Sự kiện hot
4 năm trước

Phong tục đón Tết của các dân tộc ở nước ta

Ngày Tết được coi là ngày đặc biệt quan trọng và có ý nghĩa lớn đối với người dân Việt Nam nên mỗi đồng bào các dân tộc lại có những phong tục biểu hiện nét đặc trưng văn hoá riêng để chào đón năm mới, đón Tết cổ truyền. Các phong tục đều có những nét đặc trưng riêng biệt tạo nên một bức tranh ngày Tết đa sắc màu và đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.

Tết của dân tộc Kinh

Người Kinh chiếm 85,3% dân số của cả nước, sinh sống và làm việc trải dài khắp các tỉnh từ miền Bắc ra đến miền Nam. Tết của người Kinh được xem là nét đẹp văn hóa đặc trưng của cả dân tộc Việt Nam, có nhiều phong tục truyền thống mang ý nghĩa sâu sắc nhằm mong một năm mới bình an, thịnh vượng và gặp nhiều may mắn.

Đi chùa đầu năm để cầu xin một năm mới may mắn là một nét đẹp văn hóa tâm linh

Bánh chưng là món ăn không thể thiếu trong những ngày Tết, các gia đình sẽ gói bánh sớm từ ngày 27, 28. Ngoài để thắp hương cúng ông bà và tổ tiên, món bánh này còn được xem là món quà ý nghĩa để biếu cho họ hàng và bạn bè trong dịp Tết.

Trước Tết một vài ngày, các gia đình đều vệ sinh và dọn dẹp nhà cửa, sắp xếp lại đồ đạc nhằm xóa bỏ những điều không tốt của năm cũ, đón chào một năm mới gặp nhiều tài lộc và may mắn. Nhiều nhà còn trang hoàng lại ngôi nhà bằng những chậu quất hay hoa mai, hoa đào.

Thăm mộ tổ tiên là phong tục thể hiện đạo hiếu, sự kính trọng đối với bậc tổ tiên. Mọi người sẽ cùng nhau đi thăm viếng và dọn dẹp lại nơi an nghỉ của ông bà tổ tiên, đấng sinh thành, những người đã khuất.

Vào chiều 30 Tết, các gia đình sẽ làm cơm thắp hương mời thần linh và gia tiên về ăn Tết cùng gia đình. Khi đến thời điểm giao thừa, lễ cúng giao thừa diễn ra vào thời điểm cuối cùng của năm, thường được thực hiện ngoài trời với ý nghĩa gạt bỏ những điều không may mắn của năm cũ, đón chào những điều tốt đẹp của năm mới.

Tết là thời điểm mọi người trao nhau những lời chúc tốt lành.Vào Mùng Một, con cháu sẽ đến chúc thọ và mừng tuổi ông bà, cha mẹ. Các cháu bé được người lớn mừng tuổi để lấy may mắn cùng những lời chúc học hành giỏi, hay ăn chóng lớn,…

Tết của dân tộc Thái

Người Thái có khoảng hơn 1 triệu người, thường phân bố ở các tỉnh Lai Châu, Nghệ An, Hòa Bình,… Nói về nét độc đáo trong phong tục đón Tết của các dân tộc miền núi thì không thể bỏ qua những phong tục trong ngày Tết của dân tộc Thái.

Vào dịp Tết, mâm cơm của mỗi gia đình phải có các món ăn như cơm mới, cơm đồ xôi, cơm cốm, cá chua, thịt hươu, măng khô, nai khô,… Đồng bào dân tộc Thái cũng thường cúng tổ tiên từ ngày 25 tháng Chạp đến mùng 5 Tết tháng Giêng. Ngoài ra, những chiếc bánh chưng họ làm cũng rất đặc biệt, được chia thành 2 loại trắng và đen, được cho thêm một ít vừng xay nhuyễn để mùi vị của bánh được thơm ngon hơn.

Người H’Mông cũng quây quần đón Tết bên gia đình

Nói đến phong tục ngày Tết của người Thái, phong tục gọi hồn là không thể thiếu. Phong tục này diễn ra vào tối ngày 29 và 30, mỗi gia đình đều thịt 2 con gà, 1 con để cúng tổ tiên và 1 con để gọi hồn những người trong nhà. Thầy cúng sẽ lấy của mỗi người trong gia đình 1 chiếc áo rồi bó lại một đầu với nhau vắt lên vai, tay cầm một cây củi đang cháy đem ra đầu làng gọi hồn, sau đó lại gọi một lần nữa ở chân cầu thang. Cuối cùng, thầy cúng buộc một sợi chỉ đen vào tay mỗi thành viên nhằm mục đích trừ tà, sợi chỉ đó phải đợi tự đứt, nếu tự ý cắt đứt thì chủ nhân dễ bị ốm đau.

