Sự kiện hot
6 tháng trước

Sản phẩm OCOP - động lực phát triển kinh tế nông thôn

Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là một sáng kiến quan trọng nhằm thúc đẩy kinh tế nông thôn, nâng cao giá trị các sản phẩm địa phương và cải thiện đời sống người dân. Từ khi được triển khai, OCOP đã trở thành động lực mạnh mẽ giúp nông thôn Việt Nam phát triển bền vững, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân.

Ban hành Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP
Sản phẩm OCOP - động lực phát triển kinh tế nông thôn.

Theo số liệu thống kê, tính đến tháng 5/2024, cả nước có 12.758 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên và 6.957 chủ thể OCOP. Tại nhiều địa phương, Chương trình OCOP đã tác động tích cực đến phát triển kinh tế nông thôn, khơi dậy tiềm năng đất đai, sản vật, lợi thế so sánh. Đặc biệt là các giá trị văn hóa vùng, miền để hình thành các sản phẩm OCOP tích hợp “đa giá trị”, gắn kết giữa phát triển nông nghiệp với dịch vụ, du lịch; trở thành tiêu chí bắt buộc đối với các xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

Xác định nông nghiệp là trụ đỡ quan trọng của nền kinh tế, thời gian qua NHNN đã có nhiều cơ chế, chính sách để đồng hành cùng nông nghiệp, nông thôn; trong đó có các sản phẩm OCOP. Các NHTM đã tích cực đưa ra nhiều gói tín dụng ưu đãi dành cho các sản phẩm OCOP, đồng hành cùng doanh nghiệp, người dân phát triển sản phẩm lợi thế của địa phương, trở thành “bà đỡ” của nhiều sản phẩm OCOP vươn tầm trong nước và quốc tế.

Ông Đào Đức Huấn, Trưởng phòng OCOP, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định: Chương trình OCOP vô cùng có ý nghĩa về mặt chính sách và hiệu quả kinh tế.

Đến thời điểm hiện tại, sự đón nhận của địa phương đối với chương trình rộng khắp khi được triển khai ở 63/63 tỉnh, thành với hơn 600 đơn vị cấp huyện, hơn 80% đơn vị cấp xã. Đây là chính sách có tác động rất lớn đến phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian vừa qua.

Còn trên khía cạnh thực tế, tính đến tháng 6/2024, cả nước có 13.368 sản phẩm, con số sản phẩm hàng tháng đều tăng, cơ cấu sản phẩm cũng có sự thay đổi, trong đó có hơn 70% là được đánh giá 3 sao, khoảng 26% được đánh giá 4 sao còn lại là sản phẩm 5 sao.

Theo khảo sát, đánh giá tác động của Chương trình đối với kinh tế hàng năm, đánh giá trên 4 khía cạnh chính. Một trong những tác động nổi trội nhất đó là thay đổi hiện trạng sản xuất của sản phẩm OCOP, đó là thay đổi về tư duy và quy trình sản xuất của các chủ thể OCOP. Ví dụ trên gần 2000 chủ thể là hợp tác xã có sản phẩm OCOP, nghĩa là phải chuyển đổi từ kinh doanh đơn thuần sang sản xuất sản phẩm; các chuỗi sản phẩm OCOP ngày càng được liên thông qua liên kết vùng. Tính đến hết năm 2023, 34,6% các chủ thể đã có vùng nguyên liệu của mình. Đây là yếu tố tác động mạnh đến việc hình thành chuỗi liên kết.

Tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP - Tạp chí Tài chính

Với vai trò là kênh dẫn vốn quan trọng nền kinh tế, ngành Ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ các sản phẩm OCOP vươn xa. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều cơ chế, chính sách để đồng hành cùng nông nghiệp, nông thôn, trong đó có các sản phẩm OCOP. Các ngân hàng thương mại (NHTM), đặc biệt là Agribank – ngân hàng chủ lực trong cho vay tam nông - đã đưa ra nhiều gói tín dụng ưu đãi, đặc thù cho từng ngành, lĩnh vực của nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là các sản phẩm OCOP.

Tính đến nay, Agribank đã đáp ứng hơn 500 tỷ đồng vốn tín dụng cho các khách hàng sản xuất, kinh doanh các sản phẩm OCOP. Đối với chương trình cho vay ưu đãi khách hàng cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP mới triển khai 26/1/2024 đến nay đạt doanh số cho vay 101 tỷ đồng.

Ngoài ra, Agribank đã chủ động, linh hoạt cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế và phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, tập trung cho 3 động lực tăng trưởng chính là tiêu dùng, xuất khẩu, đầu tư và ưu tiên 5 lĩnh vực mũi nhọn bao gồm xuất khẩu, nông nghiệp, công nghệ cao, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ.

Đặc biệt, từ đầu năm 2024, Agribank đã triển khai nhiều giải pháp gia tăng khả năng tiếp cận vốn và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, trong đó chủ động điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, triển khai các chương trình tín dụng quy mô hơn 150.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay thấp hơn từ 1-3% so với lãi suất thông thường để khuyến khích, hỗ trợ khách hàng sử dụng vốn.

Dòng vốn ngân hàng đã trở thành chất xúc tác quan trọng, góp phần thay đổi tư duy trong sản xuất của người dân, hợp tác xã, từng bước chuyển đổi từ quy mô nhỏ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị, có truy xuất nguồn gốc và theo nhu cầu thị trường.

Có thể khẳng định OCOP là một chương trình có ý nghĩa lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn. Các sản phẩm địa phương đạt chứng nhận OCOP ngày càng tăng nhưng việc phát triển sản phẩm OCOP còn nhiều điểm hạn chế, chưa thực sự đảm bảo tính bền vững. Đặc biệt, khâu tiêu thụ các sản phẩm OCOP hiện đang gặp khó khăn ngay tại thị trường trong nước và xuất khẩu thì đầy gian nan.

Không thể phủ nhận việc đưa sản phẩm OCOP vào các hệ thống phân phối hiện đại giúp khẳng định thương hiệu cho sản phẩm, tuy nhiên, theo các chuyên gia, lượng tiêu thụ sản phẩm OCOP ở các kênh phân phối này chưa lớn. Thậm chí có sản phẩm còn chưa thể tiếp cận được các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi... Nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã làm ăn nhỏ lẻ vẫn lúng túng tìm đường vào siêu thị; trong khi nhà phân phối luôn hướng đến yếu tố bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng nên yêu cầu chi tiết các tiêu chí về chất lượng sản phẩm, sản lượng phải đủ lớn, được khách hàng tin dùng để không nằm quá lâu trên kệ hàng…

Tiến Hoàng/KTDU

Từ khóa: