Họ đều là các bóng hồng đã gặt hái được nhiều thành công thương trường, nhưng sự khắc nghiệt và cám dỗ đã làm số phận của mỗi người rẽ theo những hướng khác nhau.
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo: Vợ chồng kiện tụng, ngày về Trung Nguyên còn bỏ ngỏ
Trong suốt năm 2018, vụ tranh chấp giữa bà Lê Hoàng Diệp Thảo và tập đoàn Trung Nguyên đã làm báo chí tốn không ít giấy mực. Thậm chí, ngay cả phán quyết của toà án cũng không thể giải quyết mâu thuẫn giữa hai bên. Theo thông tin mới nhất, bà Lê Hoàng Diệp Thảo tiếp tục tố cáo phía Trung Nguyên "cung cấp tài liệu giả tạo" khi ra toà.
Nếu đơn thuần chỉ là một vụ kiện tụng trong giới làm ăn, chắc hẳn người ta sẽ không mổ xẻ nhiều đến vậy. Nhưng chính mối quan hệ vợ chồng "đầu gối tay ấp" một thời giữa bà Lê Hoàng Diệp Thảo và ông Đặng Lê Nguyên Vũ - Chủ tịch tập đoàn Trung Nguyên đã trở thành khía cạnh khiến dư luận không khỏi băn khoăn.
Trước 2015, bà Lê Hoàng Diệp Thảo xuất hiện cùng ông Đặng Lê Nguyên Vũ trong vai trò Phó giám đốc thường trực tập đoàn Trung Nguyên, trực tiếp kiểm soát, điều hành hầu hết các khía cạnh quan trọng trong hoạt động sản xuất kinh doanh của hệ thống.
Vào quãng thời gian tươi đẹp nhất, bà Thảo cùng chồng mình – ông Đặng Lê Nguyên Vũ dường như không có bất cứ mâu thuẫn nào về mục tiêu và phương thức điều hành tập đoàn Trung Nguyên. Năm 2014, Trung Nguyên đạt đỉnh cao với mức lợi nhuận sau thuế lên tới 1.193,1 tỷ đồng. Ở khía cạnh đời tư, sau 4 năm yêu và 20 năm chung sống, họ có với nhau 4 người con.
Nhưng một kịch bản ít người nghĩ tới đã xảy ra, không biết vì lý do gì, tháng 4/2015, ông Đặng Lê Nguyên vũ đột ngột tước quyền Phó tổng giám đốc thường trực của vợ mình. Quyền hành được đặt vào tay một nhóm nhân viên khác.
Từ đây, bà Diệp Thảo - ông Đặng Lê Nguyên Vũ rơi vào vòng xoáy kiện tụng không hồi kết. Cho rằng chồng mình đã thay đổi sau “49 ngày thiền định”, bà Lê Hoàng Diệp Thảo đăng đàn với hàng loạt phát ngôn bóc mẽ ông Đặng Lê Nguyên Vũ.
Ngày 20/9 vừa qua, TAND Cấp cao tại TP HCM đã mở phiên xét xử vụ "Tranh chấp giữa thành viên công ty với công ty" xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên do bà Lê Hoàng Diệp Thảo (45 tuổi) khởi kiện ông Đặng Lê Nguyên Vũ (47 tuổi). Theo đó, Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của bị đơn và của Công ty cổ phần tập đoàn Trung Nguyên. Đồng nghĩa, bản án sơ thẩm được giữ nguyên, chấp nhận 1 phần yêu cầu của nguyên đơn, huỷ bỏ quyết định bãi nhiệm chức vụ chức danh của bà Thảo. Ngoài ra, ông Vũ không được ngăn cấm, cản trở quyền điều hành, quản lý của bà Thảo.
Nhưng trong lần trở về này, bà Lê Hoàng Diệp Thảo được giữ chức vụ Phó giám đốc tập đoàn trong... 1 ngày. Ngày 21/9, bất chấp phán quyết của toà án, Tập Đoàn Trung Nguyên đưa ra văn bản bãi nhiệm, tước bỏ quyền hành của bà Diệp Thảo. Người ký thi hành quyết định không ai khác chính là ông Đặng Lê Nguyên Vũ.
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo đang phải chấp nhận thực tế mình không còn được chào đón ở Trung Nguyên, nơi bà dành tình yêu và tâm sức xây dựng từ những ngày đầu.
