Dantin - Nhìn những mớ rau mùi tươi non mơn mởn bày bán ở các chợ có lẽ í tai nghĩ rằng “vòng đời” của rau từ khi gieo hạt đến lúc người bán đem ra chợ chỉ diễn ra vỏn vẹn trong vòng… 3 ngày nhờ được “tắm” bằng hóa chất kích thích.
Dantin - Nhìn những mớ rau mùi tươi non mơn mởn bày bán ở các chợ có lẽ í tai nghĩ rằng “vòng đời” của rau từ khi gieo hạt đến lúc người bán đem ra chợ chỉ diễn ra vỏn vẹn trong vòng… 3 ngày nhờ được “tắm” bằng hóa chất kích thích.
“Không dám ăn rau xã mình trồng”
Xã Tân Minh (Thường Tín) từ lâu được biết đến là một xã trọng điểm về trồng rau thơm của Hà Nội. Rau thơm của Tân Minh không chỉ cung cấp cho thị trường Hà Nội mà còn Bắc Ninh, Hòa Bình cho các vùng khác như Hà Nam, Ninh Bình. Nhờ thị trường tiêu thụ ổn định, giá rau thơm bán cao hơn so với các loại rau khác nên đời sống của người dân xã Tân Minh trong những năm gần đây đã được cải thiện nhiều.
Tuy nhiên, khi thị trường được mở rộng và lợi nhuận từ việc trồng rau thơm đem lại lớn thì việc trồng rau của những hộ dân ở Tân Minh cũng bắt đầu xuất hiện những kiểu canh tác “chụp giật”.
Cuối tháng 4/2013, nguồn tin của một người dân xã Tân Minh cho biết: Dù là xã trồng rau thơm nhưng người dân ở đây không dám ăn rau thơm của xã mình trồng bởi người trồng phun thuốc kích thích tăng trưởng và thuốc bảo vệ thực vật tràn lan, không rõ nguồn gốc, rất nguy hiểm . Nhà nào muốn ăn rau thơm thì phải dành riêng một mảnh đất khác để tự trồng.
Từ thông tin này, PV báo Đời Sống & Tiêu Dùng đã đến cánh đồng trồng rau thơm của xã Tân Minh để xác minh, làm rõ. Khoảng 18giờ30, khi ánh nắng chiều vừa tắt cũng là lúc cánh đồng rau xã Tân Minh xuất hiện hàng chục người dân ra đồng để phun thuốc. Thay vì dùng bình phun, thuốc kích thích được người dân pha lẫn vào nước đựng trong các xô nhựa, sau đó dùng bơm tưới hoa hút và phun đều trên các luống rau thơm. Quan sát kỹ một chút có thể nhận ra xung quanh các luống rau thơm la liệt vỏ các loại hóa chất, thuốc kích thích, thuốc trừ sâu…
Khi được hỏi về loại thuốc dùng để phun, chị Nguyễn Thị Hạnh (46 tuổi, một người dân trồng rau ở xóm 2, xã Tân Minh) không hề giấu diếm: “Thuốc phun rau có nhiều loại lắm, loại nào cũng có. Nhưng phải phun riêng thuốc cho từng loại rau, có loại rau hợp thuốc này, nhưng có loại rau khác không hợp. Thường thì khi phun thuốc vào rau sẽ tốt nhanh hơn, nhanh cho thu hoạch. Trước kia rau thơm muốn bán được thì phải đợi từ 10 – 15 ngày kể từ khi trồng. Giờ có thuốc thì mình làm cũng nhàn hơn một chút…”.
“Trong tất cả các loại rau thơm thì rau mùi là loại rau nhanh được thu hoạch nhất. Nếu như trước kia từ khi gieo hạt giống trên luống đến khi nhổ đi bán phải mất khoảng 1 tuần thì nay chỉ cần khoảng 3 ngày. Trước phải thường xuyên tưới, thậm chí còn phải có mưa thì rau mùi mới xanh non, nhưng giờ chỉ cần phun thuốc vào là xong. Nếu nhà chú trồng nhiều rau, muốn mua thuốc thì cứ gọi cho tôi, tôi mua giúp cho…”, chị Hạnh nói.