Vào đêm giao thừa, đồng bào Thái còn có tục “Pông Chay”, mọi người sẽ không ngủ mà quây quần bên bếp lửa, cùng nhau ăn uống và trò chuyện để cùng trải khoảnh khắc thiêng liêng đó. Trong nhà đèn luôn thắp sáng, nhang không được tàn. Đúng thời khắc giao thừa, đặt đồ cúng tại bàn thờ ma nhà, gia chủ khăn mũ chỉnh tề, kính cẩn đọc bài cúng “Chào đón tổ tiên xuống tề tựu”.

Tết của dân tộc H’Mông

Điều đặc biệt ở Tết của dân tộc H’Mông là có hệ lịch riêng, họ ăn Tết trong 1 tháng bắt đầu từ ngày 30/11 âm lịch. Tuy nhiên, hiện nay, đa số đồng bào H’Mông đã ăn Tết cổ truyền như người Kinh, trừ một phần nhỏ người Mông ở Mộc Châu vẫn duy trì theo hệ lịch của họ.

Trước Tết, họ sẽ sửa sang và thay mới bàn thờ, làm bánh dày. Người H’Mông thờ 2 bếp chính, thắp hương liên tục trong 3 ngày để luôn giữ được ngọn lửa, giúp xua đuổi thú dữ và tà ma. Trong những ngày Tết cổ truyền, họ luôn thờ ma nhà và những vật dụng giúp họ sinh sống, làm ăn và phát triển.

Cúng giao thừa được coi là lễ quan trọng nhất trong ngày Tết cổ truyền

Vào đêm 30, mỗi nhà sẽ làm lễ cúng ma nhà bằng một con lợn sống và một con gà trống tơ sống, sau đó lại cúng bằng một mâm thịt chín. Xong xuôi hết mới được ăn và uống rượu đến lúc nghe thấy tiếng gà gáy đầu tiên. Đối với người dân tộc H’Mông, tiếng gà gáy sáng sớm đầu tiên của Mùng Một là thời khắc đánh dấu một năm mới bắt đầu.

Người H’Mông rất mến khách, họ quan niệm rằng nếu có khách lạ đến chơi vào dịp Tết thì cả năm đó họ sẽ gặp nhiều may mắn nên đón tiếp khách rất chu đáo, mời họ ăn và uống rượu, ngủ lại nhà. Dân tộc H’Mông còn mừng tuổi cho khách 2 chiếc bánh dày họ làm ra trước khi khách ra về.

Tết của dân tộc Mường

Dân tộc Mường ăn Tết vào cuối tháng Chạp của năm cũ và đầu tháng Giêng của năm mới. Lịch Mường xưa có cách tính hơi khác so với người Kinh, tính theo tuần trăng, tính “ngày lui, tháng tới”.

Vào những ngày cuối năm, người Mường sẽ bắt đầu sửa soạn để đón Tết trịnh trọng như cọ các đồ vật và nhà cửa, đánh bóng các đồ đồng trên bàn thờ, nấu bánh,… Việc tắm rửa vào cuối năm không chỉ để cho cơ thể sạch sẽ mà còn là sự tẩy uế cần thiết trước khi đón năm mới,

Giáp Tết, họ sẽ mời thầy cúng tới để cầu cho linh hồn những người đã khuất được siêu sinh tịnh độ. Ngoài lễ cúng còn lễ họp vía vì theo họ, cần phải có đủ vía vào dịp cuối năm mới có đủ vía để khỏe mạnh trong mấy ngày Tết.

Mâm cơm cúng tổ tiên ngày Tết của người Mường

Khác với người Kinh, người Mường cho rằng linh hồn của người đã khuất chỉ về ăn Tết với con cháu trong 1 ngày 1 đêm nên các lễ vật được sắp xếp rất đầy đủ, họ rất thận trọng trong việc cúng lễ thì như vậy thì tổ tiên mới về chứng giám.

Trước lối ra vào của từng nhà, họ trồng những thân cây sậy gọi là cây nêu nhằm trấn trị ma quỷ bảo vệ nhà cửa và con người, bước sang năm mới an lành.

Chiều ngày 30 tháng Chạp, tiếng trống và cồng lớn vang động ở nhà quan Lang, báo cho người dân biết một năm nữa sắp hết. Sau khi nghe thấy tiếng, mọi người nhanh chóng sửa soạn đến tập trung tại nhà quan Lang. Bánh luộc xong được bóc cùng những lễ vật được đặt trên bàn thờ và bắt đầu hành lễ. Sau khi hành lễ xong, thầy cúng dùng 2 miếng tre xin âm dương, nếu có dấu báo tổ tiên đã về hưởng đồ cúng, mọi người sì sụp lễ, pháo nổ, sau đó ai về nhà người nấy.

