Sự kiện hot
2 năm trước

Phát triển lành mạnh trái phiếu doanh nghiệp

Việc chấn chỉnh trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp theo đánh giá của giới chuyên môn là cần thiết, nhưng phải tạo điều kiện để thị trường này tiếp tục phát triển.

Phát hành sụt giảm mạnh

Theo thống kê của Công ty Chứng khoán VnDirect, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn trong quý III/2022 sẽ đạt mức 64.696 tỷ đồng, tăng 82,7% so với quý trước; tăng 243,8% so với cùng kỳ. Trong đó, trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn của ngành bất động sản, tài chính - ngân hàng lần lượt chiếm 52% và 37,2%.

Xét riêng các doanh nghiệp bất động sản, giá trị trái phiếu riêng lẻ đáo hạn tăng mạnh phần lớn đến từ việc nhiều doanh nghiệp đã phát hành một lượng lớn trái phiếu với kỳ hạn ngắn 1-2 năm trong giai đoạn 2020-2021. Việc khối lượng trái phiếu đáo hạn lớn như vậy có thể làm gia tăng áp lực lên cân đối dòng tiền của các doanh nghiệp này và cả ngành bất động sản nói chung.

Trong khi hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp đang được kiểm soát chặt chẽ trước nhiều rủi ro tiềm ẩn, giới chuyên môn cho rằng các doanh nghiệp bất động sản sẽ khó khăn hơn trong việc huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu trong vài quý tới.

phat trien lanh manh trai phieu doanh nghiep
Phát hành trái phiếu sẽ là kênh vốn chính của các doanh nghiệp bất động sản.

Khó khăn trên đã lộ diện rõ khi trong giai đoạn vừa qua các đợt phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản giảm mạnh. Theo dữ liệu của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong nửa đầu tháng 7/2022 chỉ có 3 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ và 100% thuộc lĩnh vực tài chính.

Như vậy, sau 2 tháng rậm rịch quay trở lại phát hành trái phiếu, các doanh nghiệp bất động sản lại tiếp tục "án binh bất động".

Thống kê mới nhất của FiinGroup, trong tháng 6 vừa qua, thị trường trái phiếu doanh nghiệp chỉ ghi nhận giá trị phát hành đạt 27,8 nghìn tỷ đồng trên thị trường sơ cấp, giảm hơn 28% so với tháng trước và giảm gần 72% so với cùng kỳ. Tính chung 6 tháng đầu năm, quy mô phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt trên 180 nghìn tỷ đồng, giảm gần 27% so với cùng kỳ.

Đáng chú ý, hoạt động phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản trong quý II tiếp tục suy giảm mạnh khi tổng số đợt phát hành chỉ đạt 16 đợt, giảm 63% số đợt trong quý I, tương ứng với giá trị gần 8,6 nghìn tỷ, giảm tới 79% so với quý trước.

Một trong những lý do chính khiến cho hoạt động phát hành trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản trở nên trầm lắng chính là sau sự cố liên quan đến Tập đoàn Tân Hoàng Minh. Trước đó, thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng đã bị đưa vào “tầm ngắm” nên lại càng bị cơ quan quản lý giám sát chặt hơn.

“Từ đầu năm đến nay, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, nhất là trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản, không được khả quan khi Bộ Tài chính đưa ra nhiều quy định kiểm soát chặt chẽ hoạt động phát hành trái phiếu, đặc biệt là phát hành riêng lẻ. Về phía các nhà đầu tư cũng lo ngại rủi ro sau vụ việc Tân Hoàng Minh nên cũng e dè đối với trái phiếu do doanh nghiệp bất động sản phát hành. Do đó, trái phiếu doanh nghiệp bất động sản tiếp tục đối mặt với khó khăn trong giai đoạn tới”, một chuyên gia ngân hàng bình luận.

Chung quan điểm, một chuyên gia chứng khoán nhận định, hiện tại cả thị trường chứng khoán lẫn trái phiếu đều bị áp lực hút tiền trước những lo ngại từ lạm phát gia tăng. Bên cạnh đó, thị trường bất động sản đang có dấu hiệu chững lại, trong khi các ngân hàng có xu hướng tăng lãi suất huy động. Do đó, nhà đầu tư cũng không mặn mà với kênh trái phiếu nữa.

“Từ giờ đến cuối năm, trái phiếu doanh nghiệp bất động sản khó trở lại như thời điểm trước”, chuyên gia này nói.

Ứng xử chính sách phù hợp hơn với trái phiếu doanh nghiệp

Hiện nay, các doanh nghiệp bất động sản đang dựa vào 5 nguồn vốn để phát triển mở rộng hoạt động kinh doanh. Song tín dụng và trái phiếu doanh nghiệp vẫn là hai nguồn vốn quan trọng nhất.

Về kênh tín dụng, hiện các ngân hàng đang có xu hướng kiểm soát chặt chẽ đối với tín dụng bất động sản khi mà thị trường này tiềm ẩn khá nhiều rủi ro, thường xuyên xảy ra những cơn sốt nóng, lạnh. Hơn nữa, nguồn vốn của các ngân hàng chủ yếu là có kỳ hạn ngắn, trong khi vốn đầu tư lĩnh vực bất động sản chủ yếu là vốn trung - dài hạn, nên rủi ro kỳ hạn, rủi ro thanh khoản là rất lớn.

Trong bối cảnh đó, phát hành trái phiếu đã trở thành kênh huy động vốn trung, dài hạn quan trọng nhất đối với các doanh nghiệp bất động sản.

Với tốc độ tăng trưởng bình quân 30%/năm, theo tính toán của TS. Lê Xuân Nghĩa - nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, chỉ trong vòng 10 năm tới, trái phiếu doanh nghiệp thậm chí có thể thay thế kênh tín dụng trung, dài hạn. Do vậy, TS. Nghĩa cho rằng, việc phát triển lành mạnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp là vấn đề quan trọng nhất hiện nay để giải bài toán vốn trung, dài hạn của doanh nghiệp.

TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thương hiệu và cạnh tranh cũng cho rằng, phát triển thị trường vốn, đặc biệt là thị trường trái phiếu doanh nghiệp rất quan trọng. Nếu không có trái phiếu, nguồn vốn trung, dài hạn của doanh nghiệp sẽ rất khó khăn.

Theo đánh giá của TS. Thành, thời gian gần đây, nếu không có trái phiếu doanh nghiệp thì thị trường bất động sản khó khăn hơn rất nhiều. Riêng năm 2021, phát hành trái phiếu doanh nghiệp vượt quá cho vay mới trung và dài hạn của hệ thống ngân hàng thương mại.

“Nếu không có trái phiếu doanh nghiệp thì nguồn vốn trung, dài hạn cho các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp bất động sản nói riêng sẽ gặp khó”, ông Thành nhấn mạnh.

Việc chấn chỉnh trên thị trường trái phiếu theo đánh giá của giới chuyên môn là cần thiết, nhưng phải tạo điều kiện để thị trường này tiếp tục phát triển. TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho rằng, nếu có thái độ ứng xử phù hợp, đây sẽ là kênh huy động vốn rất hữu ích nhất là vốn trung, dài hạn.

Để giải bài toán vốn trung dài hạn cho thị trường thời gian tới, chuyên gia này cho rằng, cần phải tạo điều kiện phù hợp để các doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp bất động sản nói riêng tiếp tục phát hành trái phiếu doanh nghiệp, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trả nợ, tránh khả năng vỡ nợ chéo.

Tiếp theo, phải có giải pháp quyết liệt hơn để điều tiết cung - cầu bất động sản, khẩn trương tháo gỡ các rào cản pháp lý, hoàn thiện thể chế cho thị trường này.

Về phía cơ quan quản lý Bộ Tài chính cho biết, thời gian tới, Bộ sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp về hoàn thiện chính sách, pháp luật theo hướng tăng cường quản lý giám sát thị trường trái phiếu doanh nghiệp, nâng cao chất lượng hàng hóa, cải thiện chất lượng của các tổ chức cung cấp dịch vụ.

Trước mắt, Bộ Tài chính đang trình Chính phủ và sẽ tập trung hoàn thiện khung khổ pháp lý tại Nghị định số 153/2020/NĐ-CP nhằm quản lý hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp, vừa hỗ trợ thúc đẩy thị trường phát triển minh bạch, hiệu quả, vừa đảm bảo hạn chế và kiểm soát được các rủi ro, bảo vệ quyền lợi các nhà đầu tư.

Mặc dù việc phát hành và đầu tư trái phiếu doanh nghiệp bất động sản còn đối mặt nhiều khó khăn, song một chuyên gia kinh tế cho rằng, chuyển động của trái phiếu doanh nghiệp bất động sản khá quan trọng vì chiếm tới 40% tổng lượng phát hành trên thị trường.

Với những sự thay đổi mới nhất của Nghị định 153 như về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế… theo vị chuyên gia trên, đây sẽ là thông tin tích cực để kích hoạt thị trường trái phiếu sớm sôi động trở lại.

Nguyễn Vũ
Theo Thời báo Ngân hàng

Từ khóa: