Rau do chính những người nông dân Việt Nam sản xuất nhưng rất nhiều người tiêu dùng lại nghi đó là rau “made in China” nhập lậu và bỏ ra khỏi thực đơn. Thị trường rau lao đao, người trồng rau cũng lao đao theo.
Rau do chính những người nông dân Việt Nam sản xuất nhưng rất nhiều người tiêu dùng lại nghi đó là rau “made in China” nhập lậu và bỏ ra khỏi thực đơn. Thị trường rau lao đao, người trồng rau cũng lao đao theo.
Trần Văn Thanh, thôn Thượng Thuận, xã Song Phượng đang chăm sóc ruộng rau đã đến kỳ thu hoạch.
Công cốc với rau trái vụ
Khi chúng tôi đến cánh đồng rau của xã Minh Khai và xã Song Phượng (huyện Hoài Đức, Hà Nội), những bán tín, bán nghi về “rau Trung Quốc nhập lậu” lập tức bị gạt bỏ. Nơi đây đang có những cánh đồng bạt ngàn rau đủ loại như cải bắp, xu hào, súp lơ… những thứ bị nghi là hàng nhập lậu trên thị trường.
Chị Trần Thị Hà (thôn Minh Hòa 1, xã Minh Khai) vừa tưới rau, vừa khẳng định: “Cách đây khoảng 1 tháng thì tôi không biết nguồn rau cải bắp, cải thảo, xu hào, bí xanh… trên thị trường nhập từ đâu về, nhưng một tháng trở lại đây thì nhiều nhà trồng những loại rau này và đã thu hoạch lứa đầu mang đi bán. Vì trồng sớm nên vẫn là rau trái vụ, những loại rau này phải rét đậm mới phát triển tốt nên rau lứa đầu tiên chúng tôi mang bán đều xấu mã và có nhiều sâu”. Còn ông Trần Văn Thanh (thôn Thuận Thượng, xã Song Phượng) thì phàn nàn: “Nhà tôi cứ nghĩ trồng sớm bán đầu vụ sẽ đắt hàng, không ngờ lại bị nghi là hàng Trung Quốc. Nói tóm lại là chỉ khổ người nông dân chúng tôi thôi”.
Theo chị Nguyễn Thị Trang, người trồng gần 2 sào bầu, bí xanh ở xã Minh Khai thì năm nay vụ rau sớm tuy được mùa nhưng lại rớt giá. Bầu bán cho thương lái lấy đi Hà Nội chỉ có 4.000 đồng/quả loại to. Bí xanh được 3.000 đồng/kg, đem ra chợ bán lẻ hôm nào đắt thì được 5.000 đồng/quả, hôm nào rẻ cũng chỉ bằng giá xuất buôn. Trong khi đó, để trồng một sào bầu hay bí, người nông dân ở đây phải đầu tư gần 2 triệu đồng với tiền làm dàn khoảng 1 triệu đồng, tiền giống tầm 300.000 đồng, 700.000 đồng còn lại là tiền phân bón, thuốc trừ sâu... Mỗi sào bầu, bí cho sản lượng từ 1,7 - 2 tấn, tính theo giá xuất buôn 1.500 - 2.000 đồng/kg như bây giờ thì gần như người nông dân đang trồng không công.
Chúng tôi đến xã Vân Nội (huyện Đông Anh, Hà Nội). Nhìn cả cánh đồng cải bắp, xu hào, súp lơ, nhiều luống đã đến kỳ thu hoạch, bà Lã Thị May (thôn Thiết Úng) than thở: “Nông dân chúng tôi đúng là oan gia. Nhiều loại rau vụ rét trồng sớm mong bán được giá thì không những phát triển khó khăn vì thời tiết không hợp mà còn bị nghi là “hàng Trung Quốc” nên bán không được”. Theo bà May thì trồng rau vụ sớm bây giờ chỉ sướng những nhà ký được hợp đồng với các trường, các công ty có bếp ăn thôi.
Chi Trần Thị Hà chăm sóc lứa rau thứ 2 của mình. Ảnh: PV.
|
Kinh nghiệm chọn rau
Theo kinh nghiệm từ người trồng thì rau sạch thường không bóng bẩy láng mướt như loại vẫn được phun thuốc kích thích, lá và thân hơi cứng, ít có vẻ mơn mởn, ít độ bóng. Các loại rau cải thường vẫn có những cái lỗ do sâu gây ra. Su hào củ nhỏ, vỏ thường hay có những chỗ bị sần nâu. Củ, quả sạch thường không được ngâm thuốc để bảo quản trong thời gian dài nên phần cuống vẫn còn tươi, trong khi những loại khác có thể quả vẫn đẹp nhưng phần cuống không còn hoặc quá "cũ kỹ".
|
|
Tuy nhiên khi PV Báo GĐ&XH tìm đến những gia đình có may mắn ký được hợp đồng bán rau cho các bếp ăn tập thể nhưng sự tình cũng không khá hơn là mấy. Ông Nguyễn Tuấn Anh (thôn Viên Nội, xã Vân Nội, huyện Đông Anh) bảo: “Tôi ký hợp đồng được với 2 bếp ăn tập thể nhưng đều là 2 trường mẫu giáo tư thục, họ lấy rau không nhiều. Rau đắt họ không lấy mà chỉ lấy rau đang có giá hợp lý thôi. Lời lãi không đáng bao nhiêu vì giá phải ổn định do họ ký hợp đồng cả năm, rau ngoài thị trường tăng giá nhưng mình cũng không được tăng”.
Nghi ngờ là tẩy chay
Khảo sát tại các chợ trên địa bàn Hà Nội thì các loại rau trồng sớm hơn thời vụ như cải bắp, su hào, cải thảo… bán rất chậm. Giá cải bắp, cải thảo thường giao động từ 12.000- 15.000 đồng/kg; su hào từ 3.000- 4.000 đồng/kg, bí xanh 7.000- 8.000 đồng/kg… Tuy nhiên đây là giá tiểu thương bán lẻ, còn tiền người nông dân nhận về chỉ bằng một nửa giá bán lẻ.
Theo chị Nguyễn Thị Thanh, chủ hàng rau tại chợ Thành Công (quận Ba Đình), hầu hết các loại rau củ bán giá cao thì người dân chê đắt không ăn hoặc ăn ít đi, bán giá rẻ thì bị nghi là hàng nhập từ Trung Quốc. Tiếp xúc với những người nội trợ, chúng tôi được biết hầu hết đều đề cao tinh thần cảnh giác để đảm bảo an toàn cho gia đình của mình. Bà Đinh Thị Ánh (ngõ 20, đường Hồ Tùng Mậu, Từ Liêm, nhận xét: “Chợ nào cũng bán đầy cải bắp, su hào, bí xanh, trong khi ở “ta” phải vào giữa mùa lạnh mới có rau này. Mua về chỉ sợ là hàng Trung Quốc có tiêm chất độc hại thì lại rước họa vào thân, tốt nhất là tôi tránh”. Còn chị Nguyễn Thị Bích Huệ (Thành Công, Ba Đình) thẳng thắn: “Với tôi, thực phẩm là phải đảm bảo an toàn, khi đã nghi ngờ thì nên tẩy chay. Mùa về vừa mất tiền lại vừa ăn, vừa run thì cũng không ngon miệng. Quan điểm của tôi là chọn quả, rau, củ đúng mùa để giảm thiểu tối đa chuyện mua phải hàng kém chất lượng”.
Mai Hạnh
theo GĐ&XH