Song song với ngày Tết, dân tộc Mường có một lễ rất ý nghĩa nữa đó là lễ hạ điền. Các gia đình mang theo cày xuống ruộng để cày luống đầu tiên trong năm mới và điều đó có nghĩa là mùa màng sẽ được tốt đẹp, sức khỏe con người được an khang và thịnh vượng.

Tết của dân tộc Tày

Dân tộc Tày rất xem trọng ngày Tết cổ truyền. Bắt đầu từ những ngày 25 - 26 tháng Chạp, không khí rộn ràng đã tràn ngập khắp mọi nẻo đường. Các gia đình nô nức chuẩn bị nguyên liệu để làm các loại bánh, dọn dẹp nhà cửa, vệ sinh bản làng cho phong quang sạch sẽ.

Đến ngày 30 tháng Chạp, người Tày bắt đầu nấu bánh chưng, dọn dẹp bàn thờ, thay tro mới cho lọ hương bằng bông lúa nếp được sàng sảy kỹ càng, việc này thường để đàn ông làm. Dân tộc Tày cũng cắm cây nêu để trừ tà. Đến chiều tối, các gia đình bắt đầu làm cơm cúng tổ tiên, dâng lễ thắp hương, mời thổ thần về ăn Tết cùng. Sau khi hết tuần hương, các thành viên trong gia đình quây quần bên nhau ăn uống, trò chuyện vui vẻ.

Sang Mùng Một, vào thời điểm 3h sáng trở đi, người Tày có phong tục lấy nước mới. Theo họ, nước đầu năm rất sạch, nhất là nước suối, nước nguồn, nước sông, ai lấy trước sẽ được nước sạch hơn. Chính vì vậy, các thanh niên trong gia đình thi nhau chạy nhanh để lấy nước mới về nhà.

Tết của dân tộc Ê đê

Nhiều năm về trước, Tết cổ truyền là một điều mới lạ với các dân tộc Ê đê ở vùng Tây Nguyên. Nhưng từ khi có sự giao lưu với người Kinh, đồng bào Ê đê đã mở lòng, cùng hòa chung niềm vui đón năm mới với toàn dân tộc cả nước. Theo thường lệ, họ sẽ ăn Tết vào thời điểm giao thoa giữa mùa mưa và mùa khô, đây là lúc thích hợp để cúng tế tạ ơn thần linh đã ban cho mùa màng bội thu và cầu nguyện cho mùa vụ mới mưa thuận gió hòa, lúa thóc đầy kho.

Trước Tết vài ngày, các thanh niên đi lên rẫy hái lá chuối, dây lạc còn phụ nữ ở nhà chuẩn bị các nguyên liệu nếp, đậu xanh và thịt mỡ để gói bánh tét. Các thành viên trong gia đình quây quần bên nhau gói và nấu bánh trên bếp lửa. Các món ăn như dưa món hay củ kiệu là những món ăn đặc trưng trong ngày Tết của người Ê đê bên cạnh chén rượu cần. Bánh mứt cũng được chuẩn bị để tiếp đón khách.

Giáp Tết, các buôn làng cùng nhau tổ chức lễ cúng tất niên, lễ vật được bà con đóng góp bao gồm 1 con heo, 5 - 7 ché rượu, cơm lúa mới. Mọi người trong buôn làng đều nghỉ việc nương rẫy, tập trung đến nhà sinh hoạt văn hóa để tiễn năm cũ qua đi, đón chào một năm mới. Sau lễ cúng, họ quây quần bên nhau uống rượu cần, nghe cồng chiêng và nhảy múa,…

Vào những ngày Tết, họ sẽ đi đến thăm người thân với 1 con gà, thịt lợn để làm quà Tết. Người dân Ê đê thường tổ chức lễ hội cồng chiêng trong những ngày đầu năm mới. Không khí rộn ràng, vui tươi giúp xua đuổi thú dữ, se duyên vợ chồng, được xem là tín hiệu đón giao thừa, là ngày hội đầu xuân. Lễ hội cồng chiêng được diễn tấu tập thể, mang giá trị tâm linh. Theo quan niệm của người Ê đê, khi âm thanh cồng chiêng vang lên là lúc kết nối giữa Giàng (trời), thần linh, ông bà tổ tiên với con cháu.

Hạ An (t/h)
Theo KTDU

Từ khóa: