Sự kiện hot
khoảng 1 năm trước

Phú Thọ: Người dân huyện Thanh Sơn làm giàu từ phát triển mô hình nông nghiệp

Tận dụng những tiềm năng, lợi thế của vùng trung du, miền núi, nhiều nông dân ở huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ đã chủ động đầu tư, phát triển mô hình nông nghiệp quy mô lớn, đặc biệt là cây chè. Cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính quyền, cán bộ khuyến nông xuống cơ sở "cầm tay chỉ việc" để chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân tiếp cận với giống, kỹ thuật canh tác mới. Theo đó, các mô hình đã mang lại kết quả khả quan trong sản xuất kinh doanh, nhiều hộ nông dân từ đó thoát khỏi đói nghèo, vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Xác định sản xuất nông nghiệp áp dụng tiến bộ kỹ thuật là một chương trình nông nghiệp trọng điểm, tỉnh Phú Thọ đã phê duyệt Quy hoạch phát triển nông, lâm, thủy sản đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 với mục tiêu là xây dựng nền nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, bền vững, ứng dụng công nghệ cao để tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh, tăng nhanh thu nhập và mức sống của lao động nông thôn.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp được triển khai phù hợp với điều kiện sản xuất của từng vùng, gắn kết sản xuất giữa nông dân với doanh nghiệp thông qua hợp đồng tiêu thụ nông sản, bước đầu đã gắn trách nhiệm của các doanh nghiệp với người sản xuất.

Cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp 

Cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp 

Từ liên kết, nông dân được tiếp nhận hỗ trợ về đầu tư, các biện pháp kỹ thuật, đầu ra ổn định, thu nhập từng bước được nâng lên; doanh nghiệp chủ động được nguyên liệu, mở rộng quy mô sản xuất, tăng năng lực cạnh tranh.

Về công tác triển khai thực hiện Kế hoạch của UBND tỉnh về thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (Kế hoạch 834/KH-UBND ngày 17/3/2022 của UBND tỉnh Phú Thọ), UBND huyện đã chủ động chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cho các cơ quan đơn vị, các xã, thị trấn nhằm phục hồi và phát triển sản xuất gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng chống dịch bệnh; bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ việc làm; hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Bênh cạnh đó, về lĩnh vực trồng trọt trên địa bàn huyện Thanh Sơn các địa phương đã tập trung chỉ đạo quyết liệt sản xuất vụ Chiêm xuân năm 2021-2022; đảm bảo cung cấp đủ giống, phân bón, nguồn nước cho gieo cấy theo đúng khung lịch thời vụ, đẩy mạnh áp dụng tiến bộ kỹ thuật, mở rộng diện tích cây rau, màu các loại; triển khai thực hiện xây dựng mô hình trồng lúa giống mới Đông A1, Thụy Hương 308; lúa Đài Thơm 8; lúa N91tại các xã Địch Quả, Võ Miếu. Tăng cường chỉ đạo các xã, thị trấn phối hợp với Xí nghiệp thuỷ nông Thanh Sơn, Hợp tác xã dịch vụ thuỷ lợi chủ động nạo vét kênh mương, tu sửa các công trình thuỷ lợi đảm bảo cấp đủ nước làm đất và tưới dưỡng lúa sau khi cấy. Thực hiện kế hoạch diệt chuột tập trung vụ Chiêm xuân tại 23/23 các xã, thị trấn. Thường xuyên theo dõi tình hình sâu bệnh hại trên cây trồng, diễn biến thời tiết để kịp thời tham mưu lãnh đạo huyện có các giải pháp đảm bảo an toàn sản xuất.

Đối với những cây trồng lâu năm trên địa bàn huyện như cây chè có tổng diện tích 2.510,19ha/2.500ha đạt 100,4% kế hoạch; diện tích chè cho sản phẩm 2.432,5 ha; diện tích trồng mới, trồng lại 20 ha đạt 100% kế hoạch; cây chè sinh trưởng phát triển tốt. Sản lượng chè búp tươi ước đạt 14.912,56 tấn bằng 105,5% so với cùng kỳ. Cây Bưởi cơ bản diện tích bưởi sinh trưởng, phát triển tốt. Tổng diện tích 805 ha, trong đó trồng mới 3,15ha/20ha đạt 16% kế hoạch; diện tích đăng ký bưởi kinh doanh áp dụng GAP 300 ha. Cây chuối với tổng diện tích đạt 770 ha. Năng suất ước đạt 180 tạ/ha, sản lượng ước đạt 6.512,02 tấn.

Phát triển kinh tế bền vững từ cây chè

Là địa phương miền trung du Bắc Bộ với đa phần diện tích đồi núi, huyện Thanh Sơn (Phú Thọ) đang ngày càng phát triển, hội nhập không chỉ về kinh tế mà còn là địa điểm thu hút khách du lịch với những đồi chè xanh ngát quanh năm.

Thu hoạch chè tại Hợp tác xã chè Văn Miếu, huyện Thanh Sơn

Thu hoạch chè tại Hợp tác xã chè Văn Miếu, huyện Thanh Sơn

Đi vào sản xuất từ năm 1979, những năm gần đây diện tích các đồi chè tại huyện Thanh Sơn đang dần được mở rộng. Hơn nữa với việc áp dụng các kỹ thuật chăm bón tiên tiến, hiện đại, sản lượng chè tại đây đang ngày một tăng, thương hiệu chè dần khẳng định tên tuổi trên thị trường trong và ngoài nước.

Người dân Thanh Sơn tham gia chăm sóc, thu hoạch chè theo mô hình hợp tác nông trường liên kết sản xuất với các công ty, nhờ đó quá trình chăm sóc và kỹ thuật canh tác được tư vấn và hỗ trợ nhiệt tình. Theo chị Võ Thị Hoa (trú tại đội 7- xã Địch Quả - Thanh Sơn - Phú Thọ) cho biết: “Nhà tôi có 4000 m2 diện tích chè được phân công nằm bên tỉnh lộ. Nhờ hợp tác sản xuất với công ty Chè Phú Đa nên chi phí chăm bón cũng như các kỹ thuật chăm sóc chè được tạo điều kiện hoàn toàn. Mỗi năm đồi chè cho thu hoạch 6 đến 7 lần, tính ra gần 13 tấn chè thành phẩm, tương đương với 40 triệu đồng. Nhờ hợp tác với công ty nên hàng năm các gia đình ở đây không phải lo về đầu ra của sản phẩm, đời sống vì thế cũng được cải thiện hơn”.

Được biết huyện Thanh Sơn có 100% hộ dân đều sản xuất chè. Lá chè tươi sau khi được thu mua và chế biến thành phẩm được đem đi xuất khẩu ra các nước trên thế giới. Riêng một số hộ sản xuất theo mô hình hộ gia đình thì chè được phân phối trong nước. Điều kiện khí hậu thổ nhưỡng không phù hợp cho sản xuất hoa màu, tuy nhiên cây chè lại phát triển tốt và mang lại thu nhập cho người dân Thanh Sơn. Không cần tưới tiêu, quy trình chăm bón tương đối đơn giản, thích ứng tốt với sự thay đổi thất thường của thời tiết, cây chè trở thành loại cây kinh tế chủ lực của địa phương, góp phần xóa đói giảm nghèo, giúp người dân nâng cao đời sống, đi lên bền vững. Được biết năm 2018, huyện Thanh Sơn đã bắt đầu chương trình xây dựng nông thôn mới và phấn đấu đến năm 2020 tất cả các đơn vị cuả huyện sẽ được được đón nhận danh hiệu nông thôn mới.

Không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho người dân, những đồi chè xanh mát nằm thoai thoải dọc theo miền trung du còn là địa điểm thu hút khách du lịch ghé thăm. Theo người dân địa phương chia sẻ, cứ đến mùa cưới nhiều cặp đôi lại ưu ái chọn nơi đây làm điểm chụp ảnh, lưu giữ những khoảnh khắc trọng đại trong đời. Cùng với đó, vẻ đẹp của đồi chè còn thu hút hàng trăm lượt khách du lịch ghé thăm mỗi dịp cuối tuần.

Những đồi chè giờ đây còn có cả những con đường lớn thuận tiện cho du khách có thể lái ô tô đi sâu vào giữa đồi thăm thú và chụp ảnh. Dọc theo đường tỉnh lộ chạy qua huyện Thanh Sơn, không chỉ có những đồi chè mướt mắt, còn có những đàn bướm rợp trời quanh năm bay lượn tạo nên một khung cảnh níu chân người qua đường.

Là cây kinh tế chủ lực của địa phương, giờ đây những đồi chè lại góp phần tạo điểm nhấn thúc đẩy phát triển du lịch cho khu vực. Có thể nói cây chè Thanh Sơn đang đưa địa phương đi lên, ngày càng phát triển mạnh mẽ và hội nhập toàn diện với nền kinh tế của cả nước.

Thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục tham mưu với tỉnh chỉ đạo quyết liệt quy hoạch phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản gắn với cơ cấu lại sản xuất, các kế hoạch đã được ban hành; tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách để người dân chuyển đổi mục đích sử dụng đất; hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào nông nghiệp, khuyến khích phát triển trang trại, gia trại tăng quy mô sản xuất.

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp sẽ thường xuyên cập nhật thị trường và thực tiễn để định hướng sản xuất; tập trung phát triển nhanh các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn trên cơ sở phát huy lợi thế, thế mạnh đối với các sản phẩm chủ lực của từng địa phương; tăng cường sự liên kết chặt chẽ giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ gắn với phát triển nhanh công nghiệp chế biến, bảo quản... Đồng thời, tập trung xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm, tiến tới liên kết theo chuỗi, bảo đảm đầu ra, nâng cao hiệu quả kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững.

Thiên An/KTĐU

Từ khóa: