Hàng loạt những vấn đề khó khăn trong quá trình hoạt động đã được các doanh nghiệp bất động sản đề cập đến trong buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Xây dựng diễn ra mới đây.
Đó là những khó khăn về làm thủ tục dự án, chồng chéo thanh tra hay vướng mắc trong kinh doanh nhà ở xã hội…
Còn nhiều bất hợp lý trong các quy định
“Doanh nghiệp bất động sản sẽ gặp vô vàn khó khăn do sự bất hợp lý trong các quy định vừa chồng chéo, vừa mâu thuẫn”, đó là ý kiến của đại diện một công ty trong lĩnh vực bất động sản với Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà trong buổi làm việc giữa Bộ trưởng và Hiệp hội Bất động sản Việt Nam diễn ra mới đây. Đây cũng là ý kiến chung của khá nhiều đại diện các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản.
Nói về khó khăn trong việc làm thủ tục dự án, ông Tạ Văn Tố, Tổng Giám đốc CEO Group cho biết hiện doanh nghiệp này đang triển khai dự án nhà ở xã hội nhưng gặp nhiều khó khăn như thủ tục nhiều, xác định giá bán: Hiện đang thực hiện xác định giá bán làm 2 lần, một lần làm cơ sở chủ đầu tư triển khai kinh doanh, lần thứ hai làm cơ sở để chủ đầu tư làm sổ đỏ. Do đó, ông Tố kiến nghị “việc xác định giá bán chỉ làm một lần để làm cơ sở cho tất cả các thủ tục".
Với bất động sản nghỉ dưỡng, ông Tố cho biết theo quy định của pháp luật, khi xây dựng công trình phải đảm bảo khoảng lùi về phía sau biển 100m. Nhưng hiện vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể về quy định này, nên rất khó khăn trong việc xác định về quy hoạch để triển khai dự án.
Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Công ty GP Invest cho rằng, doanh nghiệp đang gặp khó với các quy định vừa chồng chéo, vừa mâu thuẫn. Ông Hiệp lấy dẫn chứng Điều 57 Luật Kinh doanh bất động sản, trong đó quy định doanh nghiệp phải làm sổ đỏ cho người mua nhà, trong trường hợp hợp đồng chỉ đóng 95%. Nhiều dự án đã bàn giao chưa thu hết được 5% còn lại của khách, trong khi phải thanh lý hợp đồng rồi mới làm được sổ đỏ. Cái này làm khó cho doanh nghiệp nên về lâu dài phải sửa luật.
Nhiều chính sách mới về bất động sản đã bắt đầu phát huy tác dụng nhưng vẫn còn những vướng mắc cần tháo gỡ. Ảnh: Duy Anh
Một vấn đề khác được ông Hiệp đưa ra là quy định 20% đất của dự án để làm nhà ở xã hội, nhưng điều này khá mâu thuẫn trong trường hợp dự án đã cắt 20% đất làm trường học. Do đó cần có sự bổ sung giảm tải cho doanh nghiệp bởi nếu tiếp tục phải dành thêm 20% để làm nhà ở xã hội, thì đất kinh doanh chỉ còn 60%, trong khi vẫn phải đóng tiền sử dụng đất 100% diện tích. Vô hình chung đã đẩy nhiều dự án có đơn giá đất cao, tạo nên sự vô lý. Ngoài ra vị doanh nhân này còn cho biết có thời điểm tại doanh nghiệp của ông có đến 3 đoàn thanh tra đến làm việc, dù Thủ tướng đã có yêu cầu trong cùng một thời điểm chỉ nên có một đoàn thanh tra.
Cũng nêu những khó khăn của doanh nghiệp, bà Kiều Dung, Tổng Giám đốc Tập đoàn FLC nói rằng quy định cấp giấy chứng nhận và bán nhà cho người nước ngoài chưa rõ, làm khó cho doanh nghiệp khi triển khai dự án. Ngay cả việc quy định khung pháp lý trong đền bù ở những dự án khi di chuyển mồ mả cũng chưa cụ thể, khiến doanh nghiệp khó khăn, lúng túng. Bên cạnh đó, việc cấp phép xây dựng năm 2016 tốn nhiều thời gian hơn 2015. Dẫn chứng điều này, bà Dung nêu rõ năm 2015 chỉ mất 114 ngày nhưng sang năm 2016 phải mất 166 ngày. Nguyên nhân là do các sở Tài nguyên và Môi trường… “cải cách thủ tục”.
Nêu kiến nghị về gói hỗ trợ tín dụng 30.000 tỷ, bà Dung đề xuất nên tiếp tục đưa ra những chính sách kích cầu tiếp theo cho thị trường bởi gói 30.000 tỷ cũng chỉ đến cuối năm là hết. Đại diện của FLC cũng cho rằng việc quy định 20% diện tích dự án phải làm nhà xã hội, thì 1 tòa chung cư 30 tầng đã mất 6 tầng làm nhà ở xã hội, gây khó khăn trong bán hàng. Do vậy, nên áp dụng quy định này với từng địa phương khác nhau.
Liên quan đến nhà ở xã hội, ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty Địa ốc Hoàng Quân phân tích với dự án nhà ở xã hội, luật yêu cầu chủ đầu tư phải công bố giá trước khi triển khai dự án. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai xây dựng có nhiều trường hợp bất khả kháng xảy ra như giá thép tăng. Do vậy, kiến nghị Bộ Xây dựng có biện pháp để nguồn cung, giá nguyên vật liệu cho dự án nhà ở xã hội ổn định. Ngoài ra, vấn đề dự án nhà ở xã hội được dành 20% cho phần thương mại cũng tồn tại bất cập. Hiện nay, luật yêu cầu nhà bán ra phải có bảo lãnh, 80% dự án là nhà ở xã hội đã bán hết, 20% phần thương mại còn lại khó bán vì ngân hàng không bảo lãnh 20% này, họ chỉ chấp nhận bảo lãnh cả dự án. Điều này thực sự gây khó cho doanh nghiệp.
Tìm hướng tháo gỡ cho doanh nghiệp
Trước ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp bất động sản, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Đỗ Đức Duy cho biết về vấn đề quy định thời gian cấp phép, Nghị quyết 19 nêu rõ, thời gian từ khi chuẩn bị đầu tư đến khi khởi công công trình, luật hiện nay quy định, thời gian cấp giấy phép xây dựng 30 ngày đối với dự án, 15 ngày đối với nhà riêng lẻ. Hiện Bộ Xây dựng cũng đã đề nghị rút ngắn thời gian này và cũng mở rộng thêm đối tượng miễn cấp giấy phép xây dựng. Về vấn đề nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, các Bộ, ngành để thống nhất diện tích 20% phát triển nhà ở xã hội trong các dự án.
Với những vướng mắc trong phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là nhà ở cho thuê, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho rằng chúng ta chưa đi đúng quy luật của khu vực và thế giới. Thông thường, đối với các nước, nhà ở cho thuê trong tổng lượng nhà ở chiếm khoảng 60-65%. Trong khi ở nước ta, đối tượng cần nhà ở cho thuê rất nhiều nhưng nguồn cung thì rất ít, do vậy cần nghiên cứu lại phân khúc này.
Đại diện lãnh đạo Bộ Xây dựng cũng khẳng định những vướng mắc được các doanh nghiệp nêu ra là thực tế và hứa sẽ ghi nhận, sửa đổi trong thẩm quyền hoặc trình Chính phủ và các Bộ, ngành khác có hướng tháo gỡ.
theo Công lý