Sự kiện hot
13 năm trước

"Rộn ràng" buôn lậu giáp Tết

Càng gần Tết, tình hình buôn lậu qua khu vực cửa khẩu Tịnh Biên (An Giang) càng trở nên sôi động. Giới buôn lậu ồ ạt xuất xăng dầu qua Campuchia và tuồn đường cát ngoại vào nội địa để tiêu thụ dưới mác đường nội.

Càng gần Tết, tình hình buôn lậu qua khu vực cửa khẩu Tịnh Biên (An Giang) càng trở nên sôi động. Giới buôn lậu ồ ạt xuất xăng dầu qua Campuchia và tuồn đường cát ngoại vào nội địa để tiêu thụ dưới mác đường nội.

Hằng ngày, xăng dầu lậu được tập kết ngay bờ kênh Vĩnh Tế (ấp Tà Ngao, xã An Phú, huyện Tịnh Biên) rồi dùng vỏ lải vận chuyển chạy dọc trên kênh Vĩnh Tế, theo các kênh rạch rẽ nhánh qua Campuchia.

Xăng “chảy” theo… nước sông 

Những ngày đầu năm, trên bờ kênh Vĩnh Tế tấp nập cảnh các ghe xuồng, vỏ lải vào tiếp nhiên nhiệu. 2 chiếc vỏ lải, chở khoảng 30 can nhựa loại 30 lít đầy ắp xăng dầu xuất phát từ cây xăng B.Đ rẽ theo hai hướng về thị xã Châu Đốc và Hà Tiên, Kiên Giang rồi rẽ theo các kênh, rạch dọc kênh Vĩnh Tế qua biên giới Campuchia. Trung bình mỗi ngày có khoảng 2.000 can xăng, dầu, loại 30 lít/can được chuyển qua biên giới để thu lợi bất chính. Mỗi lít xăng A92 khi qua Campuchia được bán với giá 28.000 đồng, giới buôn lậu lời từ 5.000- 6.000 đồng/lít.

Theo ông Tám Thạch, một người dân ở địa phương, cánh buôn lậu, vận chuyển xăng dầu không từ bất cứ thủ đoạn nào để đưa xăng dầu qua Campuchia và sẵn sàng tấn công, chống trả lực lượng chức năng khi bị phát hiện, bắt giữ. Thực tế, trong cuộc chiến chống buôn lậu ở An Giang đã từng xảy ra vụ việc, lực lượng hải quan bị dân đai vác hàng thuê, vận chuyển hàng lậu tấn công để giữ hàng.

Nhiều người dân tại địa phương cho biết, nguồn hàng cung cấp chủ yếu cho dân buôn lậu xăng dầu qua Campuchia vẫn là bè xăng B.Đ (thị trấn Tịnh Biên) và cây xăng N.T, xã An Phú, huyện Tịnh Biên. Con đường chính vận chuyển xăng dầu lậu vẫn là kênh Tư Mèo và mương Thằng Cần.

Tên mương Thằng Cần được gọi theo tên của một ông “trùm” vận chuyển hàng lậu tại thị trấn Tịnh Biên, đối tượng từng phải nhiều lần vào tù, ra khám vì cầm đầu băng nhóm vận chuyển hàng lậu và sẵn sàng tấn công lại lực lượng chức năng để giữ hàng khi bị phát hiện, bắt giữ.

“Hóa kiếp” đường cát ngoại

Dọc theo tuyến sông Bình Di, xã Khánh An, huyện An Phú, hàng chục chiếc ghe hạng nặng, loại 40- 80 tấn chở đường cát Thái Lan phủ bạt nằm bất động cặp mép sông phía Campuchia, đợi thời cơ để chuyển hàng về Việt Nam. Trên các con hẻm nhỏ trên Tỉnh lộ 956 chạy nối ra bờ sông Bình Di, cung đường vận chuyển đường cát lậu bằng xe gắn máy, mỗi xe chở từ 3-5 bao đường cát phóng bạt mạng về hướng cầu Cồn Tiên để giao cho các đầu nậu ở đây.

Còn tại xã Vĩnh Ngươn, đường cát Thái Lan được vận chuyển bằng vỏ lãi loại lớn về tập kết tại chân cầu Tắc Ri. Trong hơn 1 giờ, chúng tôi đếm được khoảng 20 vỏ lải chở đường cát từ bên kia biên giới theo kênh Chắc Ri tuồn về tập kết tại các kho hàng ở Việt Nam, rồi lột bao, “hóa kiếp” thành đường nội chở đi tiêu thụ.

Thời điểm này, mỗi ngày trên địa bàn xã Vĩnh Ngươn có khoảng 50 chiếc vỏ lả, mỗi chiếc “cõng” 40 - 50 bao đường cát luân phiên nhau cập bến. “Giá chênh lệch giữa đường cát Thái Lan với Việt Nam khoảng 2.000 đồng/kg, mỗi bao đường vận chuyển thành công về Việt Nam, chủ hàng được hưởng lợi từ 80.000 - 100.000 đồng. Dân đai hàng được trả công 5.000 - 100.000 đồng/bao”, một người đai hàng thuê tiết lộ.

Ông Đinh Văn Tươi, Phó Cục trưởng Cục Hải quan An Giang, cho biết, đường cát Thái Lan nhập lậu qua biên giới An Giang được các doanh nghiệp, hộ kinh doanh đối phó bằng cách mua đường trong nước hoặc mua hàng hóa phát mãi của Nhà nước rồi sau đó sử dụng hóa đơn xoay vòng qua mặt cơ quan chức năng. Hoặc thay đổi bao bì tại Campuchia rồi đưa vào Việt Nam để hợp thức hóa bằng các hóa đơn, chứng từ của các nhà máy, doanh nghiệp đường Việt Nam. 

Theo Dat Viet


Từ khóa: