Chuyện tái cấu trúc ngân hàng đang rất "hot", song xem ra, lại chỉ nóng đối với những người ngoài cuộc hay lo xa. Còn các ngân hàng - người trong cuộc - thì không đến nỗi nóng rẫy như dư luận đặt vấn đề. Điều này có vẻ đúng nếu nhìn dưới quan điểm tái cấu trúc mà Ngân hàng nhà nước đề ra.
Chuyện tái cấu trúc ngân hàng đang rất "hot", song xem ra, lại chỉ nóng đối với những người ngoài cuộc hay lo xa. Còn các ngân hàng - người trong cuộc - thì không đến nỗi nóng rẫy như dư luận đặt vấn đề. Điều này có vẻ đúng nếu nhìn dưới quan điểm tái cấu trúc mà Ngân hàng nhà nước đề ra.
Chưa có ngân hàng nào nghĩ đến sáp nhập
Ngân hàng nào sẽ phải giải thể, ngân hàng nào sẽ phải sáp nhập... là những câu hỏi rộ lên cách đây hơn 1 tháng, khi câu chuyện tái cấu trúc ngân hàng đang ở đỉnh điểm của dư luận. Thậm chí, không ít người còn nghĩ tới phương án bảo toàn tài sản của mình gửi ở những ngân hàng được cho là "có nguy cơ cao".
Tuy nhiên, những chuyên gia có kinh nghiệm về tài chính ngân hàng lại cho rằng, mọi việc sẽ ổn và không có chuyện sáp nhập, giải thể nào có thể diễn ra trong 1-2 năm tới, còn phá sản thì không bao giờ. Còn những ngân hàng nhỏ đang đối mặt với nghi vấn tái cấu trúc, điều họ lo lắng thường trực không phải là giải thể hay sáp nhập, mà là tính thanh khoản khi dòng tiền đang đội nón ra đi do bị tác động tâm lý.
Tái cấu trúc ngân hàng, trong suy nghĩ chung, là sẽ có giải thể, sáp nhập và kể cả phá sản... Quá trình này rất nặng nề và đáng sợ. Nghi ngờ được đổ dồn vào nhóm các ngân hàng cổ phần nhỏ, nhất là các ngân hàng chưa hoàn thành tăng vốn, các ngân hàng có những chỉ tiêu không đạt yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước.
Thực tế, ngay tại thời điểm đó, với nhóm ngân hàng được đặt nghi vấn "có nguy cơ cao" là những ngân hàng chưa đủ số vốn tối thiểu 3.000 tỷ đồng cũng được cho là không có vấn đề gì là quá đáng ngại. Và câu chuyện thực tế cho đến hôm nay đã cho thấy điều đó.
PG Bank là một trong những ngân hàng chưa tăng đủ vốn 3.000 tỷ. Tuy nhiên, nguồn tin từ PG Bank cho thấy, vấn đề hoàn toàn không nằm ở chỗ thiếu nhà đầu tư hay thiếu tiền. Vướng mắc chỉ là do cổ đông nhà nước đang muốn duy trì một tỷ lệ cao trong khi Chính phủ đang yêu cầu giảm xuống. Trong khi đó, thực tế có rất nhiều nhà đầu tư đang chờ để rót vốn vào đây.
Việc tăng vốn điều lệ lên 3.000 tỷ đồng không phải là quá khó với các ngân hàng.
Một trường hợp khác là SaigonBank. Ngân hàng này cũng chưa tăng đủ vốn, nhưng lại có nhiều tiềm năng và đang có ít nhất bốn nhà đầu tư xếp hàng sẵn sàng bỏ vốn vào đây.
Đến nay, khi kế hoạch tăng vốn của SaigonBank lên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước được công khai, rõ ràng là có một nhà đầu tư đã rót một lượng vốn lớn vào ngân hàng này qua đợt phát hành cổ phiếu riêng lẻ. Số vốn tăng thêm của ngân hàng là hơn 1.000 tỷ đồng.
Trước SaigonBank, Gia DinhBank cũng là một minh chứng về điều này khi họ có được một số cổ đông lớn đổ tiền để tăng vốn từ 2.000 lên 3.000 tỷ đồng, và đổi luôn tên ngân hàng. Lưu ý rằng, trước đó, cổ đông lớn của Gia Dinh là Vietcombank đã rút vốn và cũng được các nhà đầu tư khác mua gọn toàn bộ số cổ phần khoảng 30%.
Như vậy, rõ ràng yêu cầu tăng vốn điều lệ lên 3.000 tỷ đồng đối với các ngân hàng nhỏ không phải là quá khó. Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần cỡ vừa có trụ sở ở Sài Gòn thừa nhận, chuyện tăng vốn, thanh khoản... đều được các ngân hàng vượt qua. Cho đến thời điểm này, không có bất cứ ngân hàng nào, dù nhỏ hay chưa đủ vốn, đặt ra vấn đề sáp nhập. Và có thể 1-2 năm nữa, kể cả trông chờ sự tự nguyện thì điều đó cũng khó xảy ra.
"Điều mà các ngân hàng lo lúc nào là làm sao tăng vốn có lợi nhất và thực hiện đầy đủ, đảm bảo tiêu chí của Ngân hàng Nhà nước yêu cầu là ổn. Hơn thế, Ngân hàng Nhà nước cũng đã khẳng định nhiều lần, tái có cấu sẽ đảm bảo an toàn hệ thống, không ai phá sản hay phải giải thể... nên tái cơ cấu dù cần thiết nhưng sẽ không có gì nặng nề như đã nghĩ", vị này nói.