Rồi như để chứng minh, chị Hạnh đưa ra một gói thuốc bột màu trắng để “chào hàng” với chúng tôi. Theo quan sát, gói hóa chất trên dạng bột màu trắng, phía bên ngoài ghi chữ Trung Quốc, không có Chữ tiếng Việt. “Loại rau này chỉ để bán, chứ nói thực nhà mình cũng không dám ăn. Phun thuốc xong thấy rau tốt nhanh quá thành ra chính mình cũng… sợ”, chị Hạnh thừa nhận.
Phải chăng “chỉ là số ít thôi”?
Qua trò chuyện với một số hộ dân trồng rau ở Tân Minh, đa số đều khẳng định: Chẳng bao giờ dám ăn rau ở đây vì hàng ngày luôn nhìn thấy cảnh phun thuốc kích thích sinh trưởng, phun thuốc bảo vệ thực vật và thấy rau sinh trưởng quá nhanh. Thêm vào đó, dù phun thuốc nhưng chính những người dân trồng rau ở Tân Minh cũng chẳng biết đó là loại thuốc gì (?!).
Ông Đỗ Văn Bảy (xóm 3, xã Tân Minh) tiết lộ: “Thấy phun thuốc vào rau nhanh tốt thì chúng tôi truyền miệng nhau để mua cùng phun thôi, chứ ai biết nó là thuốc gì. Dạo trước có người lên Lạng Sơn, khi về đem theo mấy gói dùng thử, thấy rau tốt nên từ đó mua về dùng. Thuốc này ngoài quán không bán đâu, phải đặt đấy”.
Theo số liệu thống kê, hiện toàn xã Tân Minh có 200 ha đất nông nghiệp chuyên canh các loại rau húng, mùi ta, mùi tàu, tía tô, kinh giới..., bình quân một ngày cung cấp khoảng 40 tấn rau cho thị trường Hà Nội, Hà Đông, Hà Nam, Hòa Bình, Bắc Ninh, Hà Nam. Toàn xã hiện có 1.250/1.800 hộ dân tham gia trồng rau.
Tuy nhiên, khi trao đổi với PV, ông Nguyễn Công Bằng, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Minh (Thường Tín, Hà Nội) lại cho rằng: “Hiện trên những cánh đồng rau ở Tân Minh, người trồng rau đã khoan hàng chục giếng tạo nguồn nước sạch để tưới rau: Luôn chấp hành nghiêm chỉnh quy trình phòng trừ sâu bệnh tổng hợp trong quá trình sản xuất rau. Việc xử dụng hóa chất để phun rau… không có đâu”.
Cũng theo ông Bằng, tính đến nay, đã có 4/5 thôn trong xã hoàn thành “dự án phát triển mô hình rau sạch” với tổng diện tích 267 ha. Ngoài ra, huyện Thường Tín đã phối hợp với xã để đầu tư 400 triệu đồng quy hoạch trên 10 ha tại khu vực 3 thôn Phúc Trại, La Uyên, Thọ Giáo theo hướng tập trung gọn vùng,…
Tuy nhiên, khi được tận mắt xem những bức ảnh mà PV đã chụp về việc người dân sử dụng hóa chất để “tắm” cho rau thơm thì ông Bằng lại thừa nhận: “Quả thực cũng có một số hộ dân không nghiêm chỉnh tuân thủ quy trình sản xuất rau sạch và có sử dụng hóa chất để kích thích sinh trưởng cho rau, song có lẽ cũng chỉ là số ít thôi” (!).
“Thời gian tới chúng tôi sẽ tiến hành kiểm tra. Nếu có tình trạng này xảy ra, phát hiện trường hợp các hộ dân nào sử dụng hóa chất không rõ nguồn gốc để phun cho rau thì sẽ kiên quyết xử lý. Có thể sẽ tước giấy phép về sản xuất rau sạch”, ông Bằng nói.
Tuy nhiên, về thời gian cụ thể của việc “tiến hành kiểm tra” là vào lúc nào và kiểm tra như thế nào thì vị Phó chủ tịch xã lại không cho biết. Chỉ biết trong khi chờ đợi chính quyền xã Tân Minh “thực hiện lời hứa” thì nhiều người tiêu dùng hằng ngày đang phải tiêu thụ loại rau thơm độc hại mà không hề hay biết.
Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc để điều tra, làm rõ vụ việc, vì sự an toàn sức khỏe và tính mạng của người tiêu dùng.
H.Sơn - P.Hải