Dantin - Từ huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam, những tin đồn như “cua đồng nhiễm độc, “ cua đồng chứa đỉa”, “ăn cua bị ung thư”… đã lan nhanh sang các địa phương giáp ranh khác như Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình…khiến nhiều người dân hoang mang.
Dantin - Từ huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam, những tin đồn như “cua đồng nhiễm độc, “ cua đồng chứa đỉa”, “ăn cua bị ung thư”… đã lan nhanh sang các địa phương giáp ranh khác như Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình…khiến nhiều người dân hoang mang. Mặc dù các cơ quan chức năng vào cuộc và khẳng định thông tin trên không chính xác và không có cơ sở nhưng vẫn không đủ xua tan lo lắng của người dân nơi đây.
Tội cho con cua đồng
Hơn một tuần nay, tiểu thương các chợ thuộc các xã Thanh Hà, Thanh Bình, Thanh Phong, Thanh Thủy… của huyện Thanh Liêm cho biết hầu như không thấy người bán cua đồng. “Sau khi có thông tin cua đồng nhiễm độc, người dân không ai dám ăn nữa. Những người bán vì thế cũng đành đem về hoặc chịu khó đi vào các chợ xa ở Gia Viễn (Ninh Bình) để bán. Nhưng cũng chẳng bán được lại mang về”, chị Nguyễn Thị Linh, người bán cua hiếm hoi mà PV Đời sống & Tiêu dùng tìm được ở chợ Thanh Hà nói.
Vẫn theo chị Linh, cua đồng chị gom từ những người bán nhỏ lẻ (mỗi lần gom) chỉ 1-2 kg nhưng cũng không bán hết, đành đem về. “Hàng chục người bán cua đồng của chợ cũng trong tình trạng tương tự. Ngồi từ sáng đến tan chợ cũng không ai hỏi đến”, chị Linh than thở.
Đi vòng sang chợ Thanh Phong, tìm kiếm khắp chợ cũng không có một hàng nào bán cua đồng. “Ai mà biết được có ngộ độc hay ung thư không nhưng giờ cũng chẳng dám ăn. Mấy người bán cua dậy sớm mang cua sang các chợ bên Nam Định bán rồi”, một tiểu thương của chợ này nói.
Trong khi đó, nguồn tin của Đời sống & Tiêu dùng tại một số chợ ở tỉnh Nam Định như chợ Sét (Mỹ Hà, Mỹ Lộc) chợ Phủ Dày (Vụ Bản)… cũng trong tình trạng “tẩy chay” cua đồng…
“Tôi dám chắc cua mình bán là do những người dân tại địa phương bắt và “sạch” 100% nhưng người mua cũng lắc đầu quay đi. Cả tuần nay bán không được 1/5 số cua thu gom được. Cứ tình trạng này thì gần nửa tạ cua sẽ phải bỏ đi hết”, chị Trần Thị Bình, một tiểu thương tại chợ Sét than.
Tương tự tại các chợ thuộc huyện Gia Viễn (Ninh Bình) nhiều tiểu thương bán cua cũng ngán ngẩm khi hàng tạ cua đành để gầy xơ xác và bán tống, bán tháo cho các chủ thu gom Hà Nội với giá hạ một nửa.
Nhà hàng vẫn mua cua
Cua được đem ra bày bán trên đường quốc lộ 1A đoạn đi qua thành phố Phủ Lý
Tin đồn cua nhiễm độc làm cho người dân không dám ăn cua nhưng một số hộ vẫn thi nhau ra đồng bắt để bán. Hàng chục người dân trên các cánh đồng Thanh Liêm (Hà Nam), Giao Thủy (Nam Định) lội bùn đến tận đầu gối đi bắt cua từ lúc sáng sớm tinh mơ đến tận chiều tà.
Chị Nguyễn Thị Xoan một người bắt cua trên cánh đồng rau muống thuộc xã Thanh Hà, huyện Thanh Liêm (Hà Nam) cho biết: “Tôi bắt từ sáng sớm đến chiều cũng được vài kg. Có hôm thời tiết thay đổi cua ra nhiều hơn, có tới ba bốn con bám chung nhau dưới rễ cây rau muống thì có thể được đến 5kg”.
Vẫn theo chị Xoan, do không có người mua tại chợ nhà nên chị đưa thẳng lên chợ Phủ Lý bán cho các chủ thu gom tại các nhà hàng. “Thường thì bán được 50.000 đồng/kg, nếu hôm được giá thì 70.000 đồng/kg. Rẻ hơn một nửa so với trước”. Chị Xoan cũng thú thực: “Mình bắt cua nhưng cũng chẳng dám ăn vì có tin đồn thế này, thế kia. Nhưng bắt đem bán vẫn có người mua chủ yếu là các nhà hàng chế biến cho khách”.
