Được biết tháng 3/1995, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định cho Công ty Đầu tư Phát triển nhà Hà Nội thuê đất để liên doanh với nước ngoài.
Dự án Sông Hồng City tỷ lệ 1/500 từ năm 1995 với quy mô khoảng 6ha tại hồ Nghĩa Dũng, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ (Hà Nội). Theo hồ sơ thiết kế dự tính khu đất này sẽ là một quần thể công trình bao gồm khu nhà ở, khu văn phòng thương mại, khách sạn...
Tháng 9/1995 UBND TP Hà Nội quyết định cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty Phát triển đô thị và phê duyệt quy hoạch chi tiết, tỷ lệ 1/500 dự án Sông Hồng City.
|
Khu đất dự án. |
Dự án này được Công ty Đầu tư Phát triển nhà Hà Nội và Công ty Antara Koh Development (V) Pte.,Ltd (Sigapore) liên doanh thành lập Công ty Phát triển đô thị để thực hiện dự án Trấn Sông Hồng.
Theo đó, Công ty Đầu tư Phát triển nhà Hà Nội thuê 6ha đất tại hồ Nghĩa Dũng, phường Yên Phụ, quận Ba Đình TP Hà Nội với thời hạn 45 năm kể từ ngày được cấp giấy phép đầu tư.
Tháng 9/2009, Chính phủ cho phép UBND TP Hà Nội phối hợp với Seoul (Hàn Quốc) nghiên cứu, xem xét lập quy hoạch xây dựng Sông Hồng City với tổng vốn đầu tư dự kiến là 7,1 tỷ USD.
Dự kiến xây dựng các công trình với số vốn là 1,92 tỷ USD, bồi thường tái định cư là 1,564 tỷ USD. Còn hơn 1/2 số vốn còn lại là xây dựng các tòa nhà chung cư cao từ 30 - 40 tầng, khách sạn 5 sao...
Tháng 10/2016 UBND TP Hà Nội lại có văn bản yêu cầu sở, ngành liên quan, UBND quận Tây Hồ và quận Ba Đình thực hiện nhiệm vụ được giao liên quan đến việc triển khai dự án Trấn Sông Hồng.
Dự án này được UBND Thành phố chỉ đạo nghiên cứu khớp nối đồng bộ với “Điều chỉnh quy hoạch phòng chống lũ chi tiết của từng tuyến sông có đê trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020”.
Thời gian đã gần 23 năm kể từ khi dự án Sông Hồng City được phê duyệt, đến nay vẫn bỏ không. Theo tìm hiểu của phóng viên, trong diện tích dự án Sông Hồng City hiện có khoảng 80 hộ dân cư đang sinh sống.
Dự án thì chưa được triển khai nhưng nơi đây lại biến thành một bãi giữ xe với quy mô lớn.
|
Bãi xe với quy mô khá lớn bên trong. |
Theo ghi nhận của Phóng viên Pháp luật Plus tại điểm giữ xe này thường xuyên trông giữ khoảng 30 đến 50 xe ô tô. Kèm theo đó với mức giá cũng từ 1,2 triệu đến 1,5 triệu đối với ô tô 4 chỗ. Đó là mức giá xe để ngoài trời.
Ngoài ra bãi xe này còn ngang nhiên dựng lều lán bằng tôn để nâng mức giá trông xe.
|
Đất dự án đã bị biến thành bãi trông giữ xe không có giấy phép. |
Tháng 6/2018, UBND Phường Yên Phụ đã có công văn số 165/UBND- ĐC gửi đến Công ty phát triển đô thị (là đơn vị chủ dự án được cấp năm 1995) có địa chỉ tại phòng 703, số 23 Láng Hạ (Đống Đa - Hà Nội) với nội dung: Hiện dự án chưa được triển khai, người dân lấn chiếm đất làm bãi trông giữ xe gây khó khăn trong công tác quản lý.
Đề nghị Công ty phát triển đô thị có ý kiến bằng văn bản về việc sử dụng đất làm bãi trông giữ xe (tại số 9, đường Hồng Hà) gửi đến UBND Phường Yên Phụ để xử lý theo quy định.
Trao đổi với Phóng viên Pháp luật Plus ông Phạm Thành Trung – Phó chủ tịch UBND phường Yên Phụ cho biết: “Đây là dự án từ rất lâu chưa triển khai. Có tồn tại một bãi xe ở trên khu đất đó. Khi đến kiểm tra thì chủ bãi xe cho biết được là thỏa thuận bằng miệng với dự án để được trông giữ xe trên khu đất đó. UBND phường cũng đã thiết lập biên bản”.
Theo Pháp luật Plus