Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho rằng nếu không có cơ chế cấp hạn mức tín dụng, nhiều ngân hàng có thể dùng mọi cách để đẩy tín dụng ra với quy mô lớn, rất khó để kiểm soát an toàn thanh khoản hệ thống.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho rằng nếu không có cơ chế cấp hạn mức tín dụng, nhiều ngân hàng có thể dùng mọi cách để đẩy tín dụng ra với quy mô lớn, rất khó để kiểm soát an toàn thanh khoản hệ thống.
Tại Hội nghị triển khai công tác Đảng và Nhiệm vụ kinh doanh năm 2023 của Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank), Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú đã có những giải đáp cho ba kiến nghị từ phía lãnh đạo Vietcombank.
Về đề xuất NHNN không nên quản lý tăng trưởng tín dụng thông qua cấp hạn mức mà quản lý theo chỉ tiêu, tiêu thức đối với từng ngân hàng, Phó Thống đốc cho biết cơ chế cấp hạn mức tín dụng được áp dụng từ cuối năm 2011-2012 đến nay.
Nếu công cụ này không được duy trì đến hiện nay, câu chuyện kiểm soát tín dụng và đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát và ổn định vĩ mô sẽ rất khó khăn, dù đó không phải là công cụ duy nhất. Theo ông Tú, kiểm soát tăng trưởng tín dụng có mang tính chất hành chính nhưng cần thiết.
Ông cho hay NHNN đã làm việc với nước ngoài và nghiên cứu kinh nghiệm các nước, không ít quốc gia vẫn sử dụng cơ chế cấp hạn mức tín dụng. Do đó trước mắt, NHNN sẽ tiếp tục duy trì công cụ này để đảm bảo mục tiêu quan trọng là kiểm soát lạm phát, lượng tiền cung ứng trong nền kinh tế và mức tăng trưởng hợp lý, đồng thời kiểm soát cả thanh khoản của các tổ chức tín dụng (TCTD).
"Nếu không có công cụ này, nhiều ngân hàng có thể đẩy lãi suất hoặc dùng mọi cách để đẩy tín dụng ra với quy mô lớn. Lúc đó rất khó để kiểm soát an toàn thanh khoản hệ thống," ông Tú lấy ví dụ.
Quốc hội cũng giao NHNN nghiên cứu về vấn đề này, tuy nhiên lãnh đạo NHNN khẳng định trong thời gian tới vẫn tiếp tục duy trì cấp hạn mức tín dụng và sẽ có phương thức cải tiến. Việc sử dụng công cụ quản lý gián tiếp không phải là hành chính sẽ được nghiên cứu trong thời gian thích hợp.
Thứ hai, đề xuất NHNN cho phép Vietcombank được áp dụng cơ chế tiền lương theo nguyên tắc thị trường, gắn với năng suất lao động và hiệu quả kinh doanh.
Về vấn đề này, ông Đào Minh Tú cho biết Vietcombank vẫn là ngân hàng thương mại (NHTM) có vốn Nhà nước trên 65%, do đó phải thực hiện theo cơ chế quản lý doanh nghiệp và quy định, nghị định của Chính phủ về cơ chế tài chính đối với doanh nghiệp có vốn Nhà nước trên 51%. Đề xuất này có thể cần phải kiến nghị cao hơn cấp NHNN rất nhiều, thậm chí phải kiến nghị lên Quốc hội.
Thứ ba về việc tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận còn lại của các năm 2019 - 2020 sau khi trích lập các quỹ. NHNN đã đề xuất, kiến nghị và đang xử lý vấn đề này. NHNN cũng đã trình phương án sử dụng toàn bộ lợi nhuận tích lũy còn lại của năm 2021 để tăng vốn điều lệ cho Vietcombank, còn những năm trước đã xử lý hết.
Năm 2022, sau khi có báo cáo kiểm toán và xin Quốc hội tăng vốn điều lệ, sẽ tiếp tục đẩy nhanh kế hoạch này.
Ngoài ba kiến nghị đã nêu trên, Chủ tịch Vietcombank Phạm Quang Dũng cũng đã kiến nghị Chính phủ và NHNN cho phép Vietcombank nói riêng và các NHTM nhà nước nói chung được tăng thêm số lượng Phó Tổng Giám đốc để đảm bảo chất lượng hoạt động.
Ông cho hay các NHTM nhà nước có vai trò trọng yếu đối với hệ thống, có quy mô tài sản và số lượng cán bộ nhân viên rất lớn.
Tính từ năm 2012 đến nay, quy mô của Vietcombank đã tăng gần 5 lần, trong khi định mức tối đa về số lượng Phó Tổng Giám đốc (được áp dụng từ năm 20122) là không thay đổi, chưa kể đến thực tế có một Phó TGĐ người nước ngoài đại diện của cổ đông chiến lược Mizuho không tham gia điều hành.