Ông Nguyễn Văn Chín, cựu chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy (UBKTTU) Phú Yên từng rất bức xúc nói: "Trên địa bàn tỉnh, có rất nhiều khu đất vàng có vị trí đắc địa ở TP Tuy Hòa biến thành tài sản riêng của một số doanh nghiệp (DN), rồi biến hóa thành tài sản cá nhân, thu lợi bất chính. Thế nhưng, HĐND tỉnh và UBND tỉnh Phú Yên lại né tránh trách nhiệm”.
Công khai nhưng không minh bạch
Cựu chủ nhiệm UBKTTU Phú Yên phản ánh nhiều khu đất vàng ở TP Tuy Hòa rơi vào tay một số DN, cá nhân là người thân của vị lãnh đạo tỉnh là sai luật. Ông Chín khẳng định việc UBND tỉnh giao cho Công ty CP Pymepharco 1.183 m2 đất tại ô phố A2 đường Hùng Vương, TP Tuy Hòa để thực hiện dự án. Sau đó Công ty này lại đem thế chấp ngân hàng, rồi bán giá 16 tỉ đồng là không thể chấp nhận được.
Trung tâm tiệc cưới Pytopia mà Công ty Hiệp Hòa trúng đấu giá thuê đất rất rẻ
Còn ông Đỗ Thành Đạt (cử tri phường 7, TP Tuy Hòa) cũng dẫn lại thông tin báo chí bày tỏ bức xúc về việc cho thuê khu đất 5.315 m2 tại 80 Nguyễn Huệ, TP Tuy Hòa. Theo ông Đạt, tỉnh cần phải tổ chức đấu giá công khai khu đất trên để thu hút các DN tham gia, tăng thu cho ngân sách. Tuy nhiên, tỉnh lại cho Công ty Phú Khánh Việt (do cháu một lãnh đạo tỉnh) thuê toàn bộ diện tích này trong 50 năm. Tiền thuê đất được hằng năm với giá cho thuê chỉ 126.600 đồng/m2/năm.
“Nếu đấu giá theo giá thị trường, khu đất này phải trên 300 tỉ đồng. Vì sao UBND tỉnh không qua đấu giá mà cho DN tư nhân thuê với giá rẻ mạt? Giá đó coi như cho không. Tôi yêu cầu UBND tỉnh Phú Yên trả lời cho cử tri biết”, ông Đạt kiến nghị.
Ai cũng tưởng việc đấu giá đất vàng ở Phú Yên là công khai, minh bạch không giống như giao đất chỉ định. Tuy nhiên, hai khu đất vàng do tỉnh Phú Yên tổ chức đấu giá có nhiều bất thường.
Theo hồ sơ, tháng 1/2016, UBND tỉnh Phú Yên đấu giá cho thuê quyền sử dụng khu đất gần 3.500 m2 ở 423 Nguyễn Huệ, TP Tuy Hòa. Tỉnh định giá cho thuê khu đất này 50 năm là 47 tỉ đồng.
Theo thông báo, phiên đấu giá sẽ diễn ra ngày 24/2/2016 và phát hành hồ sơ đấu giá. Tuy nhiên, một ngày trước phiên đấu giá, Chủ tịch UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo dừng cuộc đấu giá. Lý do phương án đấu giá được duyệt chưa nêu rõ nội dung quy hoạch xây dựng, điều kiện ràng buộc về tài chính đối với khách hàng tham gia đấu giá.
Đến ngày 6/4/2016, Công ty Thiên Việt phát hành lại hồ sơ đấu giá lần hai. Theo đó, giá khởi điểm cho thuê khu đất trên là 610 triệu đồng/năm, khách hàng phải đặt cọc 4,7 tỉ đồng khi nộp hồ sơ. Đặc biệt, tỉnh bổ sung thêm quy định khách hàng phải có số dư tiền gửi ngân hàng tối thiểu 15 tỉ đồng.
Với những qui định trên, chỉ còn 3 đơn vị tham gia Công ty CP Pymepharco, Công ty CP Xuất nhập khẩu Dược Phú Yên (gọi tắt là Công ty Dược Phú Yên) và bà Dương Thị Thủy Tú. Trong khi đó, hai công ty này có mối quan hệ mật thiết với nhau. Người của Công ty CP Pymepharco tham gia đấu giá lại nắm giữ 33% cổ phần tại Công ty Dược Phú Yên.
Theo biên bản đấu giá ngày 20/5/2016, Công ty Dược Phú Yên chỉ trả giá cao hơn giá khởi điểm 10,3 triệu đồng. Bà Dương Thị Thủy Tú cũng trả giá cao hơn là 10,7 triệu đồng. Sau cùng Công ty CP Pymepharco do ông Huỳnh Tấn Nam làm Tổng giám đốc trả giá cao hơn giá khởi điểm 12,3 triệu đồng và thắng cuộc.
Các công ty tham gia đấu giá là một?
Cũng năm 2016, Phú Yên đấu giá khu đất gần 7.600 m2 trên đại lộ Hùng Vương TP Tuy Hòa, nằm ngay giao lộ hai trục phố chính Hùng Vương và Trần Phú.
Cây cầu nối qua khu đô thị mới Nam TP Tuy Hòa, dự án còn nhiều khuất tất mà kiểm toán yêu cầu tỉnh Phú Yên giải trình.
Theo quyết định của UBND tỉnh, giá khởi điểm cho thuê 50 năm khu đất là 77,2 tỉ đồng. Lúc đầu tỉnh đấu giá cho thuê trả tiền một lần cho 50 năm nhưng không thành công. Sau đó UBND tỉnh điều chỉnh cho thuê 50 năm, trả tiền hằng năm.
Trong lần thứ hai bán hồ sơ ngày 4/4/2016, tỉnh quy định giá cho thuê khởi điểm là 1 tỉ đồng/năm. Đồng thời yêu cầu khách hàng phải có số dư tiền gửi ngân hàng ngay trước ngày đấu giá không thấp hơn 30 tỉ đồng, phải đặt cọc 7,7 tỉ đồng.
Cuối cùng chỉ còn bốn công ty tham gia đấu giá bị nghi ngờ có quan hệ mật thiết với nhau. Giám đốc Công ty An Gia Hưng là ông Nguyễn Huỳnh Vĩnh Hoàng, con ruột và là cổ đông sáng lập của chủ Công ty Hiệp Hòa. Còn bà Dương Thị Thủy Tú là cổ đông đồng sáng lập Công ty Dũng Tiến. Trước phiên đấu giá, bà Tú rút hồ sơ. Công ty An Gia Hưng tự loại mình ra khỏi cuộc chơi. Cuối cùng, chỉ còn Công ty Hiệp Hòa và Công ty Dũng Tiến đấu giá ngày 18/5/2016. Kết quả là Công ty Hiệp Hòa trúng đấu giá khu đất vàng với giá cao hơn giá khởi điểm 22,5 triệu đồng. Hiện Công ty Hiệp Hòa đã xây dựng công trình Trung tâm Hội nghị tiệc cưới Pytopia tại khu đất trên.
Trước những bất thường trong việc đấu giá đất vàng, nhiều doanh nghiệp, cá nhân đã khiếu nại đến các cơ quan chức năng. Bởi lẽ, hai công ty trúng đấu giá đều là người thân lãnh đạo cấp cao của tỉnh này.
Tháng 6/2017, ông Huỳnh Tiến Đạt, Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc Công ty Phú Khánh Việt, xin thuê khu đất hơn 3.300 m2 ở 80 Nguyễn Huệ, TP Tuy Hòa để làm dự án Trung tâm thương mại Phú Khánh Việt. Hai tuần sau, phó chủ tịch tỉnh ký quyết định thu hồi khu đất trên từ Tổng Công ty Khánh Việt (Khatoco) cho Công ty Phú Khánh Việt thuê trong 50 năm, trả tiền thuê đất hằng năm. Giá cho thuê là 126.600 đồng/m2/năm, ổn định giá trong 5 năm.
Theo Sở TN&MT tỉnh Phú Yên, Khatoco góp 25% vốn thành lập Công ty Phú Khánh Việt. Công ty đề nghị liên kết, liên doanh hình thành pháp nhân mới nên không thu hồi đất bán đấu giá nhưng đến nay dự án vẫn nằm trên giấy. “Theo quy định, tỉnh phải thu hồi đất, dự án từ Khatoco để đấu giá cho thuê đất thì mới đúng luật”, một cựu lãnh đạo tỉnh nhận xét.
Sai phạm cả khu đô thị mới
Dự án Đầu tư hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị Nam TP Tuy Hòa có diện tích 394ha, thuộc phường Phú Đông và Phú Thạnh (TP Tuy Hòa). Cuối năm 2016, UBND tỉnh Phú Yên triển khai đầu tư giai đoạn 1 của dự án với khoảng 55ha các hạng mục đường nội bộ, san nền, thoát nước mưa, nước thải, điện trung thế, hạ thế, điện chiếu sáng… với tổng vốn đầu tư gần 319 tỉ đồng. Dự án được kỳ vọng là trung tâm đô thị mới hiện đại. Tuy nhiên, quá trình triển khai đã có những sai phạm nghiêm trọng mà kiểm toán Nhà nước cũng đã vừa chỉ rõ.
Đoàn kiểm toán Nhà nước đặt dấu hỏi là khu đô thị có xuất phát từ nhu cầu thực tế của người dân hay không? Bởi qua những lần tổ chức bán đấu giá các lô đất của dự án này đều có rất ít người dân tham gia. Ở khu dân cư phía Bắc của khu đô thị mới nam TP.Tuy Hòa (Phú Yên) có tổng diện tích 159.522 m2 (468 lô), được UBND tỉnh đem ra đấu giá sử dụng đất trọn gói nhưng không thành công. Trước đó, tỉnh chỉ bán đấu giá thành công khu số 1 thuộc nhà liền kề với 262 lô, thu được 162 tỉ đồng.
Các khu còn lại như khu số 2 có 100 lô nhà ở biệt thự, khu số 3 có 96 lô nhà ở biệt thự và khu số 4 có 10 lô đất thương mại, dịch vụ đã tổ chức bán đấu giá 1 lần nhưng không thành công vì không ai tham gia.
Đoàn kiểm toán còn đặt ra nghi vấn về sự không minh bạch. Người dân không thể tham gia và mua về cho mình một lô đất để an cư là sự thất bại trong đấu giá cho khu đô thị mới. Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ rõ việc UBND tỉnh Phú Yên đã bỏ qua quy định về tài chính và hỗ trợ 5% trên tổng giá trị mỗi khu đất là tạo điều kiện cho nhà đầu tư mua toàn bộ khu đất sau đó bán lẻ lại từng lô.
Qua những vấn đề trên, kiểm toán Nhà nước chỉ rõ quyền lợi của người dân tỉnh Phú Yên đối với dự án Khu đô mới Nam thành phố Tuy Hòa là rất mờ nhạt, không phù hợp với tiêu chí và mục đích ban đầu của dự án. Đoàn kiểm toán để nghị UBND tỉnh Phú Yên giải trình tất cả những vấn đề liên quan đến quyết định đấu giá khu đô thị nêu trên.
Theo Công lý