Nếu tình trạng sốt đất đang diễn ra ở khắp các tỉnh thành trên cả nước tiếp tục kéo dài có thể dẫn tới tình trạng bong bóng bất động sản (BĐS), gây ra các hệ lụy bất ổn với kinh tế vĩ mô.
Xin kể lại đây một câu chuyện: Vợ chồng người bạn tôi bỏ ra 1,3 tỷ đồng mua một mảnh đất hơn 3000 m² tại Minh Quang, Ba Vì, Hà Nội vào tháng 8/2020. Tiếp đó vào tháng 11/2020, bạn tôi lại bỏ thêm 1 tỷ đồng để mua một mảnh nữa cách đó vài cây số. Hai vợ chồng cho biết, mục đích mua lúc đầu là sẽ để một mảnh làm nhà vườn nghỉ ngơi cuối tuần và để ở khi về già, một mảnh coi như để đó đầu tư, sau này sẽ bán đi để hiện thực hóa mục tiêu trên. Nhưng sau vài lần lên thăm mảnh đất hơn 3000 m², cải tạo lại vườn và căn nhà cấp 4 đã có sẵn, hai vợ chồng bắt đầu “oải” vì trở thành những người “nông dân” thực thụ trên mảnh đất của mình thực sự không dễ như những gì mà họ - đã nghĩ. Họ đang băn khoăn chưa biết phải làm gì tiếp theo thì cơn sốt đất ập tới. Và vào tháng 3 vừa qua, họ đã quyết định bán đi mảnh đất hơn 3000 m² với giá gần 2,6 tỷ đồng, tức thu được mức lãi hơn 1 tỷ đồng chỉ sau 7 tháng “đầu tư”. Và hiện tại, cuối tuần nào họ cũng đi xem đất, khi ở địa phương này, lúc ở địa phương khác, từ Thái Nguyên đến Quảng Ninh… với kỳ vọng sẽ thu được lợi nhuận như vừa qua.
|
Nếu trong kinh doanh – đặc biệt trong bối cảnh khó khăn vì Covid-19 hiện nay, kiếm được 10% lợi nhuận/năm đã là không dễ thì việc giá đất tăng tới 20-30% hay thậm chí gần gấp đôi chỉ trong vài tháng gần đây quả thực là điều đáng mơ ước. Thế nhưng những mức lợi nhuận siêu khủng như vậy cũng đặt ra rủi ro lớn không kém.
Có nhiều nguyên nhân mang tính cộng hưởng được đưa ra để lý giải cho hiện tượng giá đất tăng trên khắp cả nước hiện nay. Từ xu hướng dài hạn là đà tăng giá của BĐS trong bối cảnh nguồn cung ngày càng thu hẹp trong khi nhu cầu ngày càng tăng lên; từ các thông tin về quy hoạch, ý tưởng quy hoạch cho giai đoạn 2021-2030 liên tiếp được đưa ra ở các tỉnh, thành phố dẫn đến tâm lý cứ bỏ tiền vào BĐS là thắng…
Nhưng theo hầu hết các chuyên gia, nguyên nhân chính dẫn đến giá đất tăng nhanh chỉ trong thời gian ngắn vừa qua - và không thể dùng từ nào chính xác hơn là “sốt đất” chủ yếu đến từ yếu tố đầu cơ, tin đồn để thổi giá. “Tôi cho rằng yếu tố đầu cơ, tung các thông tin không xác thực để thổi giá đang là nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng sốt đất hiện nay. Bên cạnh đó, cũng có không ít nhà đầu tư đang thấy thị trường BĐS sôi động và có thể bỏ tiền vào để “lướt” kiếm lời trong thời gian ngắn cũng khiến tình trạng sốt đất trở nên phổ biến hơn”, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng nhận định.
Thực tế đã chứng minh, hệ lụy từ sốt đất kéo dài đến kinh tế vĩ mô một khi xảy ra thường phải mất nhiều năm mới khắc phục được (như gần đây nhất là giai đoạn 2007-2008). Các chuyên gia cho rằng, mặc dù ít có khả năng hiện tượng sốt đất hiện nay có thể trở thành bong bóng BĐS trong ngắn hạn (năm nay và năm sau) nhưng nếu giá đất tiếp tục tăng phi mã kéo dài thì nguy cơ bóng bóng cũng không thể loại trừ. Hơn nữa, khi giá đất tăng cao sẽ khiến Nhà nước khó khăn hơn trong triển khai các dự án hạ tầng có thu hồi đất, trong khi đây lại là thời điểm mà nhiều dự án hạ tầng, công tác giải ngân đầu tư công đang được Chính phủ thúc đẩy triển khai mạnh và coi đây là một trong những động lực giúp nền kinh tế phục hồi tăng trưởng từ Covid-19.
Vấn đề sốt đất hiện nay vì vậy đã và đang được các nhà quản lý lưu tâm. Các chuyên gia cho rằng, để phát triển thị trường BĐS lành mạnh trong trung và dài hạn sẽ cần triển khai đồng bộ nhiều chính sách và giải pháp. Tuy nhiên trước mắt, để xử lý hiện tượng sốt đất trong ngắn hạn thì quan trọng nhất là cần xử lý được tình trạng đầu cơ, thổi giá. Theo TS. Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cần chỉ đạo chính quyền các địa phương áp dụng các biện pháp ngăn chặn sốt đất ảo, thổi giá đất. Một giải pháp mạnh tay hơn mà chuyên gia này đề xuất là Nhà nước nên tạm dừng chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp và công bố rộng rãi thông tin này cho người dân, bởi thực tế có nhiều người mua vì kỳ vọng sau đó sẽ chuyển được sang đất ở.
Đồng tình với quan điểm trên, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, cần có biện pháp hành chính tại một số địa phương đang diễn ra tình trạng sốt đất. Theo đó, các Ủy ban Nhân dân, Sở Tài nguyên Môi trường nắm rõ về giá đất ở địa phương mình, vì vậy khi thấy giá đất bị đẩy lên một cách bất thường như thế thì cần vào cuộc can thiệp và xử phạt những “cò mồi”, khách hàng mua là những “tay trong” của họ. “Phải làm mạnh tay và xử lý được một số trường hợp cụ thể thì mới ngăn chặn được tình trạng đầu cơ, thổi giá”, chuyên gia này nhấn mạnh.
Cùng với đó, việc công khai thông tin về quy hoạch, kế hoạch để người dân tiếp cận thông tin một cách chính thống, tăng cường quản lý với các dự án BĐS, hoạt động môi giới BĐS, quy định về đăng ký chuyển quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất... cũng là những biện pháp cần triển khai hiệu quả hơn để tránh các hiện tượng tung tin đồn, lợi dụng thổi giá.
Đỗ Lê
Theo Thời báo Ngân hàng