Sự kiện hot
5 năm trước

PwC: Ngân hàng đang nhiều điểm sáng nhưng nửa cuối năm sẽ không thuận lợi do COVID-19

Đại diện PwC cho rằng ảnh hưởng của COVID-19 đến ngân hàng sẽ rõ hơn vào nửa cuối năm nay, cụ thể nhất là nợ xấu ảnh hưởng đến hoạt động chung, kéo theo đó là ảnh hưởng về lợi nhuận.

Ngân hàng nửa cuối năm sẽ không nhiều thuận lợi

PwC: Ngân hàng đang nhiều điểm sáng nhưng nửa cuối năm sẽ không thuận lợi do COVID-19 - Ảnh 1.

Ông Võ Tấn Long (thứ hai từ phải sang) cho rằng ảnh hưởng của COVID-19 đến ngân hàng sẽ rõ hơn vào nửa cuối năm nay. Ảnh: Forbes VN.

Tại diễn đàn công nghệ Tech Summit 2020 với chủ đề "Khám phá kho báu Midas" do Forbes Việt Nam tổ chức sáng 16/7, Phó Tổng Giám đốc Dịch vụ công nghệ thông tin PwC Việt Nam - ông Võ Tấn Long, nhận định đại dịch COVID-19 đã tác động lên toàn bộ nền kinh tế.

Theo ông Long, so với các nước trong khu vực, tình hình kiểm soát dịch bệnh và giữ tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam khá tích cực. Ngay từ quí I/2020, tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp đã bắt đầu khó khăn, trong quí II, nền kinh tế đang trên đà hồi phục do kiểm soát được COVID-19 trong cộng đồng.

Ông Võ Tấn Long cho rằng nửa đầu năm nay, ngân hàng vẫn là ngành có nhiều điểm sáng. Báo cáo kết quả kinh doanh quí I/2020 của nhiều ngân hàng trong hệ thống đều ghi nhận tăng trưởng dương, nhiều nhà băng cũng đã cập nhật sơ bộ kết quả hoạt động nửa đầu năm với nhiều thuận lợi, lợi nhuận tăng trưởng kép so với cùng kì.

Tuy nhiên, đại diện từ PwC cho rằng những ảnh hưởng từ COVID-19 liên quan nợ xấu sẽ ảnh hưởng nhiều nhất đến ngân hàng vào nửa cuối năm, kéo theo đó là ảnh hưởng về lợi nhuận.

Theo ông Long, thực tế không chỉ ngân hàng, lãnh đạo nhiều doanh nghiệp nhận định hệ luỵ từ COVID-19 vẫn sẽ tiếp tục kéo dài trong thời gian tới, đồng thời, nguy cơ dịch bệnh tác động đến nền kinh tế toàn cầu lẫn Việt Nam cũng trở nên phổ biến hơn.

"COVID-19 còn ảnh hưởng nền kinh tế toàn cầu, dịch bệnh xảy ra với thế giới sẽ thường xuyên hơn. Dịch bệnh làm thay đổi nhu cầu của con người rất nhiều, trong đó, trải nghiệm khách hàng, xu hướng kinh doanh số sẽ là một trong những thay đổi mà doanh nghiệp cần lưu ý", ông Long nói.

Thay đổi để nắm bắt xu hướng của khách hàng

Nói rõ hơn về những nhu cầu, thói quen mới sau COVID-19, Phó Tổng Giám đốc Dịch vụ công nghệ thông tin PwC Việt Nam cho biết trước dịch, việc ra vào các tòa nhà tại Việt Nam rất bình thường. 

Tuy nhiên, sau dịch, một số ngân hàng thực hiện nhận diện khuôn mặt để mở cửa cho nhân viên đi vào mà không cần phải tiếp xúc với các điểm chạm. Ông cho rằng chính nền tảng công nghệ đã làm điều đó, dịch COVID-19 khiến việc chuyển đổi này nhanh hơn, thay đổi không chỉ về chiến lược, công nghệ, mô hình kinh doanh, nhân viên và cả cách làm việc với khách hàng.

PwC: Ngân hàng đang nhiều điểm sáng nhưng nửa cuối năm sẽ không thuận lợi do COVID-19 - Ảnh 2.

Sau COVID-19, một ngân hàng đã đưa ra dịch vụ rút tiền chỉ thông qua nhận diện khuôn mặt. Ảnh: TPB.

Hay thay đổi dễ thấy nhất trong lĩnh vực kinh doanh số là dịch vụ giao thức ăn qua các ứng dụng. Đây không phải là dịch vụ mới mẻ nhưng trước dịch không phải ai cũng đặt thức ăn giao tận nhà, chỉ trong và sau dịch, nhu cầu này đã tăng mạnh.

Dịch COVID-19 đã là chất xúc tác làm thay đổi hành vi người dùng và là cơ hội cho nền kinh tế số. Tuy nhiên, ông Võ Tấn Long cho rằng chính các doanh nghiệp trong lĩnh vực này cũng phải ngày càng nâng cao mình hơn để đưa ra cho khách hàng những dịch vụ tốt nhất, như với giao nhận thức ăn thì phải đảm bảo sức khỏe, vệ sinh an toàn thực phẩm, tài chính ngân hàng thì phải bảo mật tối đa cho người sử dụng.

Đưa ra lời khuyên về việc chuyển đổi số dành cho các doanh nghiệp sau đại dịch, ông Long cho rằng phải xuất phát đầu tiên từ mô hình hoạt động và cả năng lực của nhân viên.

Ông cho biết một khảo sát của PwC vào năm 2019 về việc người lao động có sẵn sàng cho các thay đổi, đặc biệt là thay công nghệ hay không thì một nửa nhân viên trả lời rằng chưa sẵn sàng. Thậm chí, 64% chủ doanh nghiệp cũng cho rằng nhân viên của mình chưa sẵn sàng. 

Theo chuyên gia từ PwC, điều này cho thấy cần có chế độ khuyến khích sự thay đổi tư duy, cởi mở hơn trong doanh nghiệp. Đồng thời, lãnh đạo phải chấp nhận sai lầm của nhân viên, học được những điều từ thua cuộc. 

Ông Long cho rằng nếu làm được những điều này trong thời đại kinh tế số, nhất là trong bối cảnh nhu cầu, thói quen của người dùng thay đổi thì các doanh nghiệp dù có tìm được "kho báu" hay không thì cũng sẽ gặt được thành công nhất định.

Phúc Minh

Theo Kinh tế & Tiêu dùng

Từ khóa: