Ông Nguyễn Đức Phường, Phó tổng thư ký Hội Thiên văn và vũ trụ Việt Nam cho biết, cùng với nhiều nơi trên thế giới, người dân Việt Nam sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng trận mưa sao băng Perseids (mưa sao băng Anh Tiên) vào đêm 12 rạng sáng 13.8.
Ông Nguyễn Đức Phường, Phó tổng thư ký Hội Thiên văn và vũ trụ Việt Nam cho biết, cùng với nhiều nơi trên thế giới, người dân Việt Nam sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng trận mưa sao băng Perseids (mưa sao băng Anh Tiên) vào đêm 12 rạng sáng 13.8.
Theo ông Phường, đây là một trong những trận mưa sao băng đẹp nhất trong năm. Mưa sao băng Perseids sẽ đạt cực đại vào đêm 12.8, rạng sáng 13.8 với số sao băng dự đoán khoảng 60 - 80 vệt/giờ.
Trong điều kiện quan sát lý tưởng, số sao băng quan sát được có thể lên đến 100 vệt/giờ.
Một trận mưa sao băng - Nguồn: http://tagoshu.cool.ne
Thời điểm tốt nhất quan sát trận mưa sao băng là khoảng 1 giờ sáng ngày 13.8. Khi đó, để chiêm ngưỡng hiện tượng thiên nhiên kỳ thú này, mọi người hãy hướng mắt về phía chòm sao Perseus (Anh Tiên), là tâm điểm của trận mưa sao băng. Do đây là thời điểm trăng lưỡi liềm nên ánh trăng không ảnh hưởng nhiều đến việc quan sát.
Ông Phường cho biết, điều kiện quyết định để quan sát mưa sao băng là trời phải quang đãng, không mây. Và để quan sát tốt, chúng ta có thể chọn những nơi thoáng đãng, xa ánh đèn thành phố, các khu công nghiệp.
Bên cạnh đó, khi quan sát chúng ta chú ý phải thả mắt bao quát một vùng trời rộng vì trung bình khoảng 1 phút mới có một sao băng xuất hiện ở bất cứ vùng nào của bầu trời mà không nhất thiết là từ chòm sao Anh Tiên.
Khi quát sát, chúng ta phải kiên nhẫn và chọn tư thế quan sát thoải mái, đề phòng sương đêm hoặc hơi lạnh để đảm bảo sức khỏe.
Theo ông Phường, mưa sao băng xuất hiện khi trái đất đi xuyên qua đám mây bụi, thường là tàn dư đuôi của những sao chổi.
Nguồn gốc của trận mưa sao băng Anh Tiên là do trái đất chuyển động xuyên qua đám mây Pereids kéo dài dọc theo quỹ đạo sao chổi Swift-Tuttle, đây là một trong những sao chổi có chu kỳ dài nhất được biết.
Những hạt bụi trong đám mây Pereids được giải phóng từ sao chổi Swift-Tuttle, do sức hút của trái đất lao vào bầu khí quyển với vận tốc vài chục km/s.
Vì chuyển động với vận tốc lớn như vậy, chúng sẽ nén không khí ở phía trước tạo thành áp suất nén, cộng thêm với ma sát nên bốc cháy ở độ cao từ 60 - 100 km tính từ mặt đất, gây nên trận mưa sao băng.
Quang Duẩn
Theo Thanhnien