Ngày bà Diệp Thảo "danh chính ngôn thuận" trở về Trung Nguyên hiện vẫn còn bỏ ngỏ. Tuy vậy, bà vẫn khẳng định "Vì thế, chắc chắn tôi sẽ trở về, gắng đưa anh đi chữa bệnh, vực dậy lại Trung Nguyên. Sự trở về này có thể còn nhiều khó khăn phía trước, nhưng tôi luôn tâm niệm tình chồng nghĩa vợ sẽ là nền tảng giúp tôi cố gắng trong hành trình tiếp theo".
Đại gia Võ Thị Thanh: “Bông hồng vàng” Thuận Thảo chỉ còn là quá khứ
Doanh nghiệp của "bông hồng vàng" Võ Thị Thanh đang rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng
Bà Võ Thị Thanh sinh ngày 28/6/1965, trong một gia đình nghèo tại xã Hoà Thắng, huyện Phú Hoà, tỉnh Phú Yên. Khi đang học tại giảng đường Đại học Văn khoa Sài Gòn, bà phải bỏ học giữa chừng vì điều kiện kinh tế gia đình không cho phép.
“Có một tuổi thơ như vậy nên tôi rất sợ cái nghèo. Nghèo đi đôi với hèn. Tôi làm đủ mọi nghề: buôn chuyến, bán lẻ rồi sau này kinh doanh lớn hơn…”, quyết tâm thoát nghèo của bà Võ Thị Thanh đã được đền đáp với sự phát triển của doanh nghiệp Thuận Thảo.
Công ty Cổ Phần Thuận Thảo được thành lập và phát triển từ những năm 1990 với đội xe khách chất lượng cao tỉnh Phú Yên sau đó mở rộng kinh doanh sang lĩnh vực bất động sản như Resort&Spa Golden Beach, khu vui chơi giải trí Thuận Thảo Land, Khách sạn 5 sao Cendeluxe – khách sạn năm sao đầu tiên và duy nhất của Phú Yên hiện nay, nhà hát Sao Mai…
Từ năm 2006 - 2011, chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) kiêm Tổng giám đốc CTCP Thuận Thảo là bà Võ Thị Thanh liên tục nhận được giải thưởng Nữ doanh nhân Việt Nam tiêu biểu - cúp Bông hồng Vàng. Đây là giải thưởng Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam nhằm ghi nhận, tôn vinh phụ nữ Việt Nam nói chung, doanh nhân nữ Việt Nam nói riêng đã có những thành tích xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh và đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế xã hội.
Tham vọng lấn sân vào lĩnh vực bất động sản đã khiến doanh nghiệp của bà Võ Thanh xuống dốc không phanh. Việc đầu tư vào các dự án như Khách sạn 5 sao Cendeluxe, Thuận Thảo Land, Resort & Spa Golden Beach, Nhà hát Sao Mai,... trong bối cảnh du lịch Phú Yên chưa được phát triển và thị trường BĐS bước vào thời kỳ khủng hoảng đã đánh gục Thuận Thảo.
Sau nhiều năm thua lỗ, Thuận Thảo hiện đang gánh một số nợ khổng lồ. Đầu năm 2018, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Chi nhánh Phú Tài đã thông báo bán khoản nợ xấu của Công ty Thuận Thảo Nam Sài Gòn với tổng giá trị gần 2.300 tỷ đồng gồm hơn 1,2 nghìn tỷ nợ gốc và hơn 1 nghìn tỷ nợ lãi, trong đó có 5,2 triệu cổ phiếu GTT của bà Võ Thị Thanh và các bất động sản tại huyện Bình Chánh và Quận 1 TP Hồ Chí Minh. Hiện tại, cổ phiếu GTT của Thuận Thảo Với chỉ còn 300 đồng/đơn vị, một trong những thị giá thấp nhất trên sàn chứng khoán từ trước đến nay.
Bà Hứa Thị Phấn: Sự nghiệp kinh doanh kết thúc bi đát
Doanh nghiệp của "bông hồng vàng" Võ Thị Thanh đang rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng
Nổi lên trong giới thương trường từ những năm 2007, bà Hứa Thị Phấn nguyên là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển Phú Mỹ.
