Sự kiện hot
8 năm trước

Rộ trào lưu phim Việt hóa: Hết thời 'mì ăn liền' đến kỳ 'ăn xổi'

Hàng loạt dự án phim Việt hóa liên tiếp được công bố. Chưa có bao giờ, phim Việt hóa lại phát triển mạnh mẽ...

“Cơn mưa” kịch bản ngoại

Việt hóa không phải một thể loại mới lạ trong làng phim Việt Nam, nhưng sau thành công của Em là bà nội của anh (2015), phim Việt hóa mới thực sự nở rộ. Tiếp đó, sức “phủ sóng” của hai phim truyền hình đang nóng nhất hiện tại là Người phán xử - Việt hóa từ phim của Israel và Sống chung với mẹ chồng - kịch bản dựa trên tiểu thuyết Phù thủy dưới đáy biển của tác giả Trung Quốc Giả Hiểu đã tạo nhiều điều kiện cho cuộc “tấn công” của dòng phim này vào phim Việt.

Hàng loạt các dự án phim có kịch bản nước ngoài lần lượt được công bố. Ở mảng phim truyền hình, hai đạo diễn Bảo Nhân - Nam Cito đang tất bật trên trường quay để thực hiện phim truyền hình Mối tình đầu của tôi, được làm lại từ bộ phim She was pretty ăn khách của Hàn Quốc. Angela Phương Trinh sau khi bỏ vai chính trong Mối tình đầu của tôi cũng gây xôn xao khi nhận một vai diễn khác trong dự án Glee phiên bản Việt.

Bộ phim "Mối tình đầu của tôi" đang được chú ý nhờ dàn diễn viên hot.

Ở mảng điện ảnh, có thể kể đến phim Sắc đẹp ngàn cân do diễn viên Trương Ngọc Ánh sản xuất được làm lại từ “bom tấn” cùng tên của Hàn Quốc chuẩn bị ra mắt.

Dự án Cô nàng ngổ ngáo của đạo diễn Văn Công Viễn làm lại từ phim My sassy girl của Hàn Quốc đang bước vào giai đoạn tìm kiếm diễn viên, dự kiến bấm máy vào tháng 8. Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng tiết lộ anh đang tuyển diễn viên cho phim Ngựa hoang, làm lại từ phim hài Sunny đình đám của Hàn Quốc.

Bộ phim Yêu đi, đừng sợ! với sự tham gia của diễn viên chính là Nhã Phương và Ngô Kiến Huy cũng có kịch bản dựa trên phiên bản gốc Spellbound (2011) của Hàn Quốc.

Bộ phim Sắc đẹp ngàn cân sắp ra rạp trong thời gian tới.

Trước đây, nhiều phim Việt hóa như: Ngôi nhà hạnh phúc, Cô nàng bất đắc dĩ… đã vấp phải tranh cãi về việc chưa thực sự phù hợp với văn hóa Việt Nam.

GS.TS, nhà văn hóa Trịnh Hòa Bình nhìn nhận, phim Việt hóa như: Sống chung với mẹ chồng, do cường điệu hóa, điển hình hóa quá mức và có xu hướng tuyệt đối hóa các khía cạnh tính cách để tạo nên xung đột khiến một bộ phận công chúng cho rằng xa lạ với tâm lý Việt Nam.

Có nhiều cách để Việt hóa phim

Do những bộ phim làm lại đều có phiên bản gốc là những “bom tấn” đình đám nên việc Việt hóa thế nào luôn là điều nhiều người quan tâm, cũng là một áp lực không nhỏ với các nhà sản xuất và đạo diễn khi phim bị so sánh.

Cô nàng ngổ ngáo từng “làm mưa làm gió” khắp châu Á nên khi bộ phim được công bố sẽ có phiên bản Việt khiến nhiều người háo hức. Được biết, nhà sản xuất phải mua đứt bản quyền kịch bản gốc để được toàn quyền chỉnh sửa, Việt hóa lại.

Đạo diễn Văn Công Viễn cho hay, anh đã Việt hóa tới 70% nội dung kịch bản, chỉ giữ lại những tuyến nội dung chính.

Còn Trương Ngọc Ánh tâm sự, làm phim Việt hóa thường có nhiều ưu điểm khi kịch bản đã được kiểm chứng độ hút khách, nhưng cũng là thử thách lớn khi phải “sáng tạo trong khuôn khổ”, không được phá vỡ hay thay đổi các câu chuyện, nút thắt theo ý mình. Các chuyên gia đến từ điện ảnh Hàn Quốc có những yêu cầu khắt khe nhất để đảm bảo tính nhất quán trong tính cách và tâm lý của nhân vật chính.

Bộ phim "Người phán xử" được đánh giá Việt hoá thành công.

Tuy nhiên, cũng có nhiều phim thời điểm tới ra mắt lại khó khăn trong việc đưa văn hóa Việt vào phim. Ê-kíp làm phim Mối tình đầu của tôi, đạo diễn Bảo Nhân tiết lộ, ê-kíp đã phải cam kết làm theo những gì phía Hàn Quốc yêu cầu từ hình ảnh, thời trang, âm nhạc. Phim được quay bằng máy quay phim điện ảnh, quy tụ những người trong làng phim điện ảnh từ D.O.P, đạo diễn, diễn viên, quay phim. Dàn diễn viên cũng là những tên tuổi hút khán giả trẻ như: Chi Pu, Bình An, Ninh Dương Lan Ngọc, Bê Trần.

Nhìn vào thị trường phim ảnh Việt đang náo nhiệt bởi phim nước ngoài được Việt hóa, nhà phê bình điện ảnh Đặng Minh Liên cũng chỉ ra, đa số các nhà sản xuất, nhà làm phim chỉ quan tâm nhiều tới vấn đề kinh doanh làm ăn, họ thấy dễ thì làm.

Việt hóa phim không đáng ca ngợi, nếu có những kịch bản thuần Việt thì vẫn tốt hơn rất nhiều. Còn khán giả, họ thấy hay thì xem mà không hay thì thôi, đó là thị hiếu nhất thời cũng không thể trách họ được.

Theo Báo giao thông

Từ khóa: