Chuyện khó tin này được giám đốc một công ty chế biến thức ăn gia súc tại huyện Bình Chánh, TP.HCM tiết lộ khi bị lực lượng của Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49) kiểm tra đột xuất sáng 6-1.
Chuyện khó tin này được giám đốc một công ty chế biến thức ăn gia súc tại huyện Bình Chánh, TP.HCM tiết lộ khi bị lực lượng của Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49) kiểm tra đột xuất sáng 6-1.
Phế phẩm ruột heo thành thuốc chữa bệnh?
Khoảng 9g ngày 6-1, đoàn kiểm tra của C49 ập vào hai địa chỉ G7/55 và G7/55A ấp 7, xã Lê Minh Xuân, H.Bình Chánh, cùng trên khu đất có khuôn viên hơn 1.000m2 nằm sâu bên trong con đường rải đá gồ ghề cách tỉnh lộ 10 hơn 1km.
Đây là địa chỉ đăng ký kinh doanh của Công ty TNHH thương mại Minh Oanh (G7/55) và chi nhánh DNTN SX-TM Hà Tiết (G7/55A, trụ sở chính tại Q.Tân Bình) có cùng ngành nghề kinh doanh là “sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm và thủy sản”. Thực tế hai doanh nghiệp này không hề sản xuất theo đúng ngành nghề như đã đăng ký.
Bên trong nhà xưởng rộng khoảng 50m2 của chi nhánh DNTN SX-TM Hà Tiết bày la liệt thau chậu, thùng phuy, can nhựa cùng máy ép, lò nấu... với hai công nhân đang làm việc. Công việc của hai công nhân này là đưa ruột, phèo heo (gọi chung là ruột heo) vào máy ép, sau đó cạo tách phần phế phẩm (gồm dịch nhầy, bã phân) để riêng ra. Trên các thau đựng ruột heo, phế phẩm đang được phân loại, ruồi bu như vãi đậu. Cạnh đó là những can, thùng nhựa ngâm ủ ruột heo, phế phẩm bốc mùi tanh lợm.
Hai công nhân làm việc tại đây cho biết ruột heo sau khi ngâm rửa sơ bằng nước lạnh rồi đưa đi giao cho các cơ sở chế biến lạp xưởng tươi, hoặc sấy khô trước khi giao nếu để làm lạp xưởng khô. Riêng phần phế phẩm được ngâm với xút và nấu cô đặc lại để xuất sang một nước khác.
Khi bước vào xưởng chế biến của Công ty TNHH thương mại Minh Oanh, hai cán bộ của C49 phải nhảy thối lui và nôn sặc sụa vì mùi tanh tưởi bốc ra từ các thùng phuy, bồn chứa bên trong xưởng. Ở đây cũng có hai công nhân đang làm việc, một người Việt và một người Trung Quốc.
Một cảnh tượng kinh hoàng đập vào mắt khi những tấm cao su và nắp nhựa đậy các thùng phuy được mở ra: giòi to, giòi nhỏ bò lúc nhúc trên thứ hỗn hợp nhầy nhụa đang ngâm và dọc trên vành phuy. Dọc bờ tường là những bồn chứa xây bằng ximăng, giữa mỗi bồn là hệ thống trục quay vận hành bằng điện.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Chi (giám đốc công ty) cho biết chất nhầy ngâm trong các thùng phuy là phế phẩm ruột heo. Mỗi ngày công ty mua 500-600kg phế phẩm ruột heo không rõ nguồn gốc và từ DNTN SX-TM Hà Tiết để làm nguyên liệu. Phế phẩm mua về được ngâm với xút và một loại hóa chất màu vàng xuất xứ từ Trung Quốc 10-12 giờ. Sau đó cho vào các bồn có hệ thống trục quay để đánh tơi ra (mất 8-10 giờ) và nấu cô đặc thành bột màu đen nâu. Tiếp đó, chất bột này được ngâm với rượu khoảng 30 ngày cho ngả sang màu nâu trắng rồi đem gạn lọc, ép khô thành thỏi như cao xương.
Bà Chi khai nhận tuy bà đứng tên đăng ký kinh doanh với tư cách giám đốc nhưng thực chất mọi công việc sản xuất đều do ông Cao Guang Ming (sinh năm 1966, quốc tịch Trung Quốc) điều hành. Bà Chi cho hay mỗi tháng thu được khoảng 3kg cao và đều được ông Cao Guang Ming bẻ ra thành miếng nhỏ cho vào vali, sau đó bay ra Hà Nội rồi đi bằng đường bộ lên biên giới bán sang Trung Quốc.
“Tôi chỉ nghe chồng tôi nói là bán qua đó để làm thuốc chữa bệnh, chứ không biết rõ” - bà Chi khai.
Nguyễn Triều
Theo Tuoi tre