Thậm chí, trog tính toán mới đây của của Ngân hàng Nhà nước thì trong số 37 ngân hàng thương mại cổ phần; trong đó có 8 ngân hàng cổ phần rất lành mạnh có thể là trụ cột cho hệ thống; 8 ngân hàng cổ phần hoạt động ở mức trung bình; 8 ngân hàng có quy mô nhỏ nhưng lành mạnh; có 8 ngân hàng quy mô nhỏ và hoạt động chưa lành mạnh với tỷ trọng không quá 5% của hệ thống
8 ngân hàng chưa lành mạnh trên có thể sẽ được xếp vào nhóm thứ 3 trong tái cơ cấu là những tổ chức tín dụng mà đang có tình hình tài chính khó khăn cần phải được tái cấu trúc lại.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ thông qua các biện pháp: thay đổi lại cổ đông, nâng cao năng lực của cổ đông hoặc cho các tổ chức tín dụng trong nước khác tham gia cổ đông, mua lại hoặc sáp nhập vào các tổ chức tín dụng khác... theo phương châm lấy lực lượng sẵn có trong hệ thống để tiến hành tái cấu trúc lại các tổ chức này. Dùng các tổ chức có quy mô lớn hơn và tình hình tài chính lớn hơn để tham gia vào việc tái cấu trúc các tổ chức tín dụng nhỏ hơn.
Với số lượng và cách làm này, so sánh với số lượng chuyển đổi, nâng cấp và xử lý mấy chục ngân hàng trước đây - vốn cũng được coi là một đợt tái cơ cấu - thì không có gì là lớn. Hơn thế, điều thuận lợi hiện nay là có rất nhiều nhà đầu tư sẵn sàng đổ vốn cho các ngân hàng; và bản thân một số tổ chức tín dụng, tài chính cũng có nhiều năng lực và tham vọng mở rộng thông qua thâu tóm ngân hàng khá thì điều đó cũng sẽ diễn ra nhẹ nhàng hơn.
Mỗi ngân hàng tự cơ cấu hàng ngày
Trong tuyên bố mới đây, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, việc thực hiện tái cấu trúc sẽ phân nhóm hệ thống ngân hàng Việt Nam thành ba nhóm lớn. Ngoài nhóm yếu kém nhất ở trên thì có hai nhóm khác được đánh giá là khá và tốt.
Cụ thể, nhóm thứ nhất, gồm các ngân hàng có tình hình tài chính lành mạnh, có năng lực, có quy mô đủ lớn để tiếp tục phát triển thành những ngân hàng làm trụ cột trong hệ thống ngân hàng thương mại trong thời gian tới cũng như vươn lên đủ sức cạnh tranh với khu vực và quốc tế. Nhóm ngân hàng này dự kiến sau 5 năm, từ nay đến năm 2015, sẽ có khoảng 15 thành viên và sẽ phải chiếm tới khoảng 80% thị phần hoạt động của hệ thống.
Nhóm thứ hai gồm các ngân hàng có tình hình tài chính lành mạnh nhưng quy mô còn nhỏ, không có nhu cầu hoặc không có điều kiện để phát triển quy mô cao hơn nữa. Đối với các tổ chức tín dụng loại này, Ngân hàng Nhà nước sẽ có những quy định để đảm bảo quy mô hoạt động trong tầm kiểm soát, phù hợp với năng lực của tổ chức tín dụng và cũng có những quy định để đảm bảo sự phân khúc của thị trường cho các tổ chức tín dụng này có thể phát huy được nhưng trên nền tảng hoạt động an toàn và hiệu quả.
Theo các chuyên gia tài chính, nếu đúng như phân loại trên thì việc tái cơ cấu đúng ra chỉ là những nhu cầu phát triển mà ngân hàng nào cũng mong muốn. Đó trước hết là việc đáp ứng các quy định của cơ quan quản lý, tiếp cận các tiêu chuẩn quốc tế, mở rộng phạm vi và gia tăng quy mô như các ngân hàng vẫn mong muốn và thực hiện lâu nay.
Đó là một quá trình tăng năng lực cạnh tranh, phát triển mà ngân hàng nào cũng phải làm. Ngân hàng Nhà nước chỉ cần có định hướng và kiểm soát tốt theo đúng chức năng và yêu cầu phát triển phù hợp với thực tế và hội nhập. Vì thế, đúng là tái cơ cấu nhưng đây cũng là việc cần làm của các ngân hàng nên không có gì quá nặng nề.
Do vậy, mục tiêu tái cấu trúc nhìn lại là để có những những ngân hàng chất lượng và những chỉ số hoạt động tốt nhằm tăng sức mạnh cho toàn hệ thống, góp phần phát triển kinh tế ổn định - trước hết chính là đòi hỏi phát triển lành mạnh của mỗi ngân ngân hàng.
Nói đúng hơn, tái cấu trúc là mỗi ngân hàng phải chủ động thực hiện tái cấu trúc bộ máy hoạt động để nâng cao năng lực, đáp ứng được các nhiệm vụ hỗ trợ phát triển kinh tế, xã hội. Tái cấu trúc phải được bắt nguồn từ sự nỗ lực của mỗi ngân hàng, từ đó sẽ góp phần mang lại sức mạnh cho toàn hệ thống.
Và như thế, tái cơ cấu xem ra không phải là chuyện nặng nề. Quá trình này được bắt đầu từ chính hoạt động hàng ngày của mỗi ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước kiểm soát theo đúng các chức năng, tiêu chí hiệu quả và an toàn đã có và ngày càng nâng cao. Có lẽ vì thế, mà ngay từ đầu dù ở ngoài râm ran nóng rẫy chuyện tái cơ cấu thì chính ngân hàng trong cuộc lại chẳng xem đó là chuyện nặng nề như dư luận xôn xao.
Lê Khắc
Theo VEF