Trong mấy năm gần đây, tội phạm về mua bán người đã trở thành một vấn nạn, gây bức xúc trong toàn xã hội không chỉ ở Việt Nam mà trên phạm vi toàn thế giới.
Điều đáng lo ngại là loại tội phạm này ngày càng phức tạp, tính chất và thủ đoạn hoạt động của chúng ngày càng nghiêm trọng.
Nỗi đau của toàn xã hội
Hành vi mua bán người đặc biệt là mua bán phụ nữ không chỉ xâm phạm nhân phẩm, danh dự và quyền tự do của con người, coi phụ nữ như món hàng đem ra trao đổi, mua bán mà còn để lại những hậu quả đau lòng, những vết sẹo khó lành đối với nạn nhân, gia đình nạn nhân và nỗi đau nhức nhối với toàn xã hội.
Chỉ vì hám lợi trước mắt, muốn có tiền tiêu xài nhưng lại lười lao động, một số đối tượng đã dùng mọi thủ đoạn lừa gạt nạn nhân mà chủ yếu là những phụ nữ nhẹ dạ, cả tin để bán họ sang biên giới. Chúng đã bất chấp lương tâm, tình người, đẩy những cô gái đáng thương vào bi kịch.
Có một thực tế, nạn nhân của bọn tội phạm mua bán người chủ yếu là những cô gái trẻ ở nhiều địa bàn khác nhau. Có những cô gái vốn xuất thân từ nông thôn nghèo khó, chỉ vì muốn có cuộc sống tốt hơn, muốn kiếm được nhiều tiền để thay đổi cuộc sống, họ đã tin vào lời hứa hẹn về một công việc tốt ở phía bên kia biên giới, để rồi từ đó từng bước sa chân vào cái bẫy của bọn buôn người.
Bên cạnh đó, không ít trường hợp vì ham chơi, gia đình buông lỏng quản lí, nhiều cô gái chỉ cần những cuộc làm quen qua mạng và vài lần trao đổi thông tin với một nhân vật ảo nào đó là đã “buông” mình. Các cô, phần lớn đều chưa đủ tỉnh táo để hiểu rằng, cuộc sống với nhiều cám dỗ, chỉ một phút yếu lòng, dễ dãi sẽ trở thành “con mồi” béo bở cho những kẻ hám lợi, bất chấp luật pháp.
Tuyên truyền về phòng, chống mua bán người cho đồng bào vùng sâu, vùng xa
Trước tình hình đó, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều nỗ lực trong công tác phòng, chống mua bán người, đặc biệt là mua bán phụ nữ và trẻ em. Điều này thể hiện ở chỗ đã có nhiều chính sách, văn bản quy phạm pháp luật được ban hành nhằm bảo vệ quyền con người nói chung, quyền của phụ nữ và trẻ em nói riêng như: Hiến pháp; Luật Hôn nhân và gia đình; Bộ luật hình sự; Bộ luật Tố tụng hình sự; Luật Bình đẳng giới; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính; Pháp lệnh Phòng chống mại dâm; Pháp lệnh Xuất cảnh, nhập cảnh góp phần quan trọng vào việc phòng ngừa, ngăn chặn, trừng trị tội phạm mua bán người.
Mặc dù vậy, tình hình hoạt động tội phạm mua bán người vẫn diễn biến phức tạp, xu hướng tăng. Trong đó, nguyên nhân cơ bản là do siêu lợi nhuận, mất cân bằng về giới, do khó khăn về kinh tế, thất nghiệp, thiếu việc làm, do mất cảnh giác, nhẹ dạ cả tin của người dân; công tác truyền thông, đấu tranh, trấn áp tội phạm mua bán người chưa đủ mạnh...
