Thời gian gần đây, các hãng sữa từ ngoại đến nội liên tục quảng cáo rầm rộ về hàm lượng DHA giúp phát triển trí não cho trẻ.
Thêm vào đó, hàng loạt thực phẩm cho trẻ nhỏ trong độ tuổi ăn dặm cũng được quảng cáo có thành phần DHA khiến người tiêu dùng đổ xô đi mua. Câu hỏi được đặt ra, liệu hàm lượng DHA được quảng cáo có đúng với thực tế hay là DHA ảo?
Phát hiện DHA “ảo” trong sữa...
Mới đây nhất, tại TPHCM, qua kiểm tra tại Cty TNHH thực phẩm Vita (quận Bình Tân), phát hiện sản phẩm sữa bột của Cty này mặc dù ghi trên nhãn có DHA với hàm lượng từ 2-10mg/100gr, nhưng theo kết quả thử nghiệm của Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn – đo lường – chất lượng 3 (Quatest 3), không tìm thấy chất DHA trong sữa bột Grow milk IQ – loại SP milk (400gr/gói).
Quảng cáo hàm lượng DHA trong sữa, thức ăn dặm có đúng với thực tế? Ảnh: Đăng Hải
Trước đó, cuối tháng 11.2011, cơ quan chức năng còn phát hiện tại Cty này loại sản phẩm sữa bột hiệu Grow milk IQ – loại SP milk dành cho trẻ em nhãn ghi “nguyên liệu New Zealand – Australia”, nhưng kiểm tra sổ sách thì không thấy nguồn nhập từ 2 thị trường này...
Hàng loạt các Cty sản xuất sữa quy mô nhỏ trên địa bàn TPHCM được kiểm tra vừa qua cho thấy, hàm lượng chất đạm rất thấp; đối với các chất bổ sung như DHA, taurine, omega, vitamin, khoáng chất thì... hên xui. Trên bao bì sản phẩm của các cơ sở ghi nguồn nguyên liệu sữa bột từ New Zealand, Australia, nhưng kiểm tra sổ sách lại có xuất xứ từ Trung Quốc, Thái Lan.
Ông Nguyễn Nam Vinh - Chủ nhiệm Văn phòng phía nam, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng VN - cho rằng: Chính vì việc quảng cáo lấp lửng DHA khiến các bà mẹ hoang mang nghi ngờ cả chất lượng sữa của mình liệu có đủ dưỡng chất hoặc thức ăn do mình chế biến cho trẻ ăn dặm liệu có đủ DHA bổ sung phát triển trí não hay không? Ông Vinh đặt ra câu hỏi nghi ngờ: Tôi không hiểu các nhà sản xuất trộn DHA vào sữa bằng cách nào trong khi DHA là dạng lỏng. Nếu nhập DHA vào trộn với sữa bột thì kỹ thuật trộn có đảm bảo đủ hàm lượng DHA hay không?
DN tự công bố: Độ tin cậy đến đâu?
Để tìm hiểu về hoạt chất này, chúng tôi đã được PGS-TS Nguyễn Thị Lâm - Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng VN - giải thích: DHA (Docosa Hexaenoic Aacid) là acid béo thuộc nhóm omega-3. Đây là chất rất quan trọng nhưng cơ thể không tự tổng hợp được mà phải đưa vào từ nguồn thực phẩm.
DHA có vai trò đặc biệt với trẻ em, nhất là trong giai đoạn từ 0 - 6 tuổi, để phát triển hệ thần kinh trung ương, não bộ, thị giác và sức khỏe tổng thể. Bà Lâm cho biết thêm, các trẻ đẻ non và sơ sinh bình thường đòi hỏi phải cung cấp đủ DHA. Sữa mẹ cung cấp đủ EFAs cho trẻ (đủ hàm lượng DHA). Ngoài ra, DHA có nhiều trong cá và thủy sản, các loại dầu ăn có tiền tố DHA...
Đối với trẻ em, đây là hoạt chất quan trọng vì thế, nhiều người cho rằng việc hàm lượng DHA không có hoặc thấp hơn công bố là một hành vi đánh lừa người tiêu dùng và sẽ trực tiếp làm ảnh hưởng tới sự phát triển tối ưu của trẻ.
Ông Nguyễn Nam Vinh cho rằng, tại VN có khoảng 200 DN đăng ký nhập khẩu và sản xuất sữa. Lâu nay, DN sản xuất chủ yếu tự công bố tiêu chuẩn, hàm lượng chất có trong sản phẩm của mình. Năm 2008, sau khi Hội Bảo vệ người tiêu dùng VN công bố thông tin sữa gian lận độ đạm so với việc công bố trên bao bì thì cơ quan chức năng vào cuộc và phát hiện 50% các sản phẩm sữa đang lưu hành trên thị trường vi phạm về thành phần này. Sự việc trên rầm rộ một thời gian rồi lại quên lãng.
Cũng theo ông Vinh, việc DN tự công bố là một chuyện, cơ quan quản lý hậu kiểm bằng cách lấy các mẫu sữa trên thị trường, sau đó mã hóa để tránh tiêu cực và đưa đến phân tích tại các phòng thí nghiệm có đủ máy móc, thiết bị năng lực để phân tích. Nếu phát hiện gian dối, vi phạm thì phải xử lý theo pháp luật... Còn không có cơ quan nào hậu kiểm thì chắc chắn hàm lượng như DHA, độ đạm, khoáng chất mà các DN tự công bố sẽ bị “thất thoát” và chỉ có người tiêu dùng chịu thiệt, trẻ bị suy dinh dưỡng. Theo thống kê mới nhất, VN có gần 5 triệu trẻ em suy dinh dưỡng dạng thấp còi...
Võ Tuấn
Theo Lao dong