Nhằm giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, trên địa bàn xã Yên Lương, huyện Thanh Sơn (Phú Thọ) đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó điểm nhấn là gắn việc bảo tồn các giá trị văn hóa. Việc giữ gìn bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc là nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa chiến lược trong thời kỳ hội nhập và phát triển đất nước.
Yên Lương là xã miền núi đặc biệt khó khăn của huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ. Dọc theo Quốc lộ 70B, cách Trung tâm huyện hơn 30 km; phía Bắc giáp xã Hương Cần, Tân Lập; phía Nam giáp xã Yên Sơn; phía Đông giáp xã Yên Lãng; phía Tây giáp xã Tân Minh, huyện Đà Bắc (tỉnh Hòa Bình).
Tính đến nay, tổng diện tích tự nhiên của xã là 3.120,04 ha, trong đó đất nông nghiệp 2.966,73 ha, đất phi nông nghiệp 146,56 ha, đất chưa sử dụng 6,75 ha. Toàn xã có 1.039 hộ với 4.557 khẩu, trên 9 khu dân cư, trong đó có 6 khu vùng thấp và 3 khu vùng cao. Yên Lương có 5 dân tộc chính cùng sinh sống, trong đó dân tộc Mường là chủ yếu hiện nay chiếm 68,8%.
Lan tỏa giá trị văn hóa Mường và các dân tộc thiểu số
Trao đổi với phóng viên, ông Đinh Văn Năng - Chủ tịch UBND xã Yên Lương cho biết: “Xã luôn được sự quan tâm chỉ đạo của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện, cùng với sự lãnh đạo trực tiếp của các cấp Ủy, Chính quyền xã, đặc biệt là sự nỗ lực của nhân dân trên địa bàn xã về việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Về tình hình chính trị, trật tự an toàn xã hội, quốc phòng - an ninh trên địa bàn xã được giữ vững. Yên Lương có 5 dân tộc chính cùng sinh sống, trong đó dân tộc Mường là chủ yếu hiện nay chiếm 68,8%. Trong đó, có 3 bản Quất, Náy, Bồ Xồ là xa nhất giáp với xã Tu Lý, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình ở đây chủ yếu là bà con dân tộc người Dao Tiền, Thổ sinh sống”.
Về công tác triển khai Nghị quyết số 09-NQ/HU ngày 02/4/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Thanh Sơn về đề án tiếp tục thực hiện công tác bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường và các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Thanh Sơn giai đoạn 2021 - 2025…UBND xãYên Lương đã chủ động xây dựng kế hoạch số 03/KH-UBND ngày 10/1/2022 về việc Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường và các dân tộc khác trên địa bàn xã Yên Lương năm 2022. Việc tuyên truyền giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc Mường và các dân tộc thiểu số khác trên địa bàn được thực hiện trên hệ thống loa truyền thanh xã và qua các cuộc họp khu dân cư.
Trong đó, huy động nguồn lực của toàn xã hội tiếp tục thực hiện công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống nhằm cải thiện đời sống của nhân dân. Giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc Mường và các dân tộc thiểu số đi đôi với xóa bỏ phong tục tập quán lạc hậu; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, nâng cao niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng và Nhà nước.
Đặc biệt, tổ chức hoạt động của Câu lạc bộ (CLB) văn hóa dân tộc Mường hoặc CLB các dân tộc khác. Ngày 10/4/2018, UBND xã Yên Lương ban hành Quyết định số 31/QĐ-UBND quyết định thành lập CLB văn hóa dân tộc Mường giai đoạn 2017-2020. Câu lạc bộ văn hóa dân tộc Mường xã Yên Lương được thành lập và ra mắt ngày 13/4/2018 do đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã làm Chủ nhiệm và kiện toàn khi có sự thay đổi nhân sự. Ngày 26/7/2022 UBND xã ban hành Quyết định số 429/QĐ-UBND về việc kiện toàn CLB văn hóa dân tộc Mường và Quyết định số 430/QĐ-UBND về việc kiện toàn Ban chỉ đạo đề án kiểm kê, sưu tầm và bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường.
Từ khi thành lập, Câu lạc bộ thường xuyên tổ chức sinh hoạt mỗi quý một lần và tham gia biểu diễn văn nghệ trong các dịp Lễ, hội họp…Trưng bày nhạc cụ, công cụ lao động, sản xuất của các dân tộc tại các trường học nhằm giáo dục truyền thống dân tộc cho các em học sinh. Cử các thành viên của CLB tham gia lớp tập huấn do huyện tổ chức. Duy trì sinh hoạt định kỳ hàng tháng nhằm nâng cao chất lượng về diễn xướng cồng chiêng, múa hát.
“Bức tranh” tươi sáng
Phú Thọ là tỉnh miền núi, tỷ lệ người dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 17,15% dân số toàn tỉnh. Giai đoạn 2021-2025, toàn tỉnh có 58 xã thuộc khu vực I, II, III địa bàn miền núi và 70 thôn ĐBKK, tập trung ở các huyện: Thanh Sơn, Yên Lập, Tân Sơn, Đoan Hùng, Thanh Thủy.
Huyện miền núi Thanh Sơn có 32 dân tộc cùng sinh sống, trong đó người DTTS chiếm 61,5% đa số là dân tộc Mường, Dao. Thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XI một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020, trên cơ sở điều kiện thực tế địa phương, Huyện đã tập trung các nguồn lực đầu tư vào các vùng đồng bào dân tộc khó khăn nhằm mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, từng bước rút ngắn khoảng cách về trình độ phát triển giữa các vùng trong huyện. Huyện ủy đã ban hành nhiều Nghị quyết chuyên đề về các lĩnh vực: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; giáo dục - đào tạo; y tế, văn hóa - xã hội, lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản, hỗ trợ phát triển sản xuất, luôn hướng mục tiêu quan tâm đến các đối tượng là người nghèo, người DTTS trên địa bàn.
Ông Nguyễn Duy Anh - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Thanh Sơn cho biết: “Việc cụ thể hóa chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước được huyện triển khai phù hợp với hướng dẫn của tỉnh và đặc thù của địa phương và được nhân dân đồng tình ủng hộ, hướng ứng tích cực. Do vậy, hiệu quả của các chủ trương, chính sách được minh chứng bởi hệ thống cơ sở hạ tầng địa bàn vùng DTTS đã được cải thiện rõ rệt, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm theo từng năm. Nếu như năm 2012 toàn huyện có 7.244 hộ nghèo thì đến năm 2021 giảm còn 2.166 nghèo (giảm từ 23,35% xuống còn 6,38%). Các chương trình, đề án, chính sách về công tác dân tộc sau khi ban hành đã nhanh chóng đi vào cuộc sống, nhằm thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo nhanh và bền vững”.
Trong đó, về phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn xã Yên Lương đã thành lập Ban chỉ đạo và thường xuyên kiện toàn khi có sự thay đổi về nhân sự. Kết quả đánh giá danh hiệu hộ gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa, xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới. Thực hiện Nghị định 122/NĐ-CP ngày 17/9/2018 của Chính phủ về xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Ấp văn hóa”, “Bản văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa”. Hàng năm UBND xã ban hành hướng dẫn xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Khu dân cư văn hóa” gửi cho các khu dân cư.
Theo đó, năm 2021 có tổng số 170/1039 hộ gia đình đạt gia đình văn hóa đạt 68,3%, 3 khu dân cư đề nghị UBND huyện công nhân khu dân cư Văn hóa (Khu 1, Khu 3, Khu Quất) đạt 33,3%. Năm 2022, có 810/1039 hộ đăng ký, hộ gia đình đạt gia đình văn hóa năm 2022 đạt 77,9%. Có 7/9 khu dân cư đăng ký khu dân cư văn hóa năm 2022 đạt 77,7%.
Bên cạnh đó, thực trạng các thiết chế văn hóa, thể thao xã Yên Lương đã được nâng cao như nhà văn hóa kiêm trung tâm sinh hoạt cộng đồng xã được xây dựng năm 2010, với tổng diện tích sử dụng là 399m2…xã có 1 sân vận động thể thao xây dựng năm 2017 diện tích là 5000m2. Nhà văn hóa kiêm trung tâm sinh hoạt cộng đồng xã được trang bị đầy đủ trang thiết bị như bàn, ghế, hệ thống tăng âm loa đài hoạt động tốt đáp ứng được nhu cầu hội họp và là nơi diễn ra các kỳ Đại hội, hội nghị quan trọng của địa phương. Tổng số khu dân cư có nhà văn hóa 9/9 khu dân cư. 4/9 khu có nhà văn hóa đảm bảo cho sinh hoạt cộng đồng./.
Phi Long - Thanh Phong/VP Tây Bắc