Theo Đại tá Lê Văn Chương, Phó cục trưởng Cục tham mưu Cảnh sát, Bộ Công an thì tại Việt Nam, hoạt động mua bán người xảy ra phạm vi trên cả 63 tỉnh, thành phố, không chỉ xảy ra mua bán phụ nữ, trẻ em mà còn có mua bán đàn ông, bào thai, nội tạng... Mỗi năm trung bình trên cả nước có hơn 500 vụ liên quan đến nạn mua bán người. Cùng với đó cũng xuất hiện những đường dây mua bán người xuyên quốc gia, đưa người ra nước ngoài dưới dạng du lịch nhưng thực chất là mua bán để ép buộc cưỡng bức lao động và mại dâm.
Những kẽ hở cần được lấp đầy
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng tội phạm mua bán người không ngừng gia tăng trong những năm vừa qua, nhưng chủ yếu là do điều kiện kinh tế ở nhiều địa phương, nhất là vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn. Mặt khác, do tác động từ mặt trái của nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế dẫn đến sự phân hóa giàu nghèo càng sâu sắc, tình trạng thiếu việc làm vẫn còn gay gắt ở một số địa bàn. Bên cạnh đó, một bộ phận trẻ em thất học dễ bị bọn tội phạm dụ dỗ, lừa gạt…
Đồng thời, việc giáo dục trong phạm vi gia đình cũng như toàn xã hội chưa được chú trọng đúng mức, một bộ phận thanh thiếu niên bị cuốn hút vào đời sống vật chất, xem thường đạo lý, bất chấp pháp luật. Công tác truyền thông chưa được tiến hành thường xuyên, sâu rộng mà chỉ mới dừng lại ở một số địa bàn trọng điểm và vào các đợt cao điểm, đôi lúc còn dàn trải, chưa lồng ghép với thực hiện chương trình kinh tế, xã hội ở địa phương, chưa chú ý phổ biến kinh nghiệm, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến về phòng, chống mua bán người.
Song song với đó, công tác quản lý Nhà nước, quản lý xã hội còn bất cập, sơ hở nhất là trong quản lý người nước ngoài, quản lý hộ khẩu, quản lý an ninh biên giới, xuất nhập cảnh, hôn nhân và nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài… Công tác điều tra cơ bản nắm tình hình chưa thường xuyên, chưa kịp thời. Công tác phát hiện các vụ việc có liên quan còn mang tính thụ động, hầu như mới chỉ dựa vào đơn thư tố giác của người bị hại hoặc gia đình. Bên cạnh đó, công tác rà soát tình hình và điều tra tội phạm mua bán người chưa được tiến hành thường xuyên, chưa đánh giá được đúng thực trạng tình hình và làm rõ được nguyên nhân, điều kiện, quy luật, thủ đoạn hoạt động của bọn tội phạm.
Mặt khác, công tác tổ chức tiếp nhận, hỗ trợ hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân bị mua bán từ nước ngoài trở về còn nhiều lúng túng và bị động; đến nay, mới có khoảng hơn 30% tổng số nạn nhân được hỗ trợ kinh phí hòa nhập cộng đồng. Thêm vào đó, việc hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người còn nhiều hạn chế, nhất là thiếu các hiệp định, thỏa thuận quốc tế trong phòng, chống tội phạm mua bán người, nên rất khó khăn trong phối hợp, trao đổi thông tin, hỗ trợ điều tra xác minh, truy bắt tội phạm, cũng như giải cứu, tiếp nhận nạn nhân bị mua bán trở về.
Hơn nữa, hệ thống các văn bản pháp luật hiện hành về phòng, chống mua bán người của nước ta nhìn chung còn phân tán và về lĩnh vực "phòng" thì chủ yếu là các văn bản dưới luật, hiệu lực pháp lý chưa cao, chưa mang tính đồng bộ và toàn diện; chưa xác định được rõ cơ chế phối hợp hữu hiệu giữa các cơ quan, tổ chức của Chính phủ với nhau và với các cơ quan, tổ chức khác trong công tác phòng, chống mua bán người.
Ngoài ra, các quy định hiện hành liên quan đến hồi hương, tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán hoà nhập cộng đồng mới chỉ đề cập đến đối tượng nạn nhân là phụ nữ, trẻ em từ nước ngoài trở về mà chưa đề cập đến các nạn nhân bị mua bán trong nước và nạn nhân là nam giới. Do vậy, các quy định pháp luật hiện hành chưa đáp ứng được một cách toàn diện, đầy đủ yêu cầu đấu tranh phòng, chống mua bán người trong điều kiện hiện nay.
Cần sự chung tay của toàn xã hội
Nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế nêu trên, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người cũng như hỗ trợ nạn nhân hòa nhập cộng đồng, đồng thời tạo thuận lợi cho hoạt động hợp tác quốc tế về phòng, chống mua bán người, ngày 29/3/2011, Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 9 đã thông qua Luật Phòng, chống mua bán người.
Trước đó, vào ngày 14/7/2004, Thủ tướng Chính phủ cũng đã quyết định phê duyệt Chương trình hành động phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em (nay là Chương trình phòng, chống mua bán người, gọi tắt là Chương trình 130/CP). Trong suốt thời gian triển khai thực hiện, Chương trình đã thu được nhiều kết quả nổi bật.
Một đối tượng buôn người bị đưa ra xét xử
Chỉ tính riêng giai đoạn 2011 - 2015, các cơ quan chức năng đã điều tra, khám phá trên 2.200 vụ, bắt hơn 3.300 đối tượng, tổ chức giải cứu, tiếp nhận gần 4.500 nạn nhân. Còn trước đó, chỉ trong vòng 5 năm (2004 - 2009), lực lượng Công an, Biên phòng đã điều tra, khám phá 1.292 vụ, bắt 2.257 đối tượng (chiếm khoảng 10 - 15% số vụ việc xảy ra trên thực tế). VKSND các cấp đã truy tố 742 vụ, với 1.504 bị can. TAND các cấp xét xử 748 vụ, với 1.367 bị cáo.
Ngoài ra, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã tích cực triển khai thực hiện nhiều biện pháp, như: các biện pháp về kinh tế, xã hội; các biện pháp tuyên truyền, giáo dục trong hệ thống nhà trường và trong cộng đồng; biện pháp phục hồi, hỗ trợ nạn nhân hoà nhập cộng đồng, các chương trình quốc gia về xoá đói giảm nghèo, tạo việc làm, phòng chống tội phạm... nhằm phòng ngừa tệ mua bán người.
Bên cạnh đó, công tác hợp tác quốc tế cũng được tăng cường, mở rộng với nhiều nước, nhiều tổ chức quốc tế, nhất là hợp tác với các nước láng giềng; ký kết Hiệp định hợp tác song phương về phòng, chống buôn bán người với Campuchia (năm 2005), Thái Lan (năm 2008), ký kết Bản ghi nhớ lần 2 với Trung quốc về hợp tác phòng, chống buôn bán người.
Và, để thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam trong việc phòng, chống loại tội phạm nguy hiểm này, ngày 10/5/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định lấy ngày 30/7 hàng năm là "Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người", với mục tiêu huy động mọi nguồn lực, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia phòng ngừa, ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi tội phạm mua bán người trên phạm vi toàn quốc.
Trước đó, ngày 3/6/2016, Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ cùng đã ban hành Kế hoạch số 161/BCĐ chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương tổ chức triển khai thực hiện, trong đó, tập trung vào các hoạt động chính như: Tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2016 - 2020; ban hành kế hoạch và tổ chức triển khai “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người”; VKSND, TAND các cấp đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố các vụ án mua bán người, lựa chọn các vụ án điển hình và tổ chức xét xử lưu động nhằm răn đe tội phạm; đề xuất, tổ chức tổng điều tra, khảo sát toàn quốc về nạn nhân bị mua bán và người nghi bị mua bán giai đoạn 2011 - 2015...
Hy vọng rằng, với sự vào cuộc mạnh mẽ của các ngành, các cấp từ Trung ương đến địa phương một cách sâu rộng như thế, tội phạm về buôn bán người sẽ bị trấn áp, đẩy lùi. Chỉ có như vậy, xã hội mới vơi đi những nỗi đau.
theo Công lý