Hạ tầng xuống cấp sau vài năm đưa vào hoạt động, công viên, vườn hoa bị chiếm dụng, sử dụng sai mục đích. Tại quận Cầu Giấy (Hà Nội) tình trạng “xẻ thịt” công viên, vườn hoa làm nhà hàng, quán rượu thu lời bất chính vẫn đang tái diễn, khiến dư luận bức xúc.
Con voi liệu có lọt lỗ kim
Nhằm chấn chỉnh các hoạt động vi phạm trật tự xây dựng, Hà Nội đã tiếp tục thực hiện “Năm Trật tự văn minh đô thị 2017”. Mới đây, sáng 4/3 Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã triệu tập cuộc họp với các Sở ban ngành liên quan, chỉ đạo công tác lập lại trật tự văn minh trên địa bàn thành phố. Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung thẳng thắn chỉ ra một trong những nguyên nhân khiến công tác thực hiện các biện pháp bảo đảm trật tự giao thông, văn minh đô thị chưa hiệu quả là do một số lãnh đạo cơ sở chưa quan tâm đúng mức, chưa ra quân quyết liệt, chưa thực hiện đúng phương pháp, thậm chỉ có hiện tượng cả nể và bảo kê.
Hiện nay, UBND thành phố đã thành lập ban chỉ đạo 197 nhằm giải quyết triệt để các vấn đề còn tồn tại bắt đầu từ ngày 10/3 đến cuối năm; giao nhiệm vụ cụ thể đến từng cá nhân, tổ chức thực hiện nhiệm vụ giám sát và quy trách nhiệm.
Mặc dù công tác quản lý trật tự xây dựng được dư luận quan tâm, cùng sự vào cuộc mạnh mẽ của lãnh đạo Thành phố, tuy nhiên tình trạng vi phạm trật tự xây dựng, lấn chiếm công viên vườn hoa vẫn đang tồn tại tại quận Cầu Giấy.
Theo quy hoạch khu đất CX2A là công viên cây xanh, tuy nhiên hiện nay khu đất này đã bị chiếm dụng làm nhà hàng “bò tơ” và quán cafe
Đơn cử, tại khu đất CX2A khu đô thị mới Trung Hòa Nhân Chính (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) được UBND thành phố phê duyệt chức năng là công viên cây xanh, tuy nhiên hiện nay khu đất này bị một doanh nghiệp xây dựng trái phép làm nhà hàng, quán cafe. Tìm hiểu được biết, thực hiện chủ trương xã hội hóa các công trình thể thao, công viên của Chính phủ và thành phố Hà Nội, ngày 26/5/2009 UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 2509/QĐ-UBND về việc thu hồi 5325 m2 đất tại lô đất CX2 khu đô thị mới Trung Hòa Nhân Chính giao cho Cty CP công nghệ Bể bơi thông minh để xây dựng khu công viên giải trí số 1.
Ngày 5/5/2010 UBND thành phố Hà Nội đã có Quyết định số 2016/QĐ-UBND phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 ô đất CX2 trên cơ sở tờ trình số 942/Ttr-QHKT của Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội. Theo đó, ô đất CX2 có diện tích khoảng 5300m2 được chia làm 2 khu; khu CX2A diện tích 2640m2 có chức năng là công viên cây xanh, khu CX2B diện tích 2650m2 có chức năng bố trí bể bơi có tầng hầm phục vụ.
Liên quan đến việc xây dựng công trình phục vụ công cộng trong toàn bộ khu đất cây xanh CX2A, Bộ Xây dựng có văn bản trả lời, theo đó các công trình xây dựng phục vụ công cộng trong toàn bộ khu đất cây xanh CX2A có mật độ xây dựng gộp không được vượt quá 5%. Tuy nhiên theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay Cty CP công nghệ Bể bơi thông minh đã tổ chức xây dựng nhà hàng hai tầng trái phép rộng hơn 200 m2, sai mật độ được phê duyệt. Ngoài ra tại vị trí khuôn viên cây xanh, chủ đầu tư còn tự ý kê các bàn nhậu, bàn cafe phục vụ hoạt động kinh doanh của các nhà hàng tại đây.
