Để phát triển dịch vụ logistics trong nước cần xây dựng hệ thống thông tin liên kết và đồng nhất, áp dụng công nghệ tiên tiến và tận dụng thông tin thời gian thực, giao tiếp giữa các bên liên quan.
Hội thảo khoa học “Phát triển dịch vụ logistics Việt Nam: Cơ hội và thách thức” Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ trẻ TP Hồ Chí Minh phối hợp Trường Đại học Tài chính-Marketing (Bộ Tài chính) tổ chức với mong muốn tạo môi trường chia sẻ kết quả nghiên cứu, quan điểm và trao đổi học thuật giữa các chuyên gia, nhà nghiên cứu, giảng viên, các bạn sinh viên từ các viện nghiên cứu, trường đại học, cao đẳng, học viện, doanh nghiệp trong lĩnh vực Logistics tại Việt Nam và quốc tế.
Với 67 bài báo cáo của gần 140 tác giả trực tiếp tham dự và gửi về hội thảo, nội dung chính tham luận tập trung liên quan đến các vấn đề dịch vụ logistics, kinh tế số, chuỗi cung ứng xanh... Trong đó, các tham luận đã nêu bật những cơ hội, thách thức của ngành dịch vụ logistics Việt Nam trong bối cảnh hiện nay, ứng dụng công nghệ số để phát triển hoạt động logistics và tối ưu hóa chuỗi cung ứng. Một số tham luận đã đề xuất giải pháp thúc đẩy phát triển chuỗi cung ứng xanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics hậu Covid-19...
Qua đó, tìm kiếm đưa ra các đề xuất và giải pháp cụ thể để cải thiện năng lực Logistics của Việt Nam; thông qua đó tăng cường đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ và giải quyết những thách thức liên quan đến vận chuyển và phân phối hàng hóa trong nước và quốc tế.
Phát biểu tại hội thảo, Phó giáo sư, Tiến sĩ Hà Thị Ngọc Oanh, Phó trưởng Ban Kiểm tra Hiệp hội Phát triển Nhân lực Logistics Việt Nam cho biết: “Để phát triển dịch vụ logistics trong nước cần xây dựng hệ thống thông tin liên kết và đồng nhất, áp dụng công nghệ tiên tiến và tận dụng thông tin thời gian thực, giao tiếp giữa các bên liên quan. Cùng với đó, xây dựng hệ thống thông tin logistics thông minh, quản lý và theo dõi hoạt động vận chuyển hàng hóa trong suốt chặng đi, kết nối đồng bộ trong quản lý vận hành toàn bộ hệ thống hoạt động của logistics và cảng”.
Bên cạnh đó, Tiến sĩ Lê Trung Đạo, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính-Marketing cho biết: “Hội thảo lần này tập trung thảo luận, đánh giá thực trạng về ngành logistics Việt Nam. Thông qua các nội dung tại hội thảo, góp phần nhận diện những cơ hội, đưa ra các đề xuất và giải pháp cụ thể để cải thiện năng lực dịch vụ logistics của Việt Nam. Từ đó, tiếp tục tăng cường đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ và giải quyết những thách thức liên quan đến vận chuyển và phân phối hàng hóa trong nước và quốc tế”.
Logistics trong nền kinh tế số; ứng dụng công nghệ số nhằm phát triển hoạt động Logistics và tối ưu hóa chuỗi cung ứng; phát triển bền vững, đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng Logistics tại Việt Nam với thế giới; phát triển nguồn nhân lực dịch vụ Logistics; giải pháp và chính sách đặc thù hỗ trợ và thúc đẩy phát triển dịch vụ Logistics và quản lý chuỗi cung ứng tại Việt Nam.
Tiến Hoàng/KTDU