Tuần lễ cấp cao APEC 2017 được tổ chức tại TP. Đà Nẵng vào thời gian tới được đánh giá là “thỏi nam châm” hút các dòng tiền đầu tư cho thị trường BĐS. Thế nhưng, điều đáng quan tâm không kém là liệu sau sự kiện này, thị trường BĐS Đà Nẵng sẽ “theo đà” để tăng trưởng, ảm đạm khi “chợ tan” hay dậm chân tại chỗ?
Yếu tố thúc đẩy sự phát triển của nhiều phân khúc BĐS
Chỉ còn 3 tháng nữa, Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 sẽ chính thức diễn ra, các hạng mục còn lại nhằm phục vụ cho sự kiện đối ngoại lớn nhất năm 2017 của đất nước đã và đang trong giai đoạn hoàn tất.
Theo dự tính, Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 sẽ đón khoảng 20.000 đại biểu bao gồm lãnh đạo các nền kinh tế thành viên, CEO của các tập đoàn lớn trên thế giới… Và để đáp ứng yêu cầu phục vụ cho sự kiện trọng đại này, Đà Nẵng đã thực hiện công tác nâng cấp, sửa chữa hệ thống phòng ốc tại các cơ sở lưu trú được chọn; đồng thời một số dự án lưu trú đẳng cấp cũng được đầu tư xây dựng phục vụ APEC như Ariyana Beach Resort & Suites Danang, Seraton, Hòa Bình Green...
Các hoạt động liên quan đến APEC được đánh giá là có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của thị trường BĐS thành phố biển miền Trung. Dù vậy, thực tế thị trường cho thấy, không phải cho đến thời điểm này, BĐS Đà Nẵng mới bắt đầu sôi động mà hơn 1 năm trở lại đây, lĩnh vực BĐS tại Đà Nẵng đã được đánh giá là có nhiều tiềm năng để phát triển. Thống kê của Sở Du lịch Đà Nẵng đã chỉ ra, trong 6 tháng đầu năm 2017 thành phố chào đón khoảng hơn 3,2 triệu lượt khách du lịch, trong đó khách quốc tế chiếm 38%. So với cùng kỳ năm trước, lượng khách quốc tế tăng 36% và lượng khách nội địa tăng 11%.
Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, hàng loạt khách sạn và các dự án nghỉ dưỡng đã được nhiều doanh nghiệp đổ tiền đầu tư. Thống kê của CBRE đã chỉ ra, ở phân khúc khách sạn, nửa đầu năm 2017, thị trường đón nhận thêm một khách sạn 5 sao và 3 khách sạn 4 sao, cung cấp thêm hơn 1.000 phòng, nâng tổng nguồn cung 3 - 5 sao lên 12.969 phòng.
Tính đến cuối năm 2017, dự kiến thị trường sẽ có thêm khoảng 3.800 phòng từ 21 khách sạn được khai trương, nâng tổng số phòng lên hơn 16.800 phòng, tăng 40% so với năm 2016. Đây là tỷ lệ tăng cao nhất về nguồn cung trong giai đoạn 2014 - 2017. Trong hai năm tiếp theo, dự kiến tốc độ tăng trưởng nguồn cung dao động từ 7% - 9%/năm. Đến năm 2019, Đà Nẵng dự kiến có tổng cộng 19.600 phòng khách sạn 3 - 5 sao.
APEC 2017 không chỉ là yếu tố thúc đẩy sự phát triển các dòng sản phẩm BĐS hạng sang tại Đà Nẵng mà còn tạo ra động lực đối với cả phân khúc BĐS bình dân.
Theo đánh giá của CBRE, trong quý II/2017, nhìn chung các khách sạn ghi nhận kết quả kinh doanh tốt hơn so với cùng kỳ năm trước. Giá phòng bình quân khối 4 - 5 sao đạt 117.6USD/phòng/đêm, tăng 3% theo năm và công suất phòng trung bình là 62%, tăng 2 điểm phần trăm theo năm. Trong đó, khối khách sạn 4 sao trong thành phố dẫn đầu về mức tăng doanh thu phòng bình quân (37% theo năm) do các khách sạn mới đã bắt đầu ổn định việc kinh doanh. Theo sau là khối khách sạn 4 sao ven biển với tỷ lệ tăng là 8,8% theo năm về doanh thu phòng bình quân. Đây cũng là phân khúc ghi nhận tốc độ tăng trưởng nhanh nhất về nguồn cung khách sạn mới trong bốn năm qua.
