Theo công bố báo cáo tài chính quý III/2011, nhiều doanh nghiệp (DN) đã báo cáo lỗ. Trong đó, ngành chứng khoán và bất động sản có số DN báo lỗ nhiều nhất.
Theo công bố báo cáo tài chính quý III/2011, nhiều doanh nghiệp (DN) đã báo cáo lỗ. Trong đó, ngành chứng khoán và bất động sản có số DN báo lỗ nhiều nhất.
Hiện có gần 20 công ty chứng khoán báo cáo lỗ.
Trong đó, Công ty chứng khoán BIDV (niêm yết trên sàn HoSE với mã chứng khoán BSI) báo cáo lỗ gần 135 tỷ đồng. Theo báo cáo của DN, khoản lỗ này chủ yếu do chi phí hoạt động kinh doanh tăng, trong khi doanh thu thay đổi không đáng kể. Tuy nhiên, mức lỗ trên chỉ bằng hơn một phần ba số lỗ của Công ty chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (HNX: SHS), khoảng gần 382 tỷ đồng. Đây là doanh nghiệp lỗ nặng nhất trong số các công ty chứng khoán niêm yết sau 9 tháng.
Không chỉ các doanh nghiệp niêm yết báo cáo lỗ, nhiều DN khác cũng rơi vào tình trạng tương tự. Kết quả khảo sát của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, trong 9 tháng qua, đã có 48.700 doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể hoặc dừng nộp thuế nhưng chưa đăng ký giải thể. Trong đó, chủ yếu là những DN vừa và nhỏ phụ thuộc vào vốn tín dụng để sản xuất kinh doanh.
Nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN, ngày 4/11 mới đây, Chính phủ đã ban hành nghị định bổ sung một số giải pháp về thuế. Theo đó, từ ngày 20/12/2011, ngành thuế sẽ giảm 30% số thuế thu nhập DN phải nộp năm 2011 của DN nhỏ và vừa. Đồng thời, giảm 30% số thuế thu nhập DN phải nộp năm 2011 của DN sử dụng nhiều lao động trong lĩnh vực sản xuất, gia công, chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản, dệt may, da giày, linh kiện điện tử, xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội. Việc miễn, giảm thuế sẽ giúp DN giảm bớt khó khăn.
Tuy nhiên, theo bà Trần Thị Lệ Nga, Trưởng phòng Tuyên truyền, Cục Thuế TP.HCM, có tình trạng DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) báo cáo lỗ nhưng là “lỗ giả”. Thực chất, đây là thủ thuật chuyển giá; tức là doanh nghiệp FDI thực hiện nâng khống giá nguyên liệu đầu vào lên cao, trong khi giá bán sản phẩm dịch vụ đầu ra không tăng, rồi báo cáo lỗ nhằm trốn thuế. Hai năm trước, trong số hơn 1.300 doanh nghiệp FDI nộp báo cáo tài chính năm 2009 về Cục Thuế TP.HCM, có tới 56% báo cáo lỗ. Tuy vậy, không ít doanh nghiệp báo lỗ nhưng vẫn liên tục mở rộng sản xuất kinh doanh. Năm 2010, tình trạng này đã giảm nhưng vẫn tiếp diễn trong năm 2011.
Với tình trạng DN “lãi thật, lỗ giả” như hiện nay, Cục Thuế TP.HCM cho biết sẽ tăng cường việc giám sát, kiểm tra, thanh tra định kỳ hoặc đột xuất đối với hoạt động sản xuất kinh doanh.
Hải Yên
Theo TTXVN