Tiếp tục tìm hiểu được biết, ngày 6/4/2017 Đội Thanh tra xây dựng quận Cầu Giấy đã lập biên bản vi phạm hành chính và yêu cầu tự phá dỡ công trình xây dựng số 254/BB-VPHC đối với Chủ đầu tư khu đất CX2. Ngày 7/4/2017 UBND phường Trung Hòa đã ban hành Quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với Cty CP công nghệ Bể bơi thông minh do thi công xây dựng công trình sai quy hoạch mật độ xây dựng được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy định tại điểm b khoản 7 Điều 13 Nghị định 121/2013/NĐ-CP của Chính phủ.
Cụ thể hạng mục vi phạm là 2 dãy nhà khung cột thép, mái ngói cao khoảng 5m có diện tích xây dựng khoảng 200m2. Điều đáng nói, quyết định trên cho phép thời gian thực hiện khắc phục hậu quả là 10 ngày, tuy nhiên đến nay đã 15 ngày trôi qua nhưng công trình vi phạm vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt”.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, bà Phan Thị Hải Yến, Phó Chủ tịch UBND phường Trung Hòa cho biết: Theo quy hoạch khu đất này là công viên, vườn hoa; công viên này được đầu tư theo hình thức xã hội hóa, tức là bên Phúc Thanh họ được giao một nửa khu đất làm bể bơi thông minh, ngược lại Phúc Thanh phải chịu trách nhiệm làm cho thành phố vườn hoa công cộng tại nửa còn lại. Hiện nay vườn hoa đã được xây dựng, tuy nhiên bên Phúc Thanh họ lại dựng thêm nhà hàng để kinh doanh. UBND phường đã ban hành Quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả và tự tháo dỡ công trình nếu không sẽ bị cưỡng chế, tuy nhiên đến nay việc tự tháo dỡ rất chậm.
Nhiều vi phạm khác vẫn tồn tại
Ngoài ra, hiện nay trên địa bàn quận Cầu Giấy còn tồn tại một số công trình nhà hàng, quán cafe sử dựng sai mục đích trên đất công viên - nhà văn hóa. Theo đó, tại số 96 Chùa Hà (cạnh công viên Nghĩa Đô - quận Cầu Giấy), một quán cà phê với tên gọi New Wind được xây dựng trái phép trên đất của công viên và nhà văn hóa phường Dịch Vọng. Theo quan sát, quán cà phê này nằm ở vị trí khá đắc địa, ngay gần cổng vào và có góc nhìn ra hồ giữa công viên. Bên cạnh đó, ngay trước cổng quán cafe New Wind, vỉa hè, lòng đường phố Chùa Hà đã biến thành nơi dừng đỗ xe gây cản trở giao thông đi lại.
Vi phạm tại quán cafe New Wind đã được chỉ ra, tuy nhiên hiện nay quán cafe vẫn ung dung kinh doanh, ngoài ra quán café này còn tổ chức coi xe lấn chiếm vỉa hè, lòng đường
Ngày 9/6/2016, Thanh tra sở Xây dựng đã ra quyết định yêu cầu UBND phường Dịch Vọng thực hiện quản lý và sử dụng khuôn viên đất của nhà văn hoá đúng mục đích và công năng theo quy định của pháp luật. Ngày 12/7/2016, UBND thành phố Hà Nội đã có văn bản số 5748/VP-ĐT về việc xử lý khắc phục các vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố. Theo đó, UBND thành phố Hà Nội giao UBND quận Cầu Giấy đình chỉ toàn hô hoạt động kinh doanh dịch vụ sai mục đích sử dụng đất và chỉ đạo UBND phường Dịch Vọng xử lý dứt điểm các công trình sử dụng diện tích sân vườn của nhà văn hoá vào mục đích kinh doanh dịch vụ sai mục đích sử dụng đất, chưa được sự chấp thuận của các cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên không hiểu vì lý do gì, đến nay quán cafe New Wind vẫn hoạt động bình thường(?)
Thành Nam – Việt Khoa
Theo Báo xây dựng