Lợi ích cá nhân dễ hối thúc con người ta đi chệch quy chuẩn
Thưa, cảm xúc của bà như thế nào khi gần đây liên tiếp xảy ra các vụ hiếp dâm, giết người mà nạn nhân là những cháu nhỏ?
Tôi vô cùng bức xúc trước những hành động dã man, vô nhân tính của kẻ thủ ác. Với những kẻ không còn tính người, pháp luật phải trừng trị thật thích đáng chúng bằng khung hình phạt cao nhất.
ĐBQH Nguyễn Thị Khá.
Điều này cho thấy lối sống buông thả của một số người trong xã hội đã đến mức báo động?
Thực tế này đã khá phổ biến trong giới trẻ, nhất là những đứa trẻ được mệnh danh là con của đại gia. Chúng chơi bời trác táng, ăn những món rùng rợn như bào thai rắn, khỉ rồi mua vui bằng những trò tiêu khiển như cờ bạc, múa khoả thân... Khi con người đối xử với nhau không có tình người, mọi cái đề dựa trên nhu cầu mua bán, trao đổi sòng phẳng để thoả mãn cái tôi cá nhân, con người sẽ đánh mất tình thương yêu đồng loại.
Nghĩa là người ta sẵn sàng đối xử ác với nhau?
Đúng vậy, chỉ vì muốn giành giật những gì thoả mãn nhu cầu cá nhân, con người sẵn sàng chà đạp lên người khác. Thậm chí, cướp đoạt đi hạnh phúc, sự sống của người khác. Xã hội đang có một lớp người muốn thoả mãn nhu cầu bản thân nhưng lại không muốn lao động mà muốn gặt hái thành quả nhiều nhất. Đó là thứ chủ nghĩa vị kỷ. Ở bất cứ xã hội nào, lợi ích cá nhân vẫn hối thúc con người ta đi chệch quy chuẩn của pháp luật. Trong trường hợp của những kẻ thủ ác gần đây, nó thể hiện sự xuống cấp nghiêm trọng của đạo đức, báo động về lối sống. Tôi cho rằng, các phương tiện thông tin đại chúng phải kịch liệt lên án những hành vi mất nhân tính này.
Bà có cho rằng, một phần nguyên nhân của tội phạm trong giới trẻ gia tăng có từ trong những sản phẩm của văn hoá phẩm độc hại?
Nó chính là một phần của sự ảnh hưởng từ trò chơi bạo lực, phim ảnh "đen". Những luồng văn hoá "đen" này tác động đến tâm sinh lý của giới trẻ, khiến chúng không kiềm chế được bản thân. Thậm chí, có trường hợp, đứa trẻ vừa xem phim sex xong liền đi hiếp dâm. Điều này, cho thấy các bậc phụ huynh cần quan tâm hơn nữa đối với con cái. Hãy bảo vệ con, tránh xa những thói hư tật xấu.
Tội ác đã gây ra không thể biện minh
Tội ác đôi khi là bản chất, nhưng cũng có những người trong một cú sốc tâm lý, hay sự đè nén của tinh thần, bị kích động quá mức mà bất ngờ gây tội ác. Bà nghĩ sao về điều này?
Đã gây tội ác rồi thì không thể biện minh vì lý do gì. Nhiều người, sau khi gây tội ác xong rồi giả điên, giả dại. Đó chỉ là sự trốn tránh pháp luật hay cố tình đổi lỗi tại "thần kinh có vấn đề" để được giảm tội mà thôi. Thực tế, chuyện giả điên dại đã có cơ quan giám định tâm thần xem xét. Như trong vụ án xảy ra với hai chị em cháu bé 8 và 4 tuổi, một số báo chí có nêu trước đó hung thủ có những biểu hiện khác thường, hay kẻ thủ ác một mực nói say rượu. Tất cả chỉ để đổ lỗi tại hoàn cảnh khách quan và khó có thể chấp nhận được.
Không phải chỉ những đứa trẻ mới lớn không làm chủ được bản thân, mà có cả những ông già suy đồi đạo đức vẫn hiếp dâm những cháu bé còn ít tuổi?
Đó là nỗi đau mang đến cho xã hội. Con người ta sống chỉ mong thoả mãn nhu cầu cá nhân mà bất chấp những việc làm phi nhân tính, mất hết luân thường đạo lý. Con người ứng xử với nhau theo bản năng cơ học mà đánh mất lý trí. Tôi nghĩ rằng, đó chỉ là thiểu số ít ỏi trong bức tranh màu tối của xã hội. Nhưng dù ít chúng ta vẫn phải lên án, phải trừng trị nghiêm khắc cái ác để đủ sức răn đe.
Vậy, theo bà hiện nay lệch chuẩn đạo đức xuất phát từ môi trường gia đình, xã hội hay nhà trường?
Điều này có lỗi ở cả ba mối quan hệ trên. Gia đình bố mẹ mải kiếm sống, giáo dục trong nhà trường chưa chú trọng đến "học lễ", còn xã hội nhiều những chuyện xấu được phơi bày, miêu tả chi tiết đã phần nào tác động vào tâm lý của thanh thiếu niên. Tất cả điều này đã ngấm dần và ảnh hưởng đến suy nghĩ, hành động của giới trẻ. Và sự giành giật trong xã hội ở giới trẻ ngày càng nhiều hơn, vì đòi hỏi về vật chất, thoả mãn nhu cầu của họ lớn hơn và dường như không có giới hạn.
Xin cảm ơn bà!
Xã hội càng tiến về phía trước thì những liêm luật, đòi hỏi của thế giới mới càng khắt khe hơn. Sự phát triển đó, không kích hoạt giá trị nhân văn, nhân bản mà nó làm cho khía cạnh con người vì bản thân tăng lên, họ ứng xử với nhau theo kiểu cơ học hay trong thế giới ảo mà họ tự tưởng tượng ra. Điều đó là đáng buồn, nên chúng ta cần thiết phải quay về với đời thường. Tôi thấy đó là điều báo động vì khi người ta không còn coi trọng đến những con người thân phận nghèo, hoàn cảnh khó khăn, đáng thương thì người ta sẵn sàng hành xử ác với nhau. Và thực tế, ở đâu đó trong xã hội con người đã hành xử tuỳ tiện, xem thường pháp luật thì tội ác ở đó gia tăng. Đó là tiếng chuông cảnh tỉnh của con người trong mối quan hệ người với người, con người với xã hội. |
Minh Khánh
theo Người Đưa Tin