Nếu xem Barca giống như một bệnh nhân của cơn sốt vì thời tiết khắc nghiệt của mùa Đông, thì Alexis Sanchez chính là liều “aspirina” (cách viết của asparin trong tiếng TBN) quan trọng. Màn trình diễn của Sanchez đã giúp Barca bừng tỉnh và tiến rất gần đến tứ kết.
Nếu xem Barca giống như một bệnh nhân của cơn sốt vì thời tiết khắc nghiệt của mùa Đông, thì Alexis Sanchez chính là liều “aspirina” (cách viết của asparin trong tiếng TBN) quan trọng. Màn trình diễn của Sanchez đã giúp Barca bừng tỉnh và tiến rất gần đến tứ kết.
Trước khi cùng Barca bước lên chuyến bay từ phi trường El Prat sang Cologne, Champions League vẫn là một giải đấu lạ lẫm với Alexis Sanchez. Trong 3 mùa giải với Udinese, Sanchez chỉ được dự Cúp UEFA chứ không biết mùi vị của giải đấu danh giá nhất châu Âu. Kể từ khi đến Barca, Sanchez mới dự 17 phút trận thắng Viktoria 4-0, và 22 phút ở San Siro.
Nhưng sự lạ lẫm ấy đã không thể níu chân Sanchez - người từng mất một thời gian dài nằm viện khi mới cập bến Nou Camp. Bằng một cú bứt phá ngoạn mục để nhận đường chuyền của Messi từ khu vực giữa sân, và sau đó là pha dứt điểm lạnh lùng, Sanchez đã làm hồi sinh Barca.
Thật khó để diễn tả cảm giác của Sanchez tại thời điểm ấy, nhưng không quá khó để cảm nhận niềm vui tột cùng của ngôi sao người Chile. Có ai không hạnh phúc khi lần đầu tiên trong sự nghiệp ghi bàn ở đấu trường Champions League cơ chứ? Niềm vui của Sanchez được nhân đôi, khi anh hoàn tất cú đúp ở thời điểm tỷ số đang là 1-1. Có thể nói, cơn sốt của Barca đã được chữa trị rất nhanh chóng, bằng “asparina” Sanchez.
Sanchez thăng hoa trong trận đá chính đầu tiên ở Champions League- Ảnh Getty
Cú đúp của Sanchez càng đáng nhớ hơn, khi nó làm sôi sục cảm xúc của những người Chile yêu bóng đá. Rất lâu rồi, chính xác là đã hơn một thập niên, mới lại có cầu thủ Chile ghi 2 bàn thắng trong một trận Champions League. Huyền thoại Ivan Zamorano là người đầu tiên làm được điều này, trước khi đến lượt Marcelo Salas. Có điểm gì chung giữa họ? Cầu nối Serie A. Sanchez giờ đây đang là ngôi sao tại Tây Ban Nha, nhưng không thể phủ nhận sự trưởng thành của anh gắn liền với Udinese và Serie A.
Không chỉ ghi 2 bàn thắng quan trọng, Sanchez còn chơi cực kỳ ăn ý cùng các đồng đội. Trên mặt sân khô cằn vì cái lạnh của mùa Đông, Sanchez đã cùng với những Messi, Fabregas, Iniesta, làm sống dậy “tiqui-taca”, thứ bóng đá đẹp mê hồn mà Barca đã bỏ quên trong vài trận gần đây ở Liga. Nhiều người từng lo ngại Sanchez có thể đi vào vết xe đổ của Ibra ngày nào, nhưng đó chỉ là những lo lắng hão huyền. Ngay như Villa, người đang dưỡng thương, cũng hoàn toàn yên tâm khi Sanchez lấp hết khoảng trống mà anh để lại.
Tốc độ, sự khôn ngoan trong cách xử lý, khả năng di chuyển không bóng (về điểm này, Sanchez từng tâm sự anh học được nhiều từ Di Natale), giúp Sanchez hòa nhập nhanh với “tiqui-taca”. Thậm chí, với khả năng đột phá rất tốt (có thể đá tiền vệ công, chạy cánh, trung phong), Sanchez - được CĐV River Plate gọi là “paso doble-triplo” (ám chỉ những pha lừa bóng 2-3 bước), càng làm cho “tiqui-taca” thêm biến ảo khôn lường.
Đêm thăng hoa của Sanchez ngay trong trận đá chính đầu tiên ở Champions League, cũng như phong độ các trận trước đó, là quá đủ để giải thích vì sao Barca phải bỏ ra khoản phí không nhỏ để kéo cầu thủ này rời khỏi sân Friuli. Nó cũng lý giải vì sao người Chile cho tới giờ vẫn thích gọi anh là “El Nino Maravilla” (Cậu bé kỳ diệu).
Sanchez đang có cơ hội lớn để đi vào ngôi nhà huyền thoại ở sân Nou Camp. Để làm được điều đó, trước tiên anh cần giữ vững phong độ như hiện tại, để đưa Barca trở lại nước Đức vào cuối mùa giải. Tất nhiên không phải quay lại BayArena, mà là Allianz Arena, nơi diễn ra trận chung kết Champions League.
Theo TT&VH