đổi khác
"Barcelona", chỉ cần nhắc đến chừng ấy thôi là người ta liên tưởng ngay đến "đặc sản" tấn công của đội bóng này. Trước đây, đội bóng xứ Catalunya nổi tiếng với triết lý "ghi bàn nhiều hơn đối phương", nhưng dưới triều đại của Pep Guardiola, dường như mọi thứ đã đổi khác. Barcelona vẫn là một trong những đội bóng ghi nhiều bàn thắng nhất ở mọi giải đấu, và thật kỳ lạ, họ cũng là đội thủng lưới ít nhất. Vậy đâu là điểm nhấn trong hệ thống phòng ngự của "Pep-team"?
1. Hàng phòng ngự dâng cao khi đồng đội để mất bóng:
Khi đang tổ chức tấn công, điều tối kỵ là để mất bóng, bởi đối phương có thể tận dụng để phản công nhanh. Nhưng khi đối thủ là Barcelona, mọi chuyện không hề đơn giản như vậy. Ngay sau khi mất bóng, các cầu thủ Barcelona lập tức tổ chức vây ráp và gây áp lực lên đối phương. Cơ sở của quá trình chuyển đổi nhanh chóng này được áp dụng dựa trên nguyên tắc: bất kỳ cầu thủ nào cũng phải tham gia phòng ngự, kể cả các tiền đạo. Một nguyên tắc quan trọng khác, đó là khoảng cách giữa các cầu thủ tham gia tấn công phải là tối thiểu, cho phép việc chuyển đổi đội hình từ tấn công sang phòng ngự được triển khai một cách nhanh chóng nhất.
Đội hình chiến thuật của Barcelona là tập hợp của những tam giác ảo. Khi đối thủ cướp được bóng, ngay lập tức những "ngõ ngách" đều đã bị những chiếc áo Xanh - Đỏ bịt kín. Vì thế việc tổ chức tấn công nhanh gần như bị phá sản, và họ buộc phải chuyền bóng ngược trở về cho đồng đội. Đôi khi áp lực của "tam giác ảo" bên phía Barca quá lớn và bất ngờ, đối phương dễ bị cướp mất bóng, và ngay lập tức Barcelona chuyển sang thế tấn công. Đã không ít lần đội bóng xứ Catalunya đã ghi được bàn thắng quan trọng từ những tình huống như vậy.
2. Hàng phòng ngự dâng cao khi đối phương bắt đầu tổ chức tấn công:
Điều này nghe qua có vẻ hơi kì quặc, nhưng đó lại là đặc sản của Barcelona. Ngay khi đối phương bắt đầu tổ chức tấn công, các cầu thủ Barca "dồn ép" đối thủ về sân nhà của họ, càng xa khung thành của Valdes càng tốt. Messi ngay lập tức chạy về phía trước, nơi có hai trung vệ của đối phương án ngữ, khiến cho đối thủ buộc phải chuyền sang hai bên cánh, nơi mà Pedro và Villa, và giờ là Sanchez đang chờ sẵn. Xavi và Iniesta sẽ chơi gần trung tâm hơn, để sẵn sàng ngăn chặn một cuộc tấn công trực diện. Iniesta đôi khi được đẩy lên cao phía trước để gây sức ép lên đối thủ, và khi đó Busquets sẽ trám vào vị trí mà đàn anh để lại. Kết quả là các cầu thủ đối phương khi nhận bóng sẽ không có được tư thế và khoảng không gian thoải mái để đưa ra những phương án xử lý đúng đắn nhất..
Cùng thời điểm đó, những hậu vệ cánh như Alves, Abidal đã sẵn sàng băng lên nếu đối phương lựa chọn phương án tấn công từ hai bên sườn. Hai trung vệ cùng với sự hỗ trợ của tiền vệ phòng ngự, luôn phải sẵn sàng đối chọi với những đường chuyền dài.
Việc hàng thủ dâng cao khiến áp lực lên khung thành của Valdes được giảm đi đáng kể, và nếu có những sai lầm trong hệ thống phòng ngự của Barca, thì các đồng đội của họ cũng có đủ thời gian và không gian để sửa chữa.
3. Sơ đồ 4-1-4-1 & bám sát khu vực trung tâm:
Trong những tình huống bị đối phương dồn ép thực sự, Pep đã chuẩn bị sẵn phương án cho các học trò ứng phó: hệ thống 4-1-4-1 với số lượng lớn cầu thủ tập trung gần vòng tròn trung tâm. Cả hai đội với gần 20 cầu thủ, trong khi chỉ có 25 đến 30 mét để "tung hoành".
Tiền vệ phòng ngự (Busquets) khi đó sẽ chơi như một libero, và án ngữ ở ngay chính giữa sơ đồ chiến thuật. Nếu đối phương vượt qua khu vực trung tâm, đây sẽ là mắt xích quan trọng nhất. Các hậu vệ dâng rất cao, để đảm bảo mối liên kết chặt chẽ với tuyến trên và ngăn chặn kịp thời các cuộc tấn công từ bên cánh.
4. Những cầu thủ phòng ngự đa năng và kỹ thuật:
Barcelona là đội bóng đa năng bậc nhất trong thế giới bóng đá. Nếu như Messi, Fabregas, Pedro,... sẵn sàng đảm nhận cả nhiệm vụ ghi bàn lẫn điều phối bóng, thì Puyol, Alves, Abidal, Pique,... cũng có thể chơi ít nhất hai vị trí khi cần thiết, tùy theo tính chất của trận đấu. Sở hữu những hậu vệ đa năng như vậy, Barca không những có thể tấn công rất đa dạng, mà họ còn bọc lót với nhau rất tốt.
Thể hình của các hậu vệ mà Pep có trong tay không thực sự tốt, nếu không muốn nói là kém xa so với các đối thủ. Nhưng bù lại, đó là những hậu vệ sở hữu kỹ thuật tuyệt vời. Nhờ vậy, trong những tình huống khó khăn, họ sẵn sàng sử dụng kỹ thuật của mình để gây bất ngờ cho đối thủ. Khi tấn công, Barcelona thường xuyên có mặt hai hậu vệ trên phần sân nhà, nhưng dâng khá cao. Khi đó họ còn nhận nhiệm vụ điều phối bóng để kéo dãn đội hình đối phương. Nếu không sở hữu kỹ thuật tốt, đó sẽ là con dao hai lưỡi nếu để đối phương cướp được bóng, và hậu quả sẽ thực sự khôn lường.
Tấn công là cách tốt nhất để phòng ngự, và Barcelona đã nâng tầm nó lên thành nghệ thuật - "nghệ thuật phòng ngự kiểu Barca".
Thu Nga
Theo TT&VH