Theo dự kiến thời gian vận hành của Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn – sân bay tư nhân đầu tiên ở Việt Nam sẽ rời sang quý II/2018 thay vì quý I. Vì sao có sự thay đổi này và mô hình sân bay Vân Đồn có gì đặc biệt? Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Đặng Minh Trường, Phó Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Sun Group – chủ đầu tư của dự án.
Sân bay do một công ty tư nhân vận hành sẽ khác gì so với các sân bay khác trên cả nước?
Cảng Hàng không quốc tế Vân Đồn là sân bay tư nhân đầu tiên của Việt Nam đầu tư theo hình thức BOT. Điểm khác biệt của sân bay quốc tế Vân Đồn so với 21 sân bay khác đang hoạt động trên cả nước, đó là sân bay này sẽ do chính doanh nghiệp bỏ tiền đầu tư trực tiếp vận hành, khai thác thay vì trực thuộc sự quản lý của Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam.
Riêng hoạt động điều hành bay, giá dịch vụ chuyên ngành hàng không tại sân bay Vân Đồn vẫn do Nhà nước thống nhất quản lý theo quy định của pháp luật.
Mục tiêu lớn nhất của Sun Group khi đầu tư xây dựng và vận hành sân bay Vân Đồn là gì?
Muốn phát triển vùng đất Vân Đồn giàu tiềm năng, cần phát triển hạ tầng đi trước một bước. Sân bay quốc tế Vân Đồn chính là bước khởi đầu để thức đẩy sự phát triển của vùng đất này.
Kể từ khi trở về đầu tư tại Việt Nam cách đây 10 năm, Sun Group đã luôn kiên định đầu tư vào lĩnh vực du lịch. Đến nay du lịch đã được xác định trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, đặc biệt sau khi Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị được ban hành đầu năm nay và các giải pháp quyết liệt của Chính phủ để thực hiện các mục tiêu phát triển của ngành này.
Tại các địa phương, Sun Group luôn đầu tư một tổ hợp các dự án trong đó trọng điểm là các dự án du lịch để thúc đẩy kinh tế- xã hội của vùng đất đó phát triển. Việc đầu tư hạ tầng một cách bài bản đi kèm với dịch vụ tốt là cơ sở quan trọng tạo đông lực mời gọi các nhà đầu tư và du khách đến, mang lại phát triển thịnh vượng cho vùng đất đó.
Trong thời điểm nguồn đầu tư từ ngân sách còn hạn chế thì tỉnh Quảng Ninh đã tìm hướng đi riêng nhằm mục tiêu phải có được hạ tầng cho sự phát triển. Sun Group đã chia sẻ điều này và đồng hành cùng Quảng Ninh, trở thành doanh nghiệp tư nhân đầu tiên đầu tư sân bay.
Chúng tôi làm như vậy không chỉ mang lại cơ hội cho chính Sun Group mà còn mang cơ hội lại cho các nhà đầu tư khác và cho vùng đất mà chúng tôi đầu tư. Nếu dự thảo Luật đặc khu hành chính kinh tế được Quốc hội sớm thông qua và ban hành vào giữa năm tới thì một vùng đất giàu tiềm năng như Vân Đồn đang đứng trước cơ hội lớn trở thành một trong ba cực tăng trưởng mới của đất nước cùng với Phú Quốc và Bắc Vân Phong.
Việc đầu tư vào sân bay góp phần bổ trợ cho chiến lược kinh doanh của Sun Group chứ không nhằm kinh doanh khai thác mang lại lợi nhuận từ đây. Chúng tôi hiểu rằng, rất dễ để nhà đầu tư chọn các vùng đất đã có sẵn hạ tầng, sẵn nguồn khách…để phát triển các sản phẩm du lịch của mình bởi ở đó họ sẽ ít phải chịu các rủi ro và chi phí.
Nhưng chỉ những nhà đầu tư thực sự tâm huyết và gắn sứ mệnh của mình với việc thúc đẩy sự phát triển các vùng đất, khai mở những tiềm năng sẵn có để mang lại cuộc sống tốt hơn, sự thịnh vượng và ổn định cho người dân mới là người đi tiên phong để đầu tư vào hạng mục hạ tầng vốn rất tốn kém, ngốn nhiều nguồn lực, như sân bay.
Cho đến nay, tiến độ xây dựng có gì gặp trục trặc không mà phải rời thời gian vận hành?
Tập đoàn Sun Group đang cấp tập triển khai các hạng mục của dự án cảng hàng không Vân Đồn đảm bảo đưa sân bay đi vào vận hành vào năm 2018. Tính đến thời điểm này, khu bay gồm đường cất hạ cánh và sân đỗ đã hoàn thành khoảng 90%. Các hạng mục thi công khác của cảng hàng không vẫn đang được ráo riết triển khai. Dự kiến đến khoảng quý 2 năm 2018 sẽ đón những chuyến bay đầu tiên.
Về mô hình thì sân bay Vân Đồn sẽ có thể giống với mô hình nào trên thế giới?
Dự án Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn có tổng mức đầu tư khoảng 7.500 tỷ đồng. Đây là càng hàng không quốc tế cấp 4E đón được những loại máy bay hiện đại nhất thế giới như A380, B777. Dự án được triển khai trên tổng diện tích hơn 288 ha với công suất thiết kế 5 triệu hành khách/năm, trong đó giai đoạn 1 là 2,5 triệu hành khách/năm.
Chúng tôi đã tham khảo rất kỹ các kinh nghiệm, mô hình phù hợp trên thế giới. Chúng tôi đặc biệt nghiên cứu kỹ Sân bay quốc tế Bảo An Thâm Quyến được đầu tư năm 1991, sau 11 năm Thâm Quyến chính thức trở thành đặc khu kinh tế (1980).
Tại thời điểm năm 1992 khi sân bay bắt đầu đi vào hoạt động, nhiều người đã hoài nghi về khả năng tồn tại của sân bay này bởi Thâm Quyến là vùng rất kém phát triển ở Trung Quốc. Đến năm 2000, sân bay này trở thành sân bay lớn thứ 4 ở Trung Quốc và tới 2015 sân bay Bảo An Thâm Quyến đã vận hành với công suất đón gần 40 triệu hành khách và hơn 1 triệu tấn hàng hóa, sánh ngang với các sân bay ở Barcelona, NewYork hay Sao Paolo.
Khánh Linh – Chu Lan Anh
Theo Trí thức trẻ