Khoảng năm 2009-2010, bà Phấn đại diện nhóm cổ đông Phú Mỹ đã chi ra khoảng 2.000 tỷ đồng để thâu tóm 84,92% vốn cổ phần của TrustBank. Sau khi thâu tóm, bà Phấn giữ vai trò cố vấn cấp cao HĐQT kiêm thành viên Hội đồng tín dụng tại nhà băng này. Sở hữu phần trăm vốn cổ phần lớn, bà Hứa Thị Phấn nắm quyền chi phối và điều hành mọi hoạt động của TrustBank.
Chân dung người phụ nữ quyền lực này lại được báo giới nhắc đến nhiều hơn vào năm 2016. Nhưng đáng tiếc, thời điểm này bà Phấn xuất hiện trước truyền thông với hình ảnh không ai mong muốn.
Trong thời gian nắm quyền kiểm soát TrustBank, bà cùng nhiều cá nhân khác đã có những hành vi sai phạm, gây thất thoát hàng nghìn tỷ đồng. Cụ thể, lợi dụng quyền lực, Bà Phấn đã lũng đoạn mọi hoạt động đầu tư, hoạt động tín dụng, hoạt động thu chi tiền mặt nhằm thực hiện hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, cố ý làm trái thông qua việc nâng khống giá trị căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch từ khoảng 154 tỷ đồng lên đến 1.260 tỷ đồng để bán cho TrustBank. Bà Phấn đã chiếm đoạt của ngân hàng hơn 1.105 tỷ đồng, hạch toán thu - chi khống, cấn trừ để gây thiệt hại cho TrustBank hơn 5.256 tỷ đồng.
Được biết, bà Hứa Thị Phấn bị tổn hại sức khoẻ 93% trong quá trình xét xử. Ngày 31/5/2018, Hội đồng xét xử tuyên phạt bà Hứa Thị Phấn 30 năm tù, và phải bồi thường 1105 tỉ đồng để đền bù thiệt hại.
Bà Lê Thị Hương: Nữ "doanh nhân vàng" vướng vòng lao lý
Doanh nghiệp của "bông hồng vàng" Võ Thị Thanh đang rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng
Thông tin bà Lê Thị Hương - Chủ nhiệm Hợp tác xã Thương mại, dịch vụ Thuận Thành (HTX Thuận Thành) bị khởi tố hồi tháng 12/2017 đã gây xôn xao dư luận. Ai cũng biết, bà là một nữ doanh nhân thành đạt, chủ của hệ thống siêu thị mini lớn nhất Huế.
Hàng chục năm qua, tên tuổi của bà Lê Thị Hương gắn liền với thương hiệu của HTX Thuận Thành - tổ chức kinh tế ra đời từ năm 1976 và nổi tiếng với hệ thống siêu thị tại Thừa Thiên - Huế. Bà Hương chính là người đã chèo lái HTX Thuận Thành “vượt qua giông bão” để trở thành một doanh nghiệp mạnh ở tỉnh.
Riêng cá nhân bà Hương cũng đã được trao tặng nhiều huy chương, giải thưởng, như: Được Bộ Thương mại tặng Huy chương Vì sự nghiệp ngành thương mại, Liên minh HTX Việt Nam tặng Huy chương Vì sự nghiệp HTX và nhiều bằng khen của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, Liên minh HTX Việt Nam, UBND TP.Huế…
Đặc biệt, vào đầu năm 2010, bà Hương được Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam trao tặng giải thưởng Nữ doanh nhân Việt Nam tiêu biểu năm 2009 - Cúp bông hồng vàng. Đây là giải thưởng giành cho những nữ doanh nhân tiêu biểu có nhiều thành tích trong sản xuất kinh doanh, có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và phát triển cộng đồng doanh nghiệp. Tên gọi “nữ doanh nhân vàng” nhiều người dùng để nói về bà Hương xuất phát từ đây
Sự khắc nghiệt của thị trường với những đối thủ cạnh tranh lớn như BigC, Coopmart đã khiến HTX Thuận Thành gặp khó khăn nhất định, phải đóng cửa nhiều siêu thị. Bà Lê Thị Hương không thể tiếp tục lèo lái doanh nghiệp vì vướng vào vòng lao lý.
Hiếu Nguyễn
Theo Doanh nhân Pháp luật