Bình luận về xu hướng này, bà Dương Thùy Dung, Trưởng bộ phận Nghiên cứu thị trường và Tư vấn phát triển, CBRE Việt Nam nói: “Hàng loạt khách sạn 4 sao khai trương trong những năm gần đây, đặc biệt là các khách sạn mới nằm dọc tuyến đường Võ Nguyên Giáp, góp phần vẽ nên đường skyline mới cho thành phố Đà Nẵng. Những khách sạn này mang đến cho du khách dịch vụ nghỉ dưỡng chuyên nghiệp, cơ sở vật chất và tiện nghi khách sạn hiện đại với giá cả phải chăng, hướng đến lượng khách du lịch nội địa và khách quốc tế có ngân sách khiêm tốn hơn cho việc nghỉ dưỡng đang tăng trưởng mạnh mẽ”.
Về cơ sở hạ tầng – giao thông – yếu tố quan trọng tạo nên “sức hút” cho thị trường BĐS Đà Nẵng, CBRE cho biết, nếu như trong năm 2016, Đà Nẵng có 21 chuyến bay trực tiếp (bao gồm chuyến bay thường kỳ và thuê chuyến) thì đến nửa đầu năm 2017, tổng số chuyến bay tăng lên 26 chuyến. Trong đó, các chuyến bay giữa Đà Nẵng và Hàn Quốc có thêm ba hãng hàng không khai thác, nâng tổng số lên tám hãng.
Ngoài ra, các đường bay trực tiếp giữa Đà Nẵng và Trung Quốc, Hồng Kông, Thái Lan, Singapore cũng cho thấy sự tăng trưởng về số chuyến.
Bà Dung nhận định thêm: “Sự dịch chuyển về quốc tịch khách sẽ ảnh hưởng tích cực đến sự dịch chuyển của dịch vụ đi kèm như F&B, dịch vụ giải trí cũng như nhu cầu về đầu tư BĐS. Theo đó, các chủ đầu tư cũng cần chú trọng thêm về yếu tố ngôn ngữ để mở rộng thị phần khách hàng và đón đầu làn sóng đầu tư”.
“Làn sóng đầu tư, đặc biệt là BĐS nghỉ dưỡng đang diễn ra mạnh mẽ ở Đà Nẵng để đón đầu nhu cầu của du khách sẽ đổ về thành phố trước và sau sự kiện APEC Đà Nẵng 2017", bà Dương Thùy Dung nhận định.
Dự báo, năm 2017, thị trường cũng sẽ đón nhận những thương hiệu khách sạn mới, chính thức hoạt động tại Đà Nẵng như Sheraton, Four Points by Sheraton, Hilton và JW Mariott, đưa Đà Nẵng lên dẫn đầu cả nước về số lượng các thương hiệu quốc tế.
Bên cạnh khách sạn, nhu cầu mua căn hộ và biệt thự tại Đà Nẵng cũng đang tăng trưởng mạnh trong năm nay.
“Có nhiều yếu tố góp phần tạo ra kết quả này mà du lịch có lẽ là nhân tố chủ lực nhất. Bởi Đà Nẵng đang trở thành một điểm đến nổi tiếng với cả khách du lịch trong nước cũng như quốc tế, theo như con số báo cáo gần nhất về lượt du khách đến Đà Nẵng nửa năm 2017”, ông Erik Billgren, Quản lý điều hành Savills Đà Nẵng cho biết.
Có thể nói, APEC 2017 không chỉ là yếu tố thúc đẩy sự phát triển các dòng sản phẩm BĐS hạng sang tại Đà Nẵng mà còn tạo ra động lực đối với cả phân khúc BĐS bình dân như đất nền. Đặc biệt, với những dự án có vị trí sát biển, sát sông, sát các khu nghỉ dưỡng, các cơ sở phục vụ cho APEC 2017.
Ông Nguyễn Hào Hiệp, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Địa ốc First Real cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2017, thị trường BĐS Đà Nẵng vẫn tiếp tục diễn ra sôi động với nhiều dự án mới, đa dạng phân khúc tung hàng ra thị trường. “Sự cộng hưởng của sự kiện APEC và sức nóng từ cuối năm 2016 đến đầu quý I/2017 là tiền đề vô cùng thuận lợi để duy trì sự sôi động đó trong 6 tháng đầu năm nay”, ông Hiệp cho biết.
Sau APEC, “làn sóng” đầu tư tại Đà Nẵng vẫn diễn ra mạnh mẽ
Trong số các loại hình BĐS được “hưởng sái” một phần từ sức hút APEC, có lẽ BĐS nghỉ dưỡng vẫn nằm trong top đầu danh sách. Tuy nhiên, không chờ đến AEPC, thị trường này đã là điểm nóng đầu tư trong 2 năm trở lại đây, đặc biệt là loại hình căn hộ nghỉ dưỡng (condotel).
Thống kê của CBRE cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2017, thị trường ghi nhận nguồn cung mới từ dự án Coco Ocean Resort & Spa, thuộc tổ hợp du lịch giải trí Cocobay, với 520 căn hộ cao cấp, nâng tổng nguồn cung lên 6.715 căn.
Dự kiến hai tháng cuối năm 2017, sẽ có thêm khoảng 1.350 căn từ 5 dự án. Một số dự án đã được chủ đầu tư dời thời gian chào bán dự kiến sang năm 2018 và 2019 nên nguồn cung mới trong hai năm tiếp theo dự kiến khoảng 9.000 căn. Lưu ý, đây là nguồn cung tương lai dự kiến chào bán nên số lượng thực tế có thể thay đổi theo kế hoạch của chủ đầu tư.
Bà Dung cho rằng: “Làn sóng đầu tư, đặc biệt là BĐS nghỉ dưỡng đang diễn ra mạnh mẽ ở Đà Nẵng để đón đầu nhu cầu của du khách sẽ đổ về thành phố trước và sau sự kiện APEC Đà Nẵng 2017. Đồng thời, với những kỳ vọng lên giá của thị trường BĐS sau sự kiện quan trọng này, các chủ đầu tư sẽ mạnh dạn triển khai các dự án, đặc biệt là dự án condotel để đón đầu xu hướng”.
Nói như vậy để thấy rằng, APEC 2017 quả đúng có góp phần không nhỏ tạo nên sức hấp dẫn cho thị trường BĐS Đà Nẵng, theo một cách ví von khác thì APEC như một bộ mỹ phẩm “makeup” cho “một cô gái đã xinh thêm phần quyến rũ hơn”.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng, Tuần lễ Cấp cao APEC là sự kiện diễn ra ngắn ngày, do đó chỉ tạo động lực và thu hút sự quan tâm là chính chứ không tác động nhiều đến giao dịch thị trường. Và sức nóng của thị trường BĐS Đà Nẵng chủ yếu vẫn phụ thuộc vào nhu cầu khách hàng cũng như sức hút do bộ mặt Thành phố thay đổi từ những công trình chuẩn bị đón APEC.
Ông Marc Townsend, nguyên Tổng giám đốc CBRE Việt Nam đánh giá, khách hàng và nhà đầu tư nhìn vào Đà Nẵng là nhìn ở một tầm nhìn dài hạn, khả năng sinh lời vẫn còn cao do quỹ đất không lớn, chính sách hỗ trợ nhà đầu tư tốt, an ninh, và các dự án hầu như đã được tung ra thị trường, chỉ còn lại khá ít chủ đầu tư găm dự án để chờ thời cơ chín muồi.
Dự đoán chung, ông Erik Billgren cho biết: “Tôi tin rằng thị trường Đà Nẵng sẽ còn tiếp tục phát triển nhờ con số khách du lịch đến thành phố xinh đẹp này ngày càng tăng lên và cũng nhờ vào sự gia tăng của tầng lớp trung lưu Việt Nam, đặc biệt là sự tăng trưởng mạnh mẽ của tầng lớp giàu có ở địa phương”.
Nhật Bình
Theo Reatimes