Quốc hội yêu cầu Chính phủ nghiên cứu hạn chế và tiến tới xóa bỏ việc điều hành phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng tổ chức nhà băng.
Chính phủ xây dựng tiêu chí, phương thức xác định chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng ngân hàng trên cơ sở tình hình hoạt động, năng lực tài chính, quản trị điều hành và khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh của từng tổ chức tín dụng.
Với 99% đại biểu tán thành, Quốc hội thông qua Nghị quyết chất vấn kỳ họp thứ 3. Theo đó, trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, Quốc hội yêu cầu Chính phủ nghiên cứu hạn chế và tiến tới xóa bỏ việc điều hành phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng tổ chức nhà băng.
Thay vào đó, Chính phủ xây dựng tiêu chí, phương thức xác định chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng ngân hàng trên cơ sở tình hình hoạt động, năng lực tài chính, quản trị điều hành và khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh của từng tổ chức tín dụng. Việc này nhằm bảo đảm công khai, minh bạch, phù hợp với tiêu chuẩn Basel II và các chuẩn mực quốc tế trong lĩnh vực ngân hàng.
Trước đó, tại phiên chất vấn ngày 8/6, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng bị chất vấn về cấp hạn mức tín dụng. Các đại biểu Quốc hội cho rằng cơ chế này mang dáng dấp quản lý theo kiểu bao cấp, không còn phù hợp bối cảnh hiện nay. Cơ chế giao chỉ tiêu tín dụng đã được Ngân hàng Nhà nước duy trì suốt chục năm qua.
Với lĩnh vực tài chính, Quốc hội yêu cầu sớm phê duyệt và triển khai đề án huy động nguồn lực cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tăng các giải pháp kiểm soát lạm phát, tính toán kỹ khi điều chỉnh giá hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá... nhằm tránh tác động đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI).
Nghị quyết cũng nêu rõ yêu cầu rà soát, sửa đổi các quy định về việc các tổ chức tín dụng chào bán, đầu tư và cung cấp dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ để hạn chế rủi ro.
Chính phủ phải có giải pháp giám sát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng dư nợ và chất lượng tín dụng với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao, nhất là đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ; đồng thời, bảo đảm cung ứng vốn để thị trường chứng khoán, bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững.
Chiều cùng ngày, Quốc hội cũng thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ 3 với đa số đại biểu tán thành.
Theo đó, Quốc hội đồng ý kéo dài thời gian áp dụng Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng tới hết năm 2023. Chính phủ được giao nghiên cứu, đề xuất luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu. Đồng thời, Chính phủ cũng cần rà soát, sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng. Việc sửa đổi các quy định này cần trình Quốc hội xem xét, chậm nhất tại kỳ họp thứ 5, dự kiến vào tháng 5/2023.
Trong thời gian kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu, Chính phủ phải có giải pháp khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong xử lý tài sản đảm bảo.
Quốc hội cũng đồng ý với đề nghị của Chính phủ về chuyển vốn vay về cho vay lại, bảo lãnh Chính phủ thành cấp phát ngân sách nhà nước cho 5 dự án, gồm 1 dự án do Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) làm chủ đầu tư và 4 dự án khác của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC). Chính phủ được yêu cầu báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện các dự án cùng với báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.
Kiểm toán Nhà nước được giao kiểm toán việc chuyển đổi và thanh quyết toán số vốn chuyển từ vốn vay về cho vay lại, bảo lãnh Chính phủ thành cấp phát ngân sách nhà nước và báo cáo Quốc hội về kết quả thực hiện.
Sau 19 ngày làm việc, kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV đã kết thúc, thông qua 5 luật; 17 nghị quyết; cho ý kiến về 6 dự án luật.
Theo ndh.vn