Theo VCBS, trong trường hợp nền kinh tế gặp phải những trì trệ sau dịch COVID-19, hệ thống ngân hàng sẽ cần tới 3 – 5 năm để đưa nợ xấu về mức 1,5 – 2% như giai đoạn trước khi có dịch.
Theo báo cáo gửi Chính phủ của Ngân hàng Nhà nước, dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 là 2 triệu tỉ đồng, tương đương 23% dư nợ toàn hệ thống ngân hàng. Đến thời điểm cuối năm 2020, NHNN đưa ra ước tính về con số nợ xấu toàn ngành (bao gồm cả nợ bán cho VAMC và nợ được cơ cấu) sẽ tăng lên 3,2% với kịch bản dịch bệnh được kiểm soát trong quí I và 3,7% với kịch bản dịch bệnh được kiểm soát trong quí II.
Trong báo cáo cập nhật mới đây, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng thời gian xử lí nợ xấu tùy thuộc vào sức khỏe nền kinh tế sau dịch bệnh và thời gian kết thúc của dịch bệnh sẽ quyết định sức khỏe của nền kinh tế ở giai đoạn sau đó.
Theo ước tính của VCBS, để dư nợ xấu toàn hệ thống về mức 1,5 – 2% như giai đoạn trước khi có dịch bệnh thì chỉ cần 1 – 2 năm với điều kiện kinh tế vĩ mô thuận lợi nhưng có thể cần tới 3 – 5 năm nếu như nền kinh tế gặp phải những trì trệ.
VCBS nhận định Việt Nam đang là điểm sáng về phòng chống dịch bệnh trên thế giới và được dự báo sẽ tiếp tục thu hút nguồn vốn FDI vào giai đoạn sau dịch bệnh, cộng với những tín hiệu khả quan về giải ngân đầu tư công và cải thiện môi trường đầu tư. Do vậy, nền kinh tế Việt Nam sẽ có những bước hồi phục tương đối nhanh trong năm 2021 ở kịch bản cơ sở.
Với nhận định đó, VCBS đưa ra hai kịch bản đối với ngành ngân hàng trong năm 2020.
Tại kịch bản cơ sở (khả năng xảy ra là 50%), tổng lợi nhuận của các ngân hàng tăng nhẹ so với năm 2019 mặc dù bị ảnh hưởng ở cả 2 nguồn thu nhập chính là thu nhập lãi thuần và thu nhập dịch vụ.
Nguồn thu nhập từ hoạt động xử lí nợ đã trích lập giảm xuống và hoạt động trích lập diễn ra mạnh mẽ hơn. Trong khi đó, nợ xấu sẽ gia tăng ở nhóm khách hàng bị ảnh hưởng trực tiếp và nhóm khách hàng có nền tảng tài chính yếu.
Đối với kịch bản kém khả quan (khả năng xảy ra là 50%), tổng lợi nhuận của các ngân hàng chỉ giảm nhẹ so với năm 2019, tuy nhiên chất lượng tài sản của các ngân hàng bị ảnh hưởng ở nhiều khía cạnh bao gồm lãi phải thu, giá trị thị trường của tài sản bảo đảm và nợ xấu thực chất.
"Chất lượng tài sản suy giảm sẽ ảnh hưởng tới khả năng tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng ở các năm sau đó", nhóm phân tích VCBS đánh giá.
Quốc Thụy
Theo Kinh tế & Tiêu dùng