Ngoại trừ một số người dân tự bắt và đem đi bán thì hầu hết họ bắt được bao nhiêu đều bán cho thương lái với giá từ 45.000đ – 50.000đ/kg. Theo những người dân ở đây cho biết sau khi gom cua của người dân đủ số lượng họ sẽ mang đi tiêu thụ ở các tỉnh khác như Hà Nội, Hòa Bình, Ninh Bình… Theo chị L., một lái cua cho biết: “Vì là cua đồng nên đi đến các khu vực trung tâm hay thành phố lớn rất dễ bán, vào các chợ hoặc các đường phố cua có giá giao động từ 10.000đ – 12.000đ/lạng còn đắt hơn cua nuôi lồng từ 2 – 3.000đ/lạng, có hôm trời nắng thì cháy hàng không có mà bán”.
Tin đồn thất thiệt đã từng có ở Thái Bình
Trước đó, dư luận ở nhiều vùng quê thuộc tỉnh Thái Bình cũng hoang mang trước tin đồn “cua Trung Quốc” gây vô sinh, ung thư… được nhóm người lạ thả ra sông ngòi để... nhân giống. Tin đồn càng ly kỳ, bí hiểm hơn khi người ta kể với nhau, chính mắt người dân bản địa đã “bắt quả tang nhóm người lạ mang cả bao tải cua đồng ra sông thả”.
Vị trí “bắt quả tang” thả cua thuộc một khúc sông chảy qua xã Đông Xuân, một vị trí khác thuộc xã Nguyên Xá (cùng thuộc huyện Đông Hưng). Tuy nhiên, ông Đặng Phong Ba, PGĐ Sở TN - MT, Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Thái Bình khẳng định, đó chỉ là tin đồn thất thiệt.
Theo ông Ba, hiện các cơ quan chuyên môn (Sở TN-MT, Sở NN-PTNT Thái Bình, Chi cục Bảo vệ Môi trường, Chi cục Thủy sản Thái Bình…) cũng chưa có bất cứ dự án nào liên quan đến việc thả giống loài thủy sản nước ngọt (như tôm, cua…) xuống sông/hồ để cân bằng giống loài trong môi trường tự nhiên.
Trước tình trạng những tin đồn về “cua đồng nhiễm độc”, “cua đồng gây ung thư, vô sinh”… lan tràn ở các tỉnh phía Bắc trong thời gian qua , trao đổi với PV Đời sống & Tiêu dùng, một lãnh đạo của Cục An toàn Vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) một lần nữa khẳng định: “Các cơ quan chức năng một số tỉnh nơi có tin đồn như Hà Nam, Thái Bình, Nam Định… đã vào cuộc để kiểm tra các thông tin nói trên. Việc đổ cua nhiễm độc, cua chứa đỉa xuống đồng, sông, kênh rạch là không đúng. Không có cơ sở nào để kết luận việc ăn cua đồng có thể gây ra những bệnh trên. Vì vậy, người tiêu dùng hoàn toàn có thể yên tâm về việc sử dụng, chế biến các món ăn từ cua đồng có rõ nguồn gốc, xuất xứ”.
Cách nhận biết cua đồng
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, cua đồng là loại thực phẩm rất tốt cho sức khỏe, giàu canxi, giàu đạm, chất béo và sắt... Theo các nhà khoa học thì trong 100g thịt cua đồng có chứa đến 12,3% protid; 3,3% lipid; 0,01mg% vitamin B1; 0,51mg% vitamin B2; 2,1mg% vitamin PP; 0,12mg% vitamin B6. Cua đồng cũng được dùng để chữa trẻ nhỏ còi xương, chậm biết đi, người lớn bị loãng xương…
BS Lê Văn Vinh, chuyên khoa Dinh dưỡng, ĐH Y Hà Nội:“ Với những lý do trên thì không nên “tẩy chay” cua đồng, mà người tiêu dùng chỉ cần thận trọng khi chọn mua cua. Nếu mua cua sống, người tiêu dùng sẽ dễ dàng phân biệt bằng cách chọn những con khỏe mạnh, thường bò lên phía trên chậu cua. Không nên mua cua quá nhỏ vì cua bé không ngọt thịt và người nào “sành” ăn cua đồng sẽ thấy cua cái ngọt hơn cua đực vì thịt cua cái chắc và nhiều gạch hơn. Tuy nhiên, không nên chọn cua cái đang đẻ (dưới yếm cua có những con cua nhỏ) vì thịt cua thời điểm này lại bị “xác”, không ngon.
Người mua cũng có thể kiểm tra bằng cách dùng tay tách nhẹ yếm cua xem màu gạch cua: cua đồng có gạch vàng, cua nuôi gạch đen xanh. Cua đồng nhỏ càng, vỏ bóng; cua nuôi càng to, dùng ngón tay gõ vào càng nghe âm thanh rỗng, ốp. Cua đồng thịt chắc, dai, ngọt; còn thịt cua nuôi nát, ăn có vị mặn chát”.
|
Tuấn Minh - Sỹ Thành