Vụ kiện của Công ty Sáng tạo Văn hóa Trí Việt (First News) với 2 trường ngoại ngữ về việc in sách trái phép lại lần nữa làm nóng vấn đề sách lậu. Và khi nhìn lại thị trường xuất bản hiện nay, sau gần 8 năm thực thi Công ước Berne về bảo vệ quyền tác giả, sách lậu vẫn là một ung nhọt không có thuốc đặc trị.
Vụ kiện của Công ty Sáng tạo Văn hóa Trí Việt (First News) với 2 trường ngoại ngữ về việc in sách trái phép lại lần nữa làm nóng vấn đề sách lậu. Và khi nhìn lại thị trường xuất bản hiện nay, sau gần 8 năm thực thi Công ước Berne về bảo vệ quyền tác giả, sách lậu vẫn là một ung nhọt không có thuốc đặc trị.
Sách lậu đủ loại ở vỉa hè trên đường phố. Ảnh: AD
Ngang nhiên tồn tại
Ngày 26-10-2004, Công ước Berne chính thức có hiệu lực tại Việt Nam. Cuối tháng 2-2011, tức gần 8 năm sau, GS-TS Nguyễn Minh Thuyết, thành viên đoàn giám sát thực thi Luật Xuất bản của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, đã phải thốt lên: “Đi đến đâu cũng nghe than về sách lậu, mà đâu xa ngay giữa thủ đô có đến 3 con đường nổi tiếng chuyên bán sách lậu mà cả nước đều biết nhưng đến nay vẫn không thể dẹp được”. Tại TPHCM, lãnh đạo NXB Trẻ đã từng khẳng định: “Đến 90% sách của chúng tôi bày bán tại các chiếu sách vỉa hè là sách lậu”. Thế nhưng đến nay sách vỉa hè vẫn an nhiên tồn tại.
Hai nhận xét trên cho thấy, đã qua rồi cái thời nhắc đến sách lậu là nhắc đến điều gì đó lén lút, người làm sách lậu luôn phải giấu giếm. Sách lậu ngày nay nhiều đến nỗi người làm sách lậu cũng thấy mình trở nên bình thường. Vụ kiện của First News có lẽ là tiêu biểu nhất của sự tự tin đó khi từ 2 năm trước việc sao chép, in ấn trái phép sách có bản quyền ở các trường ngoại ngữ đã bị cảnh báo, thậm chí bắt giữ, xử phạt. Thế nhưng, tình trạng làm sách lậu ở các trường vẫn ngày càng tăng.
Làm sách lậu ngày càng công khai nên không có gì khó hiểu khi sách lậu ngày càng phổ biến đến thế. Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh kể, có lần một bạn đọc ở xa lên TPHCM, nhân có cơ hội đến thăm nhà văn đã chạy mua mấy cuốn sách mới nhất của anh để nhờ ký. Thế nhưng, đó lại toàn là sách lậu! Nhà văn đã từ chối ký lên các cuốn sách lậu đó mà lấy sách lưu của mình để ký tặng. Chỉ tội nghiệp người bạn đọc ngượng ngùng xin được trả tiền sách nhưng nhà văn lại xem đó là sự chia sẻ với “nạn nhân của hàng giả”. Những trường hợp như thế rất thường xuyên đến nỗi nhà văn trở thành chuyên gia phân biệt sách thật, sách lậu bất đắc dĩ. Thậm chí, có nhà làm sách đã cay đắng nhận xét: “Đánh giá 8 năm thực thi Công ước Berne không phải xem tình hình xuất bản Việt Nam tiến bộ thế nào mà chứng kiến sách lậu lộng hành ra sao”.
Phạt như gãi ngứa...
"Nếu cứ để sách lậu lộng hành thế này thì các NXB đừng nói gì đến sự nghiệp xuất bản, tồn tại đã là cả một vấn đề"
TS Trịnh Ngọc Thạch, Phó Chủ nhiệm, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội
|
|
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng sách lậu lộng hành, như theo lý giải của ông Nguyễn Minh Nhựt, Giám đốc NXB Trẻ: “Làm sách lậu cũng như buôn thuốc lá Jet vậy, làm 10 chuyến dù bị bắt 7 chuyến cũng vẫn có lời. Vậy tội gì họ không làm!”.
Nhận xét của ông Nhựt còn lạc quan, thực tế làm sách lậu 10 - 20 chuyến cũng chưa chắc bị bắt 1, lợi nhuận cao, trả giá thấp là nguyên nhân người làm sách lậu nhởn nhơ công khai hơn bao giờ hết!
Trong giới làm sách, không thiếu những vụ việc người bị hại chủ động đứng ra tìm kiếm chứng cứ tố giác kẻ làm lậu nhưng kết quả lại là “đầu voi đuôi chuột”. Như vụ NXB Trẻ kiện Công ty CP Nhân Văn đình đám một thời, án phí đã nộp, chi phí tìm kiếm bằng chứng đã phải bỏ ra gần cả 100 triệu đồng nhưng cuối cùng vụ việc không đi đến đâu, đành phải giải quyết… “trên bàn nhậu”! Rồi vụ NXB Tổng hợp TPHCM tố giác Nhà in Hoa Mai, vụ NXB Trẻ phối hợp cùng cơ quan công an khui kho sách lậu lớn kỷ lục…
Quá nản với việc không thể xử lý rốt ráo tình trạng sách lậu, ông Phạm Sỹ Sáu, Trưởng phòng Bản quyền NXB Trẻ, đã phải mệt mỏi tuyên bố tại hội nghị tổng kết toàn ngành xuất bản: “Chúng tôi đầu hàng, vài năm qua, chúng tôi chẳng bàn gì đến sách lậu nữa. Để tồn tại thậm chí chúng tôi chấp nhận thương thảo với những người bán sách để sách có bản quyền của chúng tôi được bán cạnh sách lậu trong nhà sách. Chỉ hy vọng bạn đọc có thể tự lựa chọn mà thôi”.
Chống cách nào?
Ông Nguyễn Minh Nhựt cho rằng mấu chốt của in lậu là người làm sách lậu. Đó mới là gốc rễ vấn đề, còn việc bắt giữ sách lậu ở các điểm bày bán hiện nay chỉ là xử phần ngọn. “Nếu mỗi lần làm sách lậu, đầu nậu bị phát hiện xử nặng đến mức phá sản, không thể lấy các lần làm lậu khác bù vào thì kẻ ngông nghênh mấy cũng không dám” - ông Nhựt kiến nghị. Tán đồng ý kiến trên, TS Trịnh Ngọc Thạch cho rằng: “Xử lý vi phạm xuất bản hiện nay gây rất nhiều bức xúc, chế tài không đủ mạnh, xử lý vừa ít vừa nhẹ, kiểu như xử lý cho tồn tại nên không đủ sức răn đe”.
Một lý do khác của việc bùng phát sách lậu còn là ở việc vẫn tồn tại tâm lý xem nhẹ vấn đề tôn trọng bản quyền. Thậm chí ngay cả ở môi trường tri thức cao như giảng đường ĐH, vấn đề này cũng ít được chú ý. Ông Nguyễn Văn Phước, Giám đốc First News, khẳng định: “Không chỉ trường tư, trường ĐH công cũng có tình trạng sách lậu”. Sinh viên thản nhiên đi photo sách, sử dụng sách lậu, cả giáo viên cũng vô tư lấy sách có bản quyền về chắp vá làm giáo án…”. Tình trạng thờ ơ với bản quyền còn lan đến cả các cơ quan chức năng. Đại diện một NXB còn cho rằng sách lậu như hàng giả, lẽ ra cơ quan quản lý thị trường cũng phải có trách nhiệm nhưng thực tế lại rất ít quan tâm, họp báo tố sách lậu hầu như không bao giờ họ có mặt, dù được mời.
Và chính việc thay đổi thói quen về sách lậu mới được cho là biện pháp triệt để nhất chống sách lậu. Nhiều thành tựu mới của xuất bản đang xuất hiện như sách điện tử, xuất bản qua mạng… nên việc theo dõi, xử lý sách lậu sẽ càng thêm khó khăn. Phải xây dựng cho được lối sống tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ, tôn trọng quyền tác giả từ người dân đến cơ quan công quyền thì việc chống sách lậu mới hiệu quả.
Tăng cường quảng bá, phổ biến các loại sách lành mạnh cũng là giải pháp đẩy lùi sách lậu... Ảnh: T.Vân
Tường Vy
Theo SGGP