Sự kiện hot
9 tháng trước

Phục Hưng Holdings (PHC): Tiền mặt chiếm 1% cơ cấu tài sản

Tiền mặt chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng tài sản khi chưa đến 1%. Trong khi đó, phần lớn tài sản của Phục Hưng Holdings được hình thành ở các khoản phải thu.

Phục Hưng Holdings: Kinh doanh tài chính thất thu khiến lợi nhuận 'bốc hơi'  71%

Theo báo cáo tài chính quý II/2023, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của công ty đạt 390 tỷ đồng, tăng 101 tỷ đồng, tương đương 34,9% so với quý II/2022. Trong kỳ, do giá vốn hàng bán tăng mạnh 100 tỷ đồng, tương đương 38,9% lên 357 tỷ đồng, kèm theo đó, chi phí tài chính có biến động lớn khiến lợi nhuận sau thuế cuối quý II/2023 sụt giảm sâu còn 2,5 tỷ đồng (quý trước là 5,6 tỷ đồng).

Tại thời điểm ngày 30/6, tiền và các khoản tương đương tiền tại Phục Hưng Holdings chỉ còn 18,4 tỷ đồng, giảm 60% so với đầu năm. Ngoài ra, công ty còn khản đầu tư tài chính ngắn hạn là 2,1 tỷ đồng.

Đáng chú ý, Tiền mặt chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng tài sản khi chưa đến 1%. Trong khi đó, phần lớn tài sản của Phục Hưng Holdings được hình thành ở các khoản phải thu. Chỉ tiêu Các khoản phải thu ngắn hạn hồi cuối quý II/2023 là 1.551 tỷ đồng, tăng nhẹ so với 1.318 tỷ đồng hồi đầu năm và chiếm gần 50% tổng tài sản.

Phía bên kia bảng cân đối kế toán, Phục Hưng Holdings liên tục tăng cường vay nợ. Cuối tháng 6/2023, Vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn đạt 1.160  tỷ đồng, tăng 248 tỷ đồng, tương đương 26,8% so với đầu năm 2023. Chi phí lãi vay 6 tháng đầu năm tăng 6 tỷ đồng, tương đương 28 % lên hơn 15 tỷ đồng.

Ở bảng lưu chuyển tiền tệ, các khoản phải thu ngắn hạn tăng mạnh là nguyên nhân chính khiến Lưu chuyển tiền từ hoạt động kinh doanh của công ty âm 275 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số âm 49,2 tỷ đồng hồi đầu năm 2023. Lưu chuyển tiền từ hoạt động đầu tư âm 230 triệu đồng.

Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động tài chính 247 triệu đồng. Tuy nhiên, bằng đó là chưa đủ bù đắp được cho hoạt động kinh doanh và hoạt động đầu tư. Vì vậy, cuối quý II/2023, Lưu chuyển tiền thuần trong kỳ của Phục Hưng Holdings vẫn âm 28 tỷ đồng.

Trong một diễn biến khác, đầu tháng 8/2023, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) - chủ đầu tư dự án sân bay Long Thành - thông báo Liên danh Vietur đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật cho gói xây dựng và lắp đặt thiết bị nhà ga hành khách (gói thầu 5.10 trị giá 35.000 tỷ đồng).

Liên danh Vietur gồm 10 doanh nghiệp, đứng đầu là Tập đoàn Công nghiệp và Thương mại Xây dựng IC Ictas thuộc IC Holding. Đây là một trong những nhà thầu xây dựng hàng đầu của Thổ Nhĩ Kỳ, hoạt động từ năm 1969.  Ngoài IC Holding dẫn dắt, các đơn vị còn lại trong Liên danh Vietur đều là doanh nghiệp nội gồm Ricons, Newtecons, Sol E&C, Tổng công ty Xây dựng số 1, ATAD, Vinaconex, Hawee cơ điện, Tổng công ty Xây dựng Hà Nội và Phục Hưng Holdings.

Theo đánh giá của VnExpress, HAN từng nhận xây lắp nhiều công trình đầu tư công lớn của cả nước, nhưng chưa có dự án nào về lĩnh vực hàng không. Trong khi đó, Phục Hưng Holdings mạnh về xây dựng dân dụng với các dự án bất động sản dân cư lớn. Ở mảng hạ tầng, doanh nghiệp này có một dự án liên quan ngành hàng không là đài không lưu sân bay Tân Sơn Nhất.

Về kết quả kinh doanh thời gian qua, cả hai đều có doanh thu và lợi nhuận khá khiêm tốn so với các thành viên khác trong Vietur. Nhưng HAN có điểm sáng là tỷ lệ nợ trên vốn thấp hơn, trong đó, vay nợ tài chính luôn được giữa ở mức dưới 20% tổng nợ phải trả. Còn PHC "mạnh tay" sử dụng đòn bẩy hơn hẳn khi tổng nợ phải trả thường cao hơn 3-4 lần so với vốn chủ sở hữu, riêng vay nợ tài chính luôn chiếm hơn một nửa.

PV/KTDU

Từ khóa: