Sự kiện hot
khoảng 1 năm trước

PV Gas (GAS): Tăng trưởng hạ nhiệt khi khủng hoảng năng lượng qua đi

Theo PHS, trong năm 2022, doanh thu thuần của Tổng công ty Khí Việt Nam (GAS - sàn HOSE) đạt 100,7 nghìn tỷ đồng (tăng 27,5% so với năm trước) và lợi nhuận sau thuế tăng vọt 70,2% lên mức 15,1 nghìn tỷ đồng. Đây là mức tăng trưởng vượt bậc trong nhiều năm nhờ điều kiện đặc biệt thuận lợi khi xung đột ở Ukraine dẫn đến khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng và đẩy giá than lên cao kỷ lục, từ đó kích hoạt sự chuyển dịch ngắn hạn từ năng lượng nhiệt than sang năng lượng nhiệt khí bất chấp giá các mặt hàng khí đốt cũng đạt mức cao chưa từng thấy.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Trong báo cáo phân tích mới được cập nhật đối với Tổng công ty Khí Việt Nam (GAS), Chứng khoán Phú Hưng (PHS) đưa ra dự phóng: Xung đột ở Ukraine được cho là sẽ kéo dài nhưng cán cân cung – cầu đã dần tìm lại được thăng bằng khi các nhà cung cấp lớn đã tăng sản lượng để khỏa lấp phần nào khoảng trống mà Nga để lại, đặc biệt là LNG từ Mỹ và Qatar. Dù vậy vẫn tồn tại nhiều nguy cơ gây áp lực lên nguồn cung như việc Trung Quốc nhanh chóng mở cửa nền kinh tế sau đại dịch.

Báo cáo phân tích của PHS cũng cho biết: “Chúng tôi cho rằng giá bán khí có thể giảm khoảng 9,1% trong năm 2023, trong khi sản lượng khí khô và LPG dự kiến tăng trưởng lần lượt là 7% và 5% so với năm trước. Khi đó, doanh thu thuần Công ty có thể đạt 100,8 nghìn tỷ đồng (tăng nhẹ 0,07% so với năm trước) và lợi nhuận sau thuế đạt 14,1 nghìn tỷ đồng (giảm 6,56%). Doanh thu có thể duy trì tăng trưởng là nhờ sự quay trở lại của nhiệt điện khí, một trong những khách hàng chính của GAS khi La Nina có thể qua đi từ năm 2023 và cuốn đi ưu thế của thủy điện”.

Điểm nhấn đầu tư được PHS đưa ra: (1) Giá khí vẫn có thể duy trì mức khá cao và sản lượng tiếp tục tăng trưởng do nhiệt điện lấy lại ưu thế so với thủy điện.

(2) Công ty đang đẩy nhanh việc phát triển cơ sở hạ tầng để nhập khẩu và phân phối Khí hóa lỏng (LNG), LNG Thị Vải, năm 2023 và LNG Sơn Mỹ từ năm 2025, nhằm phục vụ nhu cầu khí đốt tăng cao trong nước;

(3) Chính phủ đã nhấn mạnh sự chuyển dịch năng lượng xanh để đáp ứng yêu cầu giảm thải carbon đã cam kết giữa các quốc gia và do đó, sẽ ưu tiên nguồn năng lượng từ khí trong tầm nhìn đến năm 2030. Sự chuyển dịch này cùng với nhu cầu ngày càng tăng của các khách hàng công nghiệp và hộ gia đình được kỳ vọng sẽ thắp sáng triển vọng của công ty trong tương lai sắp tới

Sử dụng phương pháp DCF và P/E, PHS ước tính giá trị hợp lý là 105,500 đồng/cổ phiếu. Do đó, PHS đưa ra khuyến nghị nắm giữ với mức tăng giá tiềm năng là 0%. Định giá của PHS không bao gồm các dự án Lô B - Ô Môn, Cá Voi Xanh và LNG Sơn Mỹ giai đoạn 2 do sự không chắc chắn, điều kiện không thuận lợi và thiếu thông tin cần thiết trong giai đoạn định giá.

Nhật Minh

Theo Kinh tế và Đồ uống